Nghiên cứu khoa học chỉ ra: Học sinh ăn bán trú càng ngon sẽ học càng giỏi, điểm số luôn cao chót vót
Các nghiên cứu được triển khai đã chứng minh rằng học sinh được ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất sẽ đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra.
Harding Senior High là một trường công lập ở St. Paul, Minn (Mỹ). Từ lâu, nơi đây đã được biết đến là trường học 90-90-90. Tức là, 90% học sinh thuộc nhóm thiểu số, gần 90% đến từ các gia đình nghèo hoặc gặp khó khăn, 90% tốt nghiệp (hiện nay là khoảng 80%) tiếp tục học lên đại học hoặc đi làm.
Số liệu thống kê trên quả thực ấn tượng, chắc chắn là như vậy. Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà nơi đây mang lại cho học sinh đó chính là luôn quan tâm đến chế độ ăn ngon và đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao khả năng học tập của người học. Theo đó, trường cung cấp ba bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày cho tất cả học sinh. Đối với những học sinh không thể đến trường kịp giờ ăn sáng, bữa ăn bổ sung sẽ được cung cấp ngay sau tiết đầu tiên. Học sinh có thể lấy bữa tối vào cuối ngày học và những em có hoạt động thể dục thể thao ngoài giờ có thể mang bữa tối trường cung cấp đi ăn.
Cô Jennifer Funkhauser, giáo viên tiếng Pháp tại Harding và là người tham gia thực tế vào chương trình bữa ăn học đường, tin rằng việc đảm bảo học sinh được ăn uống đầy đủ là điều tối quan trọng để giúp các em có thể thành công trong học tập. Cô Funkhauser và các nhân viên tại Harding đều nhận thức rõ về điều này. Không chỉ dừng lại ở "niềm tin", mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ luôn cảm thấy đói hoặc suy dinh dưỡng khó tập trung học tập hơn trẻ được ăn uống đầy đủ.
Sau khi quan sát và nhận thấy một số học sinh không thực sự thoải mái khi ăn uống cùng hàng trăm người trong cùng một phòng căng tin rộng rãi và ồn ào, cô Funkhauser đã tạo ra một nhóm nhỏ, nơi các bạn học sinh không thích sự ôn ào có thể ăn trưa cùng nhau, có phần riêng tư và yên tĩnh hơn.
Cung cấp đủ lượng thực phẩm dinh dưỡng trong trường học quả thực quan trọng. Sean Patrick Corcoran, Phó Giáo sư Kinh tế và Chính sách giáo dục tại Trường Văn hóa, Giáo dục và Nhân văn Steinhardt của Đại học New York, cho biết: "Những học sinh ăn uống đều đặn, lành mạnh sẽ ít mệt mỏi hơn, chú ý hơn trong lớp và ghi nhớ được nhiều thông tin hơn".
Trên thực tế, các nghiên cứu được triển khai đã chứng minh rằng "học sinh tại các trường có ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp ăn bữa trưa ngon, bổ dưỡng và lành mạnh thường đạt điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra" - Michael L. Anderson của Đại học California, Berkeley và các đồng nghiệp báo cáo.
Họ nhận thấy điểm kiểm tra được cải thiện 4% so với điểm đạt được ở những trường học có bữa ăn kém lành mạnh hơn. Tóm lại, các nhà nghiên cứu kết luận: "Mặc dù hiệu ứng này có mức độ ảnh hưởng không lớn nhưng chi phí bỏ ra cho việc ăn trưa ở trường với suất ăn chất lượng được cung cấp bởi bên thứ 3 thấp hơn so việc tự nấu ăn ở nhà. Đây là một cách rất tiết kiệm chi phí để nâng cao điểm kiểm tra".
Ở Minnesota, nơi 10% hộ gia đình được coi là "mất an ninh lương thực" và cứ một trong sáu trẻ em lại nguy cơ bị đói, thì Wilder Research đã chỉ ra như sau, chỉ cần cung cấp bữa sáng miễn phí có thể giúp học sinh tại đây học tốt hơn, cải thiện hành vi và khả năng tập trung cũng như kết quả học tập.
Nhóm nghiên cứu của Berkeley viết: "Dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến việc học tập thông qua ba kênh: phát triển thể chất (ví dụ: thị giác), nhận thức (ví dụ: sự tập trung, trí nhớ) và hành vi (ví dụ: hiếu động thái quá). Chẳng hạn, chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa và bão hòa có tác động tiêu cực đến khả năng học tập và trí nhớ, làm giảm các chất trong cơ thể hỗ trợ quá trình xử lý nhận thức và làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng thần kinh".
Không chỉ học sinh mà những người "kinh doanh" suất ăn lành mành cũng hưởng lợi nhiều từ việc này. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell tại một trường trung học ở New York vào năm 2012 đã phát hiện ra rằng, việc cung cấp thực phẩm lành mạnh hơn cho học sinh có thể tăng doanh số bán hàng lên 18% và giảm gần 28% lượng thực phẩm không lành mạnh được tiêu thụ.
Bữa ăn dinh dưỡng
Năm 2010, nước Mỹ đã ban hành Đạo luật Trẻ em khỏe mạnh, không đói, cải tiến chương trình bữa trưa tại trường học trên toàn quốc nhằm tăng khẩu phần rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, cung cấp lượng calo phù hợp với lứa tuổi, loại bỏ chất béo chuyển hóa nguy hiểm và hạn chế lượng natri.
Bữa ăn trường học miễn phí
Tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hầu hết các bữa ăn trường học đều được phục vụ miễn phí. Đơn giá của bữa ăn sẽ khác nhau với từng khu vực trong thành phố, tuy nhiên mỗi học sinh có thể nhận được phần ăn dao động từ 3.912 won đến 6.791 won, khoảng 73.000 đồng đến 127.000 đồng.
Trong đó, 50% kinh phí sẽ do văn phòng giáo dục chi trả, 30% từ chính quyền thành phố và 20% do từng quận đóng góp. Chất lượng các bữa ăn trường học thường nhận được yêu cầu liên tục nâng cao.
Bộ tiêu chuẩn bữa ăn học đường
Một số cơ quan phụ trách của Thái Lan đã cùng đưa ra một bộ tiêu chuẩn về bữa trưa cho trẻ em, nhằm tạo cho các trường có một kênh tham khảo về số lượng, tần suất các nhóm thực phẩm để lập kế hoạch thực đơn cho trường.
Bộ tiêu chuẩn cũng đưa ra nhiều lưu ý về việc tiêu hóa của trẻ em ở các độ tuổi khác nhau, cũng như về các nguyên liệu thô mà trường chuẩn bị. Từ năm 2013, một nền tảng trực tuyến có tên Thai School Lunch đã được ra mắt để giúp nhà trường thiết kế những bữa ăn trường học sao cho cân bằng được hàm lượng dưỡng chất và kinh tế, khả năng triển khai của nhà trường.
Cấp phép cho nhà cung cấp thực phẩm
Tại Singapore, một số cơ quan sẽ tham gia cấp phép cho các bên cung cấp thực phẩm cho trường học, bao gồm Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA). Cơ quan sẽ đưa ra một bảng đánh giá chi tiết, bao gồm các điểm cộng, điểm trừ, đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên các bên đã được cấp phép. Vì vậy, các công ty cung cấp thực phẩm đã đăng ký với NEA sẽ có độ uy tín cao.
Theo The New York Times