Ngôi làng ở Trung Quốc giàu thần tốc nhờ loại cây “in tiền”: Tiền nhiều không để đâu hết, ngân hàng tự tìm đến để người dân gửi tiết kiệm
Nhờ sự thay đổi của xu hướng thưởng trà, những người Vân Nam nhanh chóng kiếm được bộn tiền từ những gốc chè cổ thụ, vốn bị cho là vô giá trị.
Ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có một ngôi làng giàu lên nhờ loại cây được ví như cỗ máy in tiền. Tại đây, gia đình nào cũng là “triệu phú”, sở hữu nhà lầu, xe hơi là chuyện bình thường. Ngay cả gia đình làm được ít nhất cũng có thu nhập hàng năm hơn 3 triệu NDT.
Địa danh được nhắc đến là làng cổ Ban Chương thuộc Lang Sơn, huyện Mạnh Hải, châu Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. "Ban Chương" có nguồn gốc tiếng Thái, ý nghĩa là "con cá". Ngôi làng có gần 136 hộ gia đình, môi trường sinh thái được duy trì rất tốt, sở hữu một trong những núi chè cổ thụ được bảo quản tốt nhất trong khu vực.
Dân làng Ban Chương là hậu duệ của những người đầu tiên trên thế giới trồng trọt, pha chế và uống trà. Ngôi làng nằm ở vị trí có cao 1.700-1.900 mét so với mực nước biển, có núi trập trùng và thung lũng đan xen, thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa dồi dào.
Loài cây “thất sủng” bỗng bán được giá cao
Cây trà nào ở làng Ban Chương cũng đáng giá hàng vạn NDT vì đây là nguồn gốc cho ra đời loại chè Phổ Nhĩ có mức giá đắt đỏ.
Cuối những năm 90, trà thu hoạch từ những gốc cổ thụ vẫn có giá chưa tới 1 NDT/kg, bị coi là loại có chất lượng kém nhất. Các công ty chè chỉ chuộng loại màu nhạt, lá nhỏ, búp nhỏ. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở đi, Phổ Nhĩ cổ thụ trở thành lựa chọn ưa thích của những người sành trà, thương gia và người tiêu dùng tầng lớp trung lưu trở lên. Họ ca ngợi hương vị, kỹ thuật thu hái được bảo chứng qua thời gian và xem nó như di sản, thứ trà chỉ có vua chúa ngày xưa được thưởng thức.
Trà Phổ Nhĩ lừng danh thiên hạ về dược tính quý báu, để càng lâu càng ngon. Đỉnh điểm, loại trà này từng có giá lên tới 3,5 triệu NDT/kg (khoảng 12 tỷ đồng/kg).
Phổ Nhĩ nổi bật vì sự phổ biến và hệ thống phân loại có phương pháp trong suốt lịch sử hàng trăm năm. Bánh trà khi sản xuất ra được yêu cầu phải được bảo quản một cách tỉ mỉ trong bóng tối và độ ẩm hoàn hảo.
Có quan điểm cho rằng: “Kim cương sẽ không thay đổi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng chất lượng của trà thì phụ thuộc vào nguồn gốc, khâu bảo quản, người pha, sự hiểu biết về trà và cả nguồn nước”.
Kiếm bộn tiền nhờ phương thức truyền thống
Từ xa xưa, dân làng Ban Chương đã tuân theo phương pháp cổ xưa truyền thống để duy trì những cây trà cổ thụ. Họ cũng áp dụng hình thức hái lá tươi bằng tay, chiên và nhào bột trà xanh theo kinh nghiệm được truyền lại từ thế hệ trước.
Trà Ban Chương là một trong số ít nơi ở tỉnh Vân Nam không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và có cây trà sinh trưởng trong môi trường sinh thái nguyên thủy nhất.
Trà từ cây cổ thụ được hái ở Ban Chương trà có mùi thơm nồng, đậm và êm dịu, được tôn vinh là "vua" của các loại trà.
Chỉ trong một thời gian ngắn, giá trà tăng lên gấp 10 lần. Vài năm trở lại đây, giá thu mua chè trực tiếp tăng vọt lên 680.000 NDT/kg (khoảng 2,3 tỷ đồng/kg). Trong khi đó, cả làng Ban Chương có hơn 4.000 gốc trà cổ thụ, tổng sản lượng trà một năm khoảng 50 tấn. Từ đó, thu nhập của người dân trong lành cũng được nâng lên nhiều lần.
Ngân hàng tự tìm đến để người dân gửi tiền
Trước khi nghề làm trà phát triển, người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Do vị trí địa lý không thuận tiện, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn.
Từ năm 2013 đến năm 2014, người dân trong làng ăn nên làm ra nên có nhiều tiền để dành. Để thuận tiện cho người dân gửi tiết kiệm, Hợp tác xã tín dụng nông thôn Trung Quốc đã thành lập một chi nhánh ngân hàng dành riêng cho làng Ban Chương.
Năm 2013, nhờ cây trà thu nhập ròng bình quân đầu người của 126 hộ gia đình ở làng Ban Chương đã đạt 200.000 NDT. Sau hơn 10 năm, thu nhập bình quân đã tăng gấp 10 lần. Trong thôn có rất nhiều chỗ đậu xe, có siêu thị và nhà hàng. Mỗi nhà mỗi hộ đều như lâu đài, xây to bao nhiêu cũng được, trang hoàng lộng lẫy bao nhiêu cũng được.