Ngôi trường đầu tiên có lớp cho trẻ tự kỷ

,
Chia sẻ

Hội chứng tự kỷ là những khuyết tật phức tạp về phát triển, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, biểu lộ tình cảm hay còn gọi là những rối loạn phát triển.

Ở Việt Nam hội chứng này mới chỉ được biết đến khoảng 10 năm trở lại đây, đối với trẻ hậu quả sẽ là khôn lường nếu cộng đồng không có những hiểu biết đúng đắn về nó. Một phương pháp quan trọng để điều trị hội chứng tự kỷ là sự chia sẻ của cộng đồng.   
 

Ảnh minh họa
      
Song, những bậc cha mẹ của những cô bé, cậu bé mắc bệnh tự kỷ không bao giờ muốn gọi lớp học của con mình là đặc biệt. Bởi mong muốn của họ là mọi người xung quanh hãy coi những đứa trẻ này như những đứa trẻ bình thường khác. Vì trẻ mắc chứng tự kỷ nếu được đi học, được hòa nhập với môi trường xung quanh sẽ có cơ hội để chữa khỏi.
 
Lâu nay, nhiều người cho rằng bệnh tự kỷ đồng nghĩa với các bệnh về thiểu năng trí tuệ hoặc tâm thần. Chính vì hiểu sai về hội chứng tự kỷ nên nhiều gia đình có con em mắc chứng bệnh này rơi vào tình cảnh bế tắc vì con em đã đến tuổi đi học mà không biết gửi con vào trường nào.
 
Trường tiểu học Tân Mai là ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam có lớp học dành cho trẻ tự kỷ. Các em học ở đây khi đã tiến bộ sẽ được chuyển đến học cùng các bạn ở các lớp khác trong trường. Trên thực tế đã có một số em trong lớp học này hòa nhập thành công.
 
Nếu như mỗi trường học trong toàn quốc đều có những lớp học như thế này thì các bậc cha mẹ có con mắc bệnh sẽ bớt đi gánh nặng, nhiều người sẽ không phải nghỉ việc làm ở nhà dạy dỗ con. Và những đứa trẻ đó có cơ hội để tự lập, phát triển bình thường. Chuyện tưởng như đơn giản này lại không dễ thực hiện. Cũng bởi nguyên nhân nhiều nhà trường, nhiều phụ huynh hiểu sai về hội chứng tự kỷ nên không nhận trẻ vào học.

Theo các nhà chuyên môn, hội chứng tự kỷ ở trẻ em có nhiều khả năng để chữa trị thành công nếu như các em được hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Mới đây, Hội cha mẹ có con em mắc hội chứng tự kỷ đang xin được thành lập Hội vì trẻ em tự kỷ để có thêm sự ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng trong và ngoài nước đối với các em.

Những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ nếu như không được đến trường, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ dần biến thành những đứa trẻ khuyết tật. Gạt bỏ suy nghĩ trẻ tự kỷ là những đứa trẻ không bình thường, cộng đồng xã hội sẽ dễ mở lòng đón nhận và chia sẻ với các em nhiều hơn. Và từ đó trẻ tự kỷ sẽ được phát triển bình đẳng với môi trường xung quanh.
 
 
Theo VTV
Chia sẻ