Ngoài nhan sắc, Từ Hy đã sử dụng các thủ đoạn này để hớp hồn Hoàng đế, xử lý tình địch
Nhờ những thủ đoạn tranh sủng cao tay này, Từ Hy chẳng những chiếm trọn sự sủng ái của Hàm Phong mà còn trở thành người chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt chốn hậu cung.
Từ Hy Thái hậu (1835 – 1908), là phi tần của Hoàng đế Hàm Phong và mẹ thân sinh của vua Đồng Trị. Bà được biết tới là người phụ nữ quyền lực nhất vào giai đoạn cuối thời nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa.
Sinh thời, Từ Hy vốn xuất thân là con gái của một gia đình quan viên thuộc hàm Tứ phẩm. Sau khi bước chân vào hậu cung Thanh triều, bà dần trở thành phi tần được Hàm Phong sủng ái bậc nhất và từ từ bước lên vũ đài chính trị với cương vị là một Thái hậu nhiếp chính giữ quyền phế lập trong suốt một thời gian dài.
Mặc dù tên tuổi của vị Lão Phật gia này từ lâu đã trở nên quen thuộc với hậu thế, tuy nhiên nhiều người mỗi khi nhắc tới Từ Hy vẫn không khỏi thắc mắc: Làm thế nào mà một người phụ nữ nhan sắc bình thường, xuất thân không quá nổi bật như bà lại có thể vượt mặt vô số giai lệ trong hậu cung để vươn lên làm sủng phi của Hàm Phong đế?
Sự thực là khi còn làm phi tần, thứ "bí kíp" giúp Từ Hy tranh sủng không chỉ là dung mạo mà còn là thủ đoạn cung đấu được xếp vào hạng thượng thừa.
Quá khứ được sủng ái nhất hậu cung hé lộ nhan sắc từng trở thành giai thoại của Từ Hy
Theo hồi ức của những người từng làm việc trong Thanh cung, nhan sắc của Từ Hy thời còn trẻ có thể xếp vào hàng "sắc nước hương trời". (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Tháng 5 năm Hàm Phong thứ hai (tức năm 1852), Thanh cung tổ chức một kỳ tuyển tú nữ. Cũng trong đợt tuyển tú năm ấy, hậu cung Hàm Phong đã đón thêm bốn vị quý nhân, bao gồm Lan Quý nhân, Lệ Quý nhân, Uyển Quý nhân và Y Quý nhân.
Trong đó, Lan Quý nhân là vị tiểu thư đến từ dòng họ Na Lạp thị, cũng chính là Từ Hy Thái hậu sau này. Tương truyền rằng Hàm Phong và Từ Hy năm xưa đều từng yêu thích hoa lan, danh hiệu Lan Quý nhân của bà cũng vì vậy mà có.
Sinh thời, Hàm Phong đế được sử cũ miêu tả là Hoàng đế "tứ vô", vô tài, vô năng, không có tầm nhìn xa trông rộng, nhát gan và đặc biệt háo sắc. Như vậy, hậu cung của vị vua ấy chắc hẳn không thiếu những mỹ nhân sở hữu dung nhan xuất chúng, khí chất hơn người.
Thế nhưng từ sau khi vào cung, Từ Hy dần chiếm trọn sự sủng ái của Hàm Phong. Điều này đã chứng tỏ nhan sắc khi còn trẻ của Tây Thái hậu chắc chắn không thể xếp vào hạng tầm thường.
Những bức ảnh được chụp khi về già cũng phần nào cho thấy nhan sắc hơn người và khí chất xuất chúng của Tây Thái hậu. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Ngày nay, những hình ảnh về dung mạo của Từ Hy chủ yếu là các tấm hình được chụp vào đại thọ năm 70 tuổi của bà. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, gương mặt Lão Phật gia từ sớm đã in hằn những dấu vết của thời gian, dù có bảo dưỡng tỉ mỉ tới đâu cũng khó có thể khen là xinh đẹp, trẻ trung.
Thế nhưng sự thực là nhan sắc của Từ Hy thời còn trẻ từng trở thành giai thoại được lưu truyền trong hậu cung Thanh triều. Trong hồi ức của nữ quan ngự tiền Dụ Đức Linh, bà khẳng định Lão Phật gia thời còn xuân sắc đã nổi tiếng với dung mạo xuất chúng.
"Thái hậu khi đang ở độ tuổi thanh xuân quả là một thiếu nữ phong tư thướt tha, rực rỡ tươi sáng, thường xuyên được người trong cung ca ngợi. Đến khi tuổi tác lớn dần, dù đã bước sang tuổi già, người vẫn còn lưu giữ được mấy phần của nhan sắc năm xưa".
Không chỉ sở hữu nhan sắc đã trở thành giai thoại, Từ Hy còn có quan điểm rất khác với những phi tần nơi hậu cung. Bà luôn tận dụng mọi cơ hội để không ngừng nâng cao nội hàm và kiến thức của mình, ví dụ như đọc nhiều sách, học thư pháp… Những điểm này đã trở thành thứ vũ khí giúp Từ Hy "hớp hồn" Hàm Phong Hoàng đế.
Tuy nhiên, yếu tố chủ chốt nhất giúp bà "một bước lên tiên" còn nằm ở một điểm mấu chốt: 4 năm sau khi vào cung, Từ Hy đã sinh hạ hoàng trưởng tử cho nhà vua. Việc sinh hạ hoàng trưởng tử đã giúp bà từ hàng quý nhân được tấn thăng lên làm Ý Phi và sau đó là Ý Quý phi, địa vị chỉ xếp sau Hoàng hậu.
