Ngôi mộ làm giới khảo cổ "đau đầu" suốt 5 thế kỷ
Nhân loại thôi "lạc đường" trong Thái Dương hệ nhờ Nicolaus Copernicus nhưng vẫn hoàn toàn bối rối khi đi tìm ngôi mộ của chính ông.
Hàng loạt cuộc nghiên cứu kéo dài từ thế kỷ thứ XVI cho đến thời hiện đại, với sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ, sử gia, khoa học pháp y... vẫn chưa thể vén màn bí ẩn về ngôi mộ của Nicolaus Copernicus.
Di sản gây chấn động khoa học
Đó là một cái tên quen thuộc đối với những ai yêu thích thiên văn học. Ông là nhà thiên văn học, toán học, bác sĩ, kỹ sư, tác giả sách, nhà lý thuyết kinh tế người Ba Lan.
Vào những ngày cuối cùng của cuộc đời - năm 1534 - Copernicus đã kịp xuất bản cuốn sách gây chấn động De Revolutionibus Orbium Coelestium.
Bằng những lập luận sắc bén, Copecnicus đã trở thành người đầu tiên chứng minh Trái Đất chỉ là một trong những hành tinh quay xung quanh Mặt Trời. Thuyết nhật tâm Corpenicus trở thành cơ sở cho các lý thuyết căn bản nhất về Thái Dương hệ sau này.
Học thuyết của ông hoàn toàn đi ngược với niềm tin lâu đời khi ấy rằng địa cầu là trung tâm của vũ trụ, với các thiên thể như Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh (hầu hết còn bị lầm tưởng là sao) quay quanh.
Tận 1 thế kỷ sau ngày Copernicus qua đời, ngày 12-3-1663, nhà triết học, toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei lừng danh thậm chí đã phải đối diện với tòa án dị giáo tại Rome - Ý chỉ vì ủng hộ thuyết nhật tâm!
Nhưng bất chấp những cản trở đó, phát kiến của Copernicus cũng như sự tiếp bước của Galileo đã đưa ngành thiên văn học sang một trang mới.
Cuộc tìm kiếm "vô vọng"
Theo bài viết đăng trên chuyên san The Conversation của nhà sử học Darius von Guttner Sporzynski thuộc Đại học Australian Catholic (Úc), người ta cho rằng nhà thờ Frombork cổ kính ở Ba Lan là nơi an nghỉ của Copernicus.
Tuy nhiên, nó trở thành một câu đố lớn bởi dù chỉ có khoảng 100 ngôi mộ ở đây, hầu hết bia mộ đều không được ghi tên.
"Vị thánh" khai sáng Thái Dương hệ được nhiều người tôn kính và tìm kiếm từ những thế kỷ thứ XVI-XVII.
Một nỗ lực lớn nổi tiếng nhưng thất bại khác đến từ Hoàng đế Pháp Napoleon, được thực hiện ngay sau trận Eylau nổi tiếng năm 1807. Napoleon tôn sùng Copernicus, ca ngợi ông là nhà bác học, nhà toán học, nhà thiên văn học vĩ đại.
Đến thế kỷ XXI, các nhà khảo cổ vẫn "lạc lối".
Năm 2005, một nhóm khoa học gia Ba Lan tiến hành một nỗ lực khác, lần theo tuyên bố của nhà sử học Jerzy Sikorski rằng Copernicus được chôn cất gần Bàn thờ Thánh Giá (tên cũ là Bàn thờ Thánh Waclaw) vì ông từng giữ một chức vụ trong nhà thờ này.
Nhưng có tới 13 bộ hài cốt được phát hiện tại bàn thờ này.
Khoa học pháp y lên tiếng
Kết quả phân tích 13 bộ hài cốt ở nhà thờ Frombork cho thấy có một hài cốt là nam giới khoảng 60-70 tuổi, khớp nhất với mô tả về nhà bác học Copernicus.
Hộp sọ được làm cơ sở cho việc tái tạo khuôn mặt.
Song song đó, các phân tích về hình thái xương, phân tích DNA... cũng được thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn lớn là việc xác định nguồn tài liệu để đối chiếu. Không một ngôi mộ nào của họ hàng nhà bác học Ba Lan từng được biết đến.
Đến năm 2006, một nguồn tài liệu giúp tham khảo DNA xuất hiện. Đó là một quyển sách thiên văn học từng được Copernicus sử dụng. Có tóc trong một số trang.
Quyển sách đã được cất giữ ở Thụy Điển từ thế kỷ XVII, sau một cuộc xâm lược của quân nước này vào Ba Lan. Nó hiện nằm trong Bảo tàng Gustavianum tại Đại học Uppsala.
Tin mừng tới bất ngờ: DNA ti thể từ răng, xương của bộ hài cốt trong ngôi mộ không tên đều trùng khớp với mẫu tóc.
Tuy vậy, tóc trên cuốn sách chỉ là bằng chứng gián tiếp (bạn không thể chắc chắn 100% nó là tóc của Copernicus), nên ngôi mộ tạm thời chỉ được tuyên bố "có thể" là nơi an nghỉ của nhà bác học lừng danh.
Dù sao, đó vẫn là một câu trả lời quý giá sau nỗ lực tìm kiếm kéo dài 5 thế kỷ.