Ngoài phu nhân Michelle, đây là người phụ nữ từng khiến cựu Tổng thống Obama đắm say suốt thời tuổi trẻ
Người phụ nữ ấy đã miêu tả quãng thời gian bên nhau với cựu Tổng thống Obama hồi trẻ như một kỷ niệm xa xôi, một "hòn đảo của riêng chúng tôi".
Barrack Obama là vị Tổng thống Mỹ có thể coi là có hình ảnh vô cùng gần gũi và thân thiện. Đã có rất nhiều cuốn sách viết về ông, trong đó có cuốn "Rising Star" của David J. Garrow đã cho người hâm mộ thấy được cuộc sống trong suốt những năm tháng ông Obama ấp ủ giấc mơ làm chính trị, trong đó có cả sự đánh đổi tình yêu và người yêu - người phụ nữ đã từng làm ngài cựu Tổng thống đắm say suốt một thời tuổi trẻ, trước khi gặp Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Tác giả Garrow, người từng đạt giải thưởng Nobel Hòa Bình cho biết, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là người bộc lộ tham vọng chính trị ngay từ khi còn rất trẻ. Ông từng là một thành viên tích cực trong các hoạt động cộng đồng ở Chicago. Người thanh niên này muốn trở thành thị trưởng thành phố, thượng nghị sĩ Mỹ, thống đốc bang Illinois, hay thậm chí trở thành tổng thống Mỹ.
Thời gian đó, Obama cũng yêu và có một người bạn gái tên là Sheila Miyoshi Jager - người mang trong mình 2 dòng máu Hà Lan – Nhật Bản. Hai người được ví như "trời sinh một cặp" vì sự tương đồng trong xuất thân, tư tưởng cho đến sở thích.
Sheila Miyoshi Jager, người phụ nữ đến trước cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nhưng lại không đi đến cùng với người đàn ông bà yêu thương.
Để viết sách về Obama, Garrow đã tìm gặp bà Jager, hiện đang là giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Oberlin để nghe về câu chuyện thời xưa cũ. Bà Jager cũng thoải mái bộc bạch về những năm tháng thanh xuân sôi nổi của mình, trong đó có mối tình với vị cựu Tổng thống tài ba Obama. Người phụ nữ ấy đã miêu tả quãng thời gian bên nhau giữa hai người như một kỷ niệm xa xôi, một "hòn đảo của riêng chúng tôi" mà ở đó Obama "phân chia rõ ràng giữa công việc và gia đình".
Mối quan hệ của hai người đã tiến rất xa khi đã tới chào hỏi hai bên gia đình và sớm bàn chuyện hôn nhân: "Đó là một ngày mùa đông năm 1986, khi tới thăm bố mẹ tôi, ông ấy đã ngỏ lời cầu hôn tôi. Nhưng mẹ ông ấy kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân, không phải vì lý do chủng tộc, mà vì lo ngại việc kết hôn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Bà ấy cho rằng tôi còn quá trẻ để lập gia đình. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi vẫn ở bên nhau".
Bà Jager đã bị mẹ của ông Obama từ chối vì lý do hai người còn quá trẻ để kết hôn.
Tuy nhiên, một năm sau đó, vào năm 1987, bà Jager cho biết, bà cảm nhận thấy sự thay đổi sâu sắc ở bạn trai: "Ông ấy đột nhiên trở nên rất tham vọng. Tôi nhớ rất rõ thời điểm xảy ra sự thay đổi này, tôi cũng nhớ rằng đúng dịp chúng tôi kỷ niệm một năm yêu nhau, ông ấy đã hướng tới mục tiêu trở thành Tổng thống Mỹ".
Tuy nhiên, bà Jager cho biết, để làm được điều đó, vì lý do chủng tộc, ông Obama buộc phải đánh đổi, đặc biệt là trong việc kết hôn với một người phụ nữ không phải gốc Phi bởi trước đó đã có nhiều tấm gương trong việc này, chẳng hạn như Richard H. Newhouse Jr., thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng của bang Illinois, người kết hôn với một phụ nữ da trắng và thường xuyên bị xì xào rằng ông "nói về người da đen nhưng ngủ với người da trắng". Theo xã hội Mỹ thời bấy giờ, người ta thường quan niệm rặng cuộc hôn nhân liên chủng tộc thực sự hạn chế lựa chọn chính trị.