Thực chất, Từ Hy không phải là người duy nhất sinh được hoàng tử cho Hàm Phong, thế nhưng hoàng tử do bà sinh ra vừa là con trưởng, lại là người con trai duy nhất sống sót đến tuổi trưởng thành.
Cổ nhân có câu "mẫu bằng tử quý", việc Từ Hy chiếm trọn sự sủng ái của Hàm Phong và có được địa vị vững chắc nơi hậu cung ít nhiều cũng nhờ vào thân phận tôn quý từ người con trai rứt ruột đẻ ra của mình.
Những thủ đoạn cung đấu cao tay giúp Từ Hy trở thành kẻ chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến chốn hậu cung
Từ khi còn làm phi tần, Từ Hy đã gây dựng hệ thống tai mắt với không ít tâm phúc để nghe ngóng khắp hậu cung. (Tranh minh họa: Nguồn Baidu).
Thực tế, Từ Hy từ thân phận của một phi tần bình thường có thể vươn lên làm sủng phi của Hàm Phong, thậm chí trở thành người phụ nữ quyền lực nhất thời kỳ Vãn Thanh, có một phần không nhỏ là nhờ vào thủ đoạn cao tay của vị Thái hậu này.
Hậu cung Thanh triều thường được ví như nơi ăn thịt người, được xem là chiến trường không gươm giáo trong hoàng cung. Thế nhưng nơi đây lại trở thành vũ đài tuyệt hảo giúp Từ Hy bộc lộ hết tài năng tranh đấu.
Nếu chỉ đơn thuần dựa vào nhan sắc hay trí tuệ, có lẽ một phi tần mang xuất thân bình thường như Từ Hy sớm sẽ bị Hoàng đế quên lãng.
Vì vậy ngay từ lúc bước chân vào hậu cung, Từ Hy đã tìm mọi cách để mua chuộc cung nhân, bồi dưỡng các hoạn quan, cung nữ để gây dựng mạng lưới thân tín với phạm vi hoạt động và nghe ngóng trải khắp hoàng cung.
Cứ như vậy, những tâm phúc của Từ Hy dần tập hợp trở thành một "tập đoàn" đông đảo. Nhờ đó, bà dần dần nắm thóp không ít tình địch và ra tay diệt trừ các mối đe dọa ngay từ trong trứng nước.
Giai thoại nổi tiếng nhất về những màn cung đấu ngoạn mục của Từ Hy phải kể tới việc bà hãm hại thành công Mai quý nhân – vị phi tần cũng sinh được hoàng tử và là một trong những đối thủ "nặng ký" trong hậu cung thời bấy giờ.
Mai quý nhân vốn xuất thân từ hàng ngũ cung nữ, nhờ dung mạo xinh đẹp nên được Hàm Phong thị tẩm và phong làm Thường tại, sau đó dần leo lên vị trí Quý nhân.
Từ thân phận của nô tì trở thành chủ tử, vị phi tần này khó tránh khỏi kiêu ngạo, từng lăng nhục không ít cung nữ, thái giám. Có lần, việc Mai Quý nhân hành hạ người hầu bị Hoàng đế phát giác, Hàm Phong liền giáng bà xuống làm cung nhân.
Sau này, Mai Quý nhân lại được phục vị, còn may mắn mang long thai và sinh ra hoàng tử. Nhưng người con của vị phi tần này vừa ra đời được vài giờ đã đột ngột qua đời, thậm chí còn không kịp được nhà vua ban tên.
Bấy giờ, người trong hậu cung đều truyền tai nhau rằng, hết thảy những tai ương bí ẩn dồn dập đổ lên đầu vị Quý nhân ấy đều do một tay Từ Hy ngầm ngấm bày mưu hãm hại.
Những thủ đoạn tranh sủng cao tay đã phần nào bộc lộ tính cách quyết liệt cùng sự ham mê quyền lực của Từ Hy. (Hình minh họa: Nguồn Internet).
Đối với kẻ ngáng đường mình, Từ Hy có thể bất chấp thủ đoạn để ra tay diệt trừ. Còn đối với người có thể đem lại lợi ích, bà cũng chẳng ngại ngần bày ra đường đi nước bước để cất nhắc cho họ.
Năm xưa, Tăng Quốc Phiên sở dĩ được Hàm Phong đế cắt cử đi trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc cũng đều nhờ một công của Từ Hy.
Về việc này, cuốn "Từ Hy ngoại kỷ" có ghi lại: "(Thái hậu) khuyên Hàm Phong đế bổ nhiệm Tăng Quốc Phiên chỉ huy quân, cũng cho mượn lương bổng cấp cho Tương quân. Tăng Quốc Phiên trấn áp loạn Thái Bình Thiên Quốc phần nhiều là nhờ Từ Hy trợ lực".
Từ những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy Từ Hy ngay từ lúc còn làm phi tần đã sở hữu dung nhan xuất chúng, tính cách nhanh trí, năng lực hơn người, lại sinh được con trai cho Hoàng đế.
Tất cả những yếu tố ấy đã giúp bà chiếm trọn sự sủng ái của nhà vua. Đây cũng được coi là bàn đạp để Tây Thái hậu vươn lên trở thành người phụ nữ quyền lực khét tiếng sau này.
*Tổng hợp