Nghiên cứu đưa môn "Hà Nội học" vào giảng dạy trong các trường ở Thủ đô
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ngành nghiên cứu đưa môn "Hà Nội học" vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở thủ đô. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn Hà Nội.
Thông tin trên báo VietNamnet, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký, ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Nội dung chỉ thị nêu rõ, lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực.
Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Thành ủy Hà Nội cho rằng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên.
Do vậy, Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nhấn mạnh việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ngành nghiên cứu đưa môn "Hà Nội học" vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở thủ đô. Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo Dân trí, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu mỗi công dân thủ đô giữ gìn văn hóa ứng xử, giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, thân thiện, hiếu khách; kiên trì xây dựng người Hà Nội cao về trí tuệ, đẹp về nhân cách, xứng đáng là người dân thủ đô, làm cho Hà Nội trở thành một "đô thị đáng sống".
Cùng với đó là việc xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng...
Đồng thời Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, xã hội; tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...
Ban Thường vụ đánh giá những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan như tác động của mặt trái cơ chế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, song về chủ quan có phần do thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế...