Ngôi trường bí ẩn nhất Đà Lạt: Rộng 7 ha, cổ kính như trời Âu, từng khiến thí sinh Cuộc Đua Kỳ Thú sợ chết khiếp
Ngôi trường khiến du khách không thể ngừng tò mò vì quá bí ẩn.
Đà Lạt vốn được biết đến với biệt danh là Paris thu nhỏ khi sở hữu hàng loạt công trình kiến trúc cổ kính, mang hơi hướm phương Tây. Trong đó, nổi lên là các kiến trúc trường học độc đáo như Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm,... Nhưng để nói về công trình kiến trúc vừa đẹp, vừa hoài cổ nhưng lại bí ẩn và ít được khách du lịch biết đến thì phải nói tới trường Đại học Kiến trúc TP.HCM cơ sở Đà Lạt.
Nằm giữa rừng thông bạt ngàn và khá biệt lập, để vào được khuôn viên nhà trường, bạn phải đi bộ khoảng vài trăm mét từ cổng chính phía mặt đường Hùng Vương, phường 10. Vào tới nơi, bạn sẽ phải bất ngờ với sự cổ kính mà công trình cổ này mang lại. Nhưng thú vị hơn là lịch sử hơn nửa thế kỷ của ngôi trường.
Bức ảnh chụp từ trên cao nhìn xuống toàn bộ khuôn viên rộng lớn của trường (Tập thể lớp 12 chuyên Lý niên khóa 1997-2000)
Theo các tài liệu ghi nhận, công trình này được xây dựng vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 do kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế. Nơi này vốn là Tu viện của dòng nữ tu Công giáo Franciscan Missionaries of Mary - FMM (Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ), được mua lại từ các giáo sĩ dòng Benédictins vào tháng 5/1958.
Tu viện tập trung chủ yếu các soeur ngoại quốc lưu trú bao gồm công dân các nước Singapore, Madagascar, Macao, Pháp,... Ngoài ra, trong quá trình sinh sống, học tập các nữ tu còn tổ chức khám bệnh, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng.
Đan viện gồm một nhà nguyện và một nhà cho đan sĩ ở. Hai nhà nối nhau bằng một dãy hành lang. Phía dưới nhà nguyện có hầm thờ. Đan viện một lầu, chia thành phòng cá nhân. Các cửa ra vào, cửa sổ cũng như vật dụng trong nhà đều sơn màu đen, nói lên vẻ khắc khổ của đời sống ẩn tu. Phía dưới đan viện có chỗ để xe, có nhà cơm, nhà bếp.
Từ năm 1966, nơi này bắt đầu chuyển hóa công năng thành cơ sở giáo dục, đào tạo nghề kế toán, thư ký và trở thành trường Thương mại Việt nữ. Ngôi trường được mở ra với mục đích ban đầu là giúp cho các nữ sinh có kỹ năng gia chánh; tìm một lối thoát cho những nữ sinh gặp chuyện không may trên đường học vấn; nâng đỡ và khuyến khích những nữ sinh nghèo để sớm có nghề bảo đảm sau này; đào tạo các nữ sinh có nghề nghiệp vững chắc, có thể đảm bảo đời sống gia đình; có một khả năng sinh ngữ vững vàng để dễ dàng trong sinh kế về sau.
Ngôi trường chỉ tuyển sinh những người đã tốt nghiệp chương trình đệ tứ hoặc troisième (đệ tam, tương đương lớp 10). Khi vào trường, các giáo sư tư vấn để học viên chọn ngành nghề thích hợp. Chương trình học hai năm tại đây, gồm có: Sinh ngữ (Anh, Pháp, Nhật), Việt văn, Sử địa, Kinh tế, Toán học, Thụ nhân học tập, Đánh máy, Tốc ký, Kế toán, Thương mại, Dân luật, Luật Thương mại và Luật Lao động.
Ngoài ra, học viên còn được bổ túc kiến thức về thuế vụ, ngân hàng, kế toán, bảo hiểm, được nghe các kinh nghiệm thực tế từ những giám đốc xí nghiệp hay người có chuyên môn kinh doanh thỉnh giảng; được thực tập tại Air Vietnam, Shell, Esso, công ty đường, thuế vụ... tại Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn. Mỗi năm, trường này nhận 100 học viên.
Khoảng giai đoạn 1975, trường phải giải tán vì chiến tranh. Đến năm 1979, các nữ tu trở về nước và bàn giao toàn bộ diện tích 7 héc-ta cho nhà nước toàn quyền sử dụng.
Sau nhiều năm, địa điểm này được sử dụng với các mục đích khác nhau như trường bổ túc văn hóa, khách sạn rồi lại được chuyển về công năng làm cơ sở giáo dục như trước đó. Năm 1997 là cơ sở của trường THPT chuyên Lâm Đồng và đến năm 2002 trở đi tu viện là cơ sở chính thức của trường cấp 3 Trần Phú, một trong những ngôi trường trọng điểm của thành phố.
Dù không được xếp vào danh sách các di sản, song cơ sở cũ của trường chuyên Lâm Đồng vẫn được các nhà chuyên môn đánh giá cao về mặt kiến trúc. Đây cũng là nơi truyền cảm hứng sáng tác và nghiên cứu cho các sinh viên mỹ thuật, kiến trúc.
Trong một số phát sóng của show thực tế Cuộc Đua Kỳ Thú 2015, ngôi trường này cũng đã trở thành địa điểm ghi hình của ekip sản xuất. Theo đó, các thí sinh được yêu cầu tìm vali và mật thư trong căn phòng bóng tối thuộc khuôn viên trường. Thử thách này đã đánh đố sự gan dạ của Trang Pháp, Băng Di, Lincoln Thúc Lĩnh,...
Trước thông tin trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có ý định tháo dỡ công trình đặc biệt này, mới đây đại diện đơn vị đã lên tiếng khẳng định nhà trường chỉ tu sửa các hạng mục đã xuống cấp để bảo tồn công trình. Được biết, sau thời gian bỏ hoang vì trở thành nơi tạm cư cho một số hộ dân, khu vực nhà nguyện và nhà nội trú đã bị hư hại nghiêm trọng và nhếch nhác.
Hy vọng, sau thời gian trùng tu, ngôi trường cổ kính này vẫn sẽ giữ được cái hồn Đà Lạt mà nó vốn có để du khách lại có thêm một địa điểm lui tới mỗi khi ghé chân.
Ảnh: Anh Tuan Anh Nguyen cung cấp