Nghiến răng bán căn nhà 110m vuông cho con đi du học để rồi "mất con"
"Dù thế nào đi nữa, giấc mơ của con gái tôi không thể bị gánh nặng cơm áo ghì xuống", ông Dương từng nói. Hai vợ chồng vì thế đã "nghiến răng" bán căn nhà rộng 110 mét vuông làm chi phí du học để con "bằng bạn bằng bè".
"Gửi con gái tôi đi du học có thể là quyết định tồi tệ nhất mà tôi từng đưa ra trong đời...", tâm sự của một ông bố họ Dương mới đây thu hút chú ý và gây nhiều tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ông Dương và vợ là một cặp vợ chồng vô cùng bình thường trong hàng vạn gia đình ở Trung Quốc. Cô con gái duy nhất của họ, Dương Lý, là báu vật yêu quý nhất của hai người. Năm 2006, sau khi thi trượt trường đại học yêu thích trong nước, cô con gái nói với cha mẹ rằng mình muốn đi du học.
Nhưng xuất ngoại không dễ dàng như vậy. Không có học bổng và cũng không được chính phủ tài trợ, chi phí du học của Dương Lý vào khoảng 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) mỗi năm. Đây chắc chắn là một số tiền rất lớn đối với vợ chồng ông Dương, những người có thu nhập không quá dư dả. Cuối cùng, hai vợ chồng đành nghiến răng bán căn nhà rộng 110 mét vuông làm chi phí du học để con "bằng bạn bằng bè".
"Dù thế nào đi nữa, giấc mơ của con gái tôi không thể bị gánh nặng cơm áo ghì xuống", ông Dương nói.
Trống vắng
Năm 2007, Dương Lý nhận được giấy báo nhập học của một trường đại học ở Mỹ như cô mong muốn. Ông Dương vẫn nhớ rõ cảnh vợ chồng ông tiễn con gái ra khỏi sân bay:
"Đó là chuyến bay lúc 1 giờ sáng. Tôi vẫy tay gọi con từ xa. Con đã khuất khỏi tầm mắt, nhưng tôi vẫn nhìn về hướng đó. Lòng tôi bỗng thấy trống vắng, và không cầm được nước mắt. Tôi quay đầu lại thì thấy vợ mình cũng đang ngồi xổm dưới đất khóc, tôi vội lau nước mắt kéo vợ đứng lên".
Ông Dương nói rằng hai vợ chồng nghĩ rằng họ đã sẵn sàng cho ngày con gái ra đi nhưng thực tế không phải vậy.
"Khi con gái ra đi, tôi như người mất hồn. Trong thâm tâm tôi biết con gái ra nước ngoài là điều tốt nhưng không khỏi nghĩ đến cảnh chia xa. Mẹ cháu phải gọi điện cho con ba lần một ngày trong tuần đầu tiên để nguôi nỗi nhớ".
Cảm giác "lạc lối" này không chỉ có ở vợ chồng ông Dương. Một tháng đầu sau khi con trai bà Lưu (Thượng Hải, Trung Quốc) đi du học, bà mất ngủ cả đêm, tóc rụng nhiều, phải uống thuốc mới ngủ được.
Để chống lại sự trống trải, bà Lưu thích bật TV từ khi thức dậy cho đến lúc ngủ, còn đặc biệt chi hàng nghìn đô la để mua một chú chó con chỉ để gây ồn ào một chút vui cửa vui nhà. "Tôi chỉ biết tự an ủi mình mà chịu đựng. Đợi con trở về rồi sẽ không sao nữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện như vậy, tôi lại thấy thanh thản hơn", bà Lưu nói.
Đó cũng chính là tâm trạng của ông Dương. Mong ngóng ngày con trở về là động lực để hai vợ chồng ông cố gắng đi qua những ngày cô đơn dài đằng đẵng sau đó.
Cho con đi du học là "mất con"?
Trước khi con gái ra nước ngoài, ông Dương đã vạch ra một "ranh giới đỏ" cho con: Không được phép có bạn trai là người nước ngoài, không được phép làm mẹ khi chưa kết hôn và không được phép có quan hệ thầy trò với giáo viên trong trường.
Thật bất ngờ, vào cuối năm 2015, vừa tốt nghiệp cao học, Dương Lý bất ngờ nói qua điện thoại rằng cô sẽ ở lại nước ngoài làm việc và kết hôn với một người bạn trai ngoại quốc.
"Trong mắt nó còn có cha mẹ sao?", ông Dương hét lên khi nghe tin từ vợ, tức giận đến mức ném chiếc đĩa trên tay xuống sàn, tan nát. Ông kiên quyết không đồng ý, một hai ép con sau này sẽ phải trở về Trung Quốc, nếu không sẽ cắt đứt quan hệ.
