Nghiên cứu uy tín chỉ ra: Những gia đình có con cái thành đạt, cha mẹ thường sở hữu 9 điểm chung này
Không phải tự dưng mà trẻ nên người. Các nhà tâm lý phát hiện ra phần nhiều trẻ thành đạt có sự đóng góp của cha mẹ.
Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa có một "công thức" chuẩn mực và thống nhất để nuôi dạy "những đứa trẻ thành tài". Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Kết luận của họ là phần lớn những đứa trẻ thành công đều có sự đóng góp của cha mẹ.
Dựa trên các nghiên cứu uy tín, một số trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ đã tổng kết 9 điểm chung của các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái thành đạt.
#1. Dạy Toán cho trẻ từ sớm
Một phân tích tổng hợp trên 35.000 trẻ mẫu giáo ở Mỹ, Anh và Canada đã phát hiện ra rằng việc phát triển các kỹ năng Toán học của trẻ sớm có thể là một lợi thế rất lớn. Greg Duncan, nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, đã chỉ ra: "Điều quan trọng nhất trong việc phát triển các kỹ năng Toán học sớm (trước khi đi học) là nắm vững các con số, dãy số và các khái niệm Toán học cơ bản. Khả năng Toán học của trẻ em không chỉ có thể dự đoán hiệu suất sau này trong Toán học, mà còn có thể dự đoán tốt hơn khả năng đọc trong tương lai của trẻ".
#2. Dạy trẻ kỹ năng xã hội
Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke đã theo dõi 700 trẻ mẫu giáo trên khắp nước Mỹ cho đến khi chúng 25 tuổi. Nghiên cứu kéo dài 20 năm đã tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa thành công của họ 20 năm sau và các kỹ năng xã hội của họ ở trường mẫu giáo.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có kỹ năng xã hội mạnh mẽ có thể hợp tác với bạn bè mà không cần nhắc nhở, hiểu cảm xúc của người khác và có thể tự giải quyết vấn đề. Những đứa trẻ như vậy có nhiều khả năng lấy bằng đại học và tìm được một công việc tốt ở tuổi 25 hơn những đứa trẻ yếu kém về mặt xã hội khi còn nhỏ. Những người có kỹ năng xã hội thấp còn có nhiều khả năng bị bắt vì phạm tội và uống rượu say.
Nghiên cứu này cho thấy việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để giúp trẻ có một tương lai khỏe mạnh hơn.
#3. Để trẻ làm việc nhà
"Nếu một đứa trẻ không rửa bát, điều đó có nghĩa là ai đó đã làm việc đó cho chúng", ông Lythcott-Haims, Đại học Stanford, cho biết trong một bài nói chuyện trên TED.
Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ làm việc nhà từ khi còn nhỏ có khả năng hợp tác tốt hơn với đồng nghiệp và phát triển sự đồng cảm. Lý do là vì chúng hiểu những khó khăn khi tự mình làm việc đó. Ngoài ra, chúng cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập.
#4. Kỳ vọng vào con cái
Sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát 6.600 trẻ em sinh năm 2001, nghiên cứu của Đại học Y khoa UCLA nhận thấy rằng những gì cha mẹ mong đợi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành tích của con cái họ: "Các bậc cha mẹ có mục tiêu rõ ràng cho tương lai học đại học của con mình sẽ hướng con mình đến mục tiêu đó, bất kể tài sản và thu nhập như thế nào".
Đối với con cái, chúng sẽ có xu hướng đáp ứng mong đợi của cha mẹ. Vì vậy, hãy mạnh dạn nói ra những điều bạn kỳ vọng ở con cái. Nhưng lưu ý, kỳ vọng sẽ có những hậu quả tiêu cực nếu đứa trẻ không sinh ra với những tố chất phù hợp, đủ để hoàn thành những điều cha mẹ mong chờ. Hoặc đơn giản hơn, khi kỳ vọng của cha mẹ không phải là mong muốn của con. Kỳ vọng phải phù hợp với năng lực và nhu cầu của con cái.