Vì lý do này, những cuộc tranh luận về chủng tộc và chính trị lại bao trùm mối quan hệ giữa Obama và Jager. Cũng từ đây, việc kết hôn cứ bị trì hoãn mãi. Ông Obama thậm chí từng thừa nhận với một người bạn rằng: "Nếu tôi hẹn hò với một cô gái da trắng, tôi sẽ không có chỗ đứng ở đây". Obama rất quan tâm chăm sóc Jager, nhưng có vẻ như ông luôn cảm thấy bị mắc kẹt giữa người phụ nữ ông yêu thương hết mực và định mệnh phải làm chính trị, phải làm Tổng thống mà ông vẫn ngày đêm suy nghĩ hướng mình đi theo.
Ông Obama là người có thiên hướng chính trị từ khi còn rất trẻ, và để đạt được nguyện ước, ông đã phải đánh đổi rất nhiều, kể cả người mình yêu thương.
Mối quan hệ giữa hai người cứ nhùng nhằng như vậy suốt nhiều năm và luôn trong trạng thái lơ lửng chực tan vỡ. Cuối năm 1988, chỉ vài ngày trước khi Obama chuyển tới Trường Luật Harvard, Obama đã đề nghị Jager đi theo ông và kết hôn. Lúc này, Jager đang trên đường tới Hàn Quốc để làm luận án, bà cho rằng Obama muốn mình kết thúc sự nghiệp nghiên cứu để đi theo ông, nên đã tiếp tục cãi nhau với ông. Rốt cuộc, hai người đường ai nấy đi.
Tại Harvard, ông Obama đã thể hiện hết tài năng của mình và gặt hái được nhiều thành công. Nhờ vào tài năng hùng biện xuất chúng mà ông rất được mọi người ngưỡng mộ, kể cả các giáo sư, thậm chí có người đã ra đề thi liên quan đến những bình luận mà Obama đã đưa ra trước lớp.
Trong thời gian đi học, Obama đã tới làm thêm tại một công ty luật ở Chicago và gặp Michelle Robinson, người vợ hiện tại của ông. Hai người nhanh chóng có cảm tình với nhau và tìm hiểu một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, hình ảnh của Jager vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của người thanh niên trẻ tuổi.
Obama đã gặp Michelle khi đi làm thêm và trúng tiếng sét ái tình ngay lập tức.
Bà Jager đã đến trường Harvard theo một chương trình trao đổi giảng viên để tìm gặp ông Obama. Lúc này, dù đã có bạn gái mới nhưng ông Obama vẫn tiếp tục gặp bà Jager (một cách không chính thức) trong suốt 1 năm. Mối quan hệ của họ có lẽ chỉ dừng lại ở việc là tri kỷ của nhau. Thậm chí sau này, khi đã kết hôn với bà Michelle, Obama vẫn thỉnh thoảng liên lạc với Jager nhưng cường độ cũng giảm và phương thức thì chỉ được thông qua thư từ hoặc các cuộc điện thoại.
Bà Jager đã không tiết lộ thêm về những diễn biến sau này trong mối quan hệ của hai người nhưng nếu như tác giả Garrow đã đúng khi kết luận rằng, sự lựa chọn tình yêu lãng mạn của ông Obama bị ảnh hưởng bởi tham vọng chính trị thì việc lựa chọn kết hôn với bà Michelle chính là sự lựa chọn tốt nhất cho con đường thăng tiến của vị cựu Tổng thống này.
Liệu phu nhân Michelle có phải là mối hoài nghi lớn nhất cuộc đời của cựu Tổng thống Obama hay không?
Mặc dù vậy, câu chuyện tình yêu và cuộc sống gia đình đáng ngưỡng mộ của cựu Tổng thống Obama và cựu Đệ nhất phu nhân Michelle vẫn trở thành niềm cảm hứng của rất nhiều người. Họ đã thực sự xây dựng được một bức tường thành khó lay đổ về thứ tình cảm còn hơn cả tình vợ chồng, đó là sự tri kỷ, luôn sát cánh và dành tình yêu thương cho nhau mọi lúc mọi nơi, bất chấp mọi hoàn cảnh.
Gia đình hạnh phúc, viên mãn là những gì những người yêu thích vị Tổng thống dễ mến này còn lưu giữ lại.
Nguồn: Washington Post