Vì lý do này, ông Dương đã không nói chuyện với con trong nửa tháng. Điều khiến ông lo lắng nhất bây giờ là: Nếu không ở bên đứa con gái duy nhất, mấy chục năm còn lại ông bà sẽ sống ra sao?
Lo lắng của ông Dương không phải là không có cơ sở. Nhiều trường hợp vợ chồng ông đã chứng kiến, ngay chính trong họ hàng đã cho thấy điều đó.
Con dâu của ông Trần - anh họ ông Dương vừa sinh em bé ở Mỹ vào năm ngoái, hai vợ chồng già vui vẻ sang chăm sóc, nhưng vì họ không hiểu tiếng Anh nên ngay cả thức ăn cho trẻ con ông bà cũng phải dịch để biết khẩu phần bao nhiêu.
Không chỉ đồ trẻ em, mà vì đồ ăn ở Mỹ thực sự không quen, người bố muốn ra ngoài mua rau làm đồ ăn truyền thống, nhưng đã bị lạc trên đường. May mắn sau đó ông được những người tốt bụng đưa về nhà.
Đầu năm, ông Trần không may ngã bị thương, nằm trên giường nửa năm, nhìn đứa con trai sắp xếp mãi mới vội về thăm bố rồi liền đi, ông xót xa hỏi con: "Sao con không về ở với bố?". Đứa con trai chỉ biết quay mặt đi, không biết trả lời như thế nào. Vợ con, sự nghiệp đều cắm rễ ở bên kia; thành công hiện tại là thành quả của nhiều năm làm việc rất chăm chỉ, chẳng lẽ từ bỏ một cách vô ích?
"Ba, nghỉ ngơi cho tốt đi", cậu con trai để lại một khoản tiền, vội vàng bay đi.
Ông Trần nhìn bóng lưng rời đi của con trai, tức giận mắng con vô ơn. "Chẳng lẽ mình cả đời khổ tâm nỗ lực, cuối cùng lại nuôi ra một con "sói mắt trắng" không biết hiếu thuận hay sao", ông tự hỏi.
Cũng như ông Trần, ông Dương tự trách bản thân mình: "Cho con gái đi du học có thể là quyết định tồi tệ nhất mà tôi từng đưa ra trong đời. Nếu con đi học ở trong nước, kiếm một công việc, lập gia đình sinh con, có phải gia đình chúng tôi được đoàn tụ rồi hay không? Cuộc đời con cũng không phải vì không đi du học mà nghèo đói. Quyết định sai đã khiến vợ chồng tôi mất con", ông Dương chua chát nói.
Cư dân mạng tranh cãi
Khi câu chuyện ông Dương được chia sẻ, nhiều cư dân mạng đưa ra bình luận trái chiều. Phía đồng tình cho rằng, trên thực tế, chuyện cha mẹ cho con đi du học rồi "đánh mất" con không phải là hiếm.
"Đánh mất", ở đây hiểu rằng đứa con thay đổi nhiều trong giao tiếp, suy nghĩ, lối sống, quan niệm về tình thân. Nhất là đứa trẻ càng du học khi còn ít tuổi, sống ở nước ngoài càng lâu, mà sợi dây liên kết với gia đình càng lỏng, thì khi gặp lại cha mẹ, ông bà ruột thịt, chúng càng trở nên xa lạ, như một con người khác. Hoặc như trường hợp Dương Lý, cách xa cha mẹ nửa vòng trái đất, coi như con có mà cũng như không.
Đồng thời, họ cho rằng, điều mà ông Dương và nhiều cha mẹ mong muốn không phải là vấn đề con cái phải về để phụng dưỡng tuổi già, mà là cuối đời không nơi nương tựa tinh thần, con cái chính là "chiếc phao cứu sinh".
Luồng ý kiến khác cho rằng, cô con gái có quyền chọn cuộc sống mà mình muốn sống, cha mẹ quá áp đặt là làm khó con. Mọi người đều có quyền mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, với mức lương ở nước ngoài, Dương Lý chọn ở lại cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, cô ấy cũng đã tìm thấy một nửa của mình ở đó, cha mẹ can thiệp không những khó thay đổi mà còn làm rạn nứt mối quan hệ cha mẹ - con cái.
"Với tư cách là một người làm cha, tôi tôn trọng sự hy sinh để đầu tư cho con đi du học, cũng như về nỗi lòng của những bậc làm cha mẹ khi bước vào tuổi già; cái tuổi mà nhu cầu về tình cảm của những người thân, nhất là với con cái là rất cần thiết và chính đáng.
Ở câu chuyện này, cả hai bên đều đáng cảm thông. Tôi nghĩ cô con gái dù ở xa cũng nên thường xuyên về thăm cha mẹ, hỏi thăm, lo lắng là được. Hai vợ chồng ông Dương cũng nên thấu hiểu cho con, bởi khi đưa con ra ngoài là để con có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống của chính mình. Miễn con hạnh phúc thì nên mừng cho con", một cư dân mạng chia sẻ.