#5. Có mối quan hệ tốt với vợ/chồng
Một nghiên cứu của Đại học Illinois ở Hoa Kỳ cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên xung đột (dù ly hôn hay ở cùng nhau) thường có chất lượng cuộc sống sau này kém hơn so với những đứa trẻ cha mẹ có mối quan hệ tốt.
Robert Hughes, giáo sư về phát triển con người và xã hội tại Đại học Illinois, cũng chỉ ra rằng một số nghiên cứu đã phát hiện ra những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình đơn thân không xung đột sẽ có chất lượng cuộc sống sau này tốt hơn so với những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình có đầy đủ cha mẹ nhưng mâu thuẫn.
#6. Trình độ giáo dục cao hơn
Các bà mẹ tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng nuôi dạy những đứa con đạt được bằng cấp tương tự, một nghiên cứu do các nhà tâm lý học tại Đại học Michigan dẫn đầu cho thấy. Các nhà tâm lý học tại Đại học Bang Bowling Green ở Ohio cũng phát hiện ra rằng trình độ học vấn của cha mẹ có thể dự đoán đáng kể thành tích giáo dục và nghề nghiệp của con cái 40 năm sau.
#7. Mẹ đi làm
Theo một nghiên cứu của Harvard, mẹ đi làm rất tốt cho sự phát triển của con cái. Nghiên cứu cho thấy con gái có mẹ là phụ nữ đi làm sẽ có trình độ học vấn cao hơn trong tương lai, có nhiều khả năng trở thành quản lý tại nơi làm việc và kiếm được nhiều tiền hơn, cao hơn 23% so với con gái có mẹ là nội trợ toàn thời gian.
Con trai của các bà mẹ đi làm cũng sẵn sàng làm việc nhà và chăm sóc con cái hơn. Họ dành trung bình 7 tiếng rưỡi mỗi tuần cho con cái và hơn 25 phút cho việc nhà.
#8. Cảm xúc của cha mẹ
Một nghiên cứu mới với trẻ em từ 3 đến 11 tuổi đăng trên tờ Washington Post cho thấy: Sự căng thẳng của người mẹ có thể tác động tiêu cực đến đứa trẻ.
Sự lây lan cảm xúc - hiện tượng tâm lý trong đó cảm xúc lan truyền từ người này sang người khác giống như cảm lạnh - có thể giải thích tại sao. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu bạn của bạn vui vẻ, năng lượng tích cực của họ sẽ lan truyền sang bạn; nếu họ buồn bã, cảm giác đen tối đó cũng sẽ lan truyền sang người khác. Vì vậy, nếu cha mẹ cảm thấy suy sụp hoặc mệt mỏi, trạng thái cảm xúc đó có thể được truyền sang đứa trẻ.
Vì vậy, điều rất quan trọng đối với trẻ em là cha mẹ đừng căng thẳng và lo lắng!
#9. Nhận thức về sự thất bại
Nhận thức của trẻ về thành công cũng có thể ảnh hưởng đến thành tích sau này.
Nhiều thập kỷ trước, nhà tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng trẻ em có hai nhận thức về thành công: Một là "tư duy cố định", cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo của một người là cố định và không thay đổi.
Hai là "tư duy phát triển", những người có tư duy này sẽ thích thử thách và không cho rằng thất bại là không đủ thông minh, ngược lại họ sẽ lấy thất bại làm động lực để trưởng thành và hoàn thiện mình.
Ý chí ảnh hưởng đến khả năng của bạn, và con cái bạn cũng vậy. Nếu được bảo rằng con làm bài tốt vì thông minh thì trẻ dễ bị "tư duy cố định". Nhưng nếu bạn nói với con rằng trẻ đạt điểm cao nhờ chăm chỉ thì bạn đang dạy con về "tư duy phát triển".