Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt

Lê Bảo,
Chia sẻ

Tại chung cư Đại Thanh (Hà Đông – Hà Nội), hàng ngàn hộ gia đình đang sống trong tình trạng “sống dở chết dở”. Cứ từ 4-6 giờ sáng ông bà, bố mẹ thay nhau vào nhà vệ sinh bày xô chậu ra... hứng nước.

Mỗi ngày được 30 phút

Theo phản ánh của nhiều người dân hiện đang sinh sống tại chung cư Đại Thanh thì tình trạng thiếu, mất nước sinh hoạt đang khiến cuộc sống của cả trăm, cả ngàn người đang sinh sống tại đây đảo lộn. 

Sống giữa chung cư tưởng chừng sẽ được hưởng các dịch vụ tối ưu, tốt nhất thế nhưng nhu cầu tối thiểu nhất đó là nước sinh hoạt không thể phục vụ đủ nhu cầu thiết yếu của cư dân tại đây. Đã 2-3 tháng nay, hiện tượng nước sinh hoạt bị thiếu một cách trầm trọng đã diễn ra. 

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 1
Người dân ở tòa CT8C phải mua nước đóng bình để dùng trong đun nấu.

Theo đó, nếu như trước kia khi đường ống nước cấp từ Sông Đà về chưa bị vỡ thì người dân còn dễ thở nhưng sau khi đường ống nước sinh hoạt vỡ lần gần đây nhất khiến cả ngàn người đang sinh sống tại đây chỉ biết kêu trời.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 2
Thời điểm ống nước Sông Đà bị vỡ, cư dân khu đô thị này phải xếp hàng chờ lấy nước. Ảnh Tào Nga

“Điện – nước là hai thứ thiết yếu nhất đối với cuộc sống của người dân thế mà không hiểu sao phía ban quản lý chung cư Đại Thanh cũng như đơn vị phân phối nước sạch lại bỏ rơi chúng tôi một cách khó hiểu như thế này”, bác Dân một người sống tại tòa CT8B cho hay.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 3
Mỗi bình nước đóng chai có giá từ 15-50 nghìn đồng/bình 19 lít chỉ để đủ nấu một bữa ăn

Cũng theo bác Dân thì cách đây khoảng 10 ngày là thời điểm “nan giải” nhất đối với tất cả mọi người bởi vài ngày chẳng có 1 giọt nước nào được cấp. Nhiều người phải huy động cả gia đình đi mua nước, xin nước hoặc có gia đình còn phải dùng cả nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng để sử dụng.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 4

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 5
Xô chậu được huy động ra để hứng nước theo giờ bơ. Ảnh Tào Nga

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 6
Nước sạch được xem là "đồ xa xỉ" nơi này.

Nói về điều này, chị Hòa ở tòa CT8B cho biết: “Bây giờ cứ mỗi ngày chúng tôi được cấp nước vào sáng sớm và chiều tối một chút, có lần chỉ được từ 15 – 20 phút thôi. Mà nước có chảy mạnh đâu, chảy một cách nhỏ giọt chẳng thể đủ cho việc đun nấu, tắm rửa chứ chưa nói đến việc giặt giũ”.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 7
Với anh Bình, việc chùi rửa những vật dụng cần thiết cũng trở nên khó khăn khi nước sinh hoạt thiếu.

“Kêu rồi, la rồi nhưng vẫn đâu vào đấy”

Đó là câu nói của cô Bình – cư dân thuộc tòa CT8B khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như ban quản lý khu vực này. 

Theo đó, nhiều người dân đã cùng làm đơn kiến nghị đến ban quản lý, chủ đầu tư để cùng khắc phục tình trạng trên. Phía ban quản lý đã có động thái thay đường ống nước mới, lắp đặt một cách khoa học hơn nhưng cũng chẳng khắc phục được đáng là bao.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 8
Khu vực này trở thành "điểm nóng" của những người chuyên đi chở nước thuê.

Theo cũng theo cô Bình thì cả 6 tòa nhà thuộc CT8 và CT10 đều trong tình trạng thiếu nước nhiều tháng nay. Tuy nhiên nguyên nhân của việc thiếu nước, mất nước sinh hoạt ngoài nguyên nhân khách quan do 1 phần của đơn vị cung cấp nước sạch Viwaco thời gian qua thì nguyên nhân chính đó là do phía đơn vị thi công, quản lý đã sai sót trong việc thiết kế, thi công đường ống nước.

Nếu thực sự nguyên nhân do đơn vị thi công chung cư Đại Thanh thiết kế hệ thống cấp nước có sai sót thì chắc chắn người dân khu vực này sẽ còn bị ảnh hưởng thời gian khá dài nữa.

Ngủ gật trong nhà vệ sinh chờ hứng nước sinh hoạt 9
Với người dân nơi này nhiều tháng nay thì ngoài chuyện bàn đến thiếu nước, mất nước sinh hoạt là chủ đề chưa có hồi kết.

Trả lời báo chí, ông Tô Thế Bình- Phó Ban Quản lý Dự án Đại Thanh thừa nhận, tình trạng mất nước ở Đại Thanh là có thật nhưng cho rằng nguyên nhân chính là do lượng nước cung cấp về khu đô thị chưa đủ. “Cho đến nay BQL đã áp dụng một số biện pháp để xử lý, song do lượng nước về không đủ nên đành bất lực”. Còn đại diện phía chủ đầu tư, ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên cũng đổ lỗi cho Viwaco về tình trạng thiếu nước tại Đại Thanh. 

Nhưng  ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Viwaco lại cho rằng: “Nói thật, khu đô thị này không có trong danh mục cung cấp nước của chúng tôi ngay từ đầu, bởi mãi đến khi gần xây dựng xong, chủ đầu tư mới đặt vấn đề và thỏa thuận. Chúng tôi cũng đã khắc phục bằng cách chữa cháy cho họ khi lắp đặt thêm nhiều đường nhánh cấp nước, giờ chúng tôi chỉ biết cấp nước, còn việc bơm trong khu đô thị như thế nào là việc của họ”.
Chia sẻ