Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản chán nản vì chồng làm ít việc nhà

Trần Trang,
Chia sẻ

Một nghiên cứu cho thấy số phụ nữ Nhật Bản không hài lòng về lượng việc nhà hàng ngày mà chồng họ làm là cao nhất từ ​​trước đến nay.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản chán nản vì chồng làm ít việc nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The New York Times

Theo kết quả của một cuộc khảo sát hàng năm và nghiên cứu của viện nghiên cứu tư nhân Shufu Job Shoken, phần lớn phụ nữ Nhật Bản không hài lòng với khối lượng công việc nhà mà chồng họ đã làm, trong đó hơn 15% cho biết chồng họ không hề làm bất kỳ công việc nhà nào hàng ngày.

Cụ thể, có đến 55,3% số người vợ ở Nhật Bản không hài lòng với khối lượng việc mà chồng làm ở nhà. Gần 40% cho biết họ không hài lòng vì chồng chỉ giúp đỡ một chút và 15,5% cho biết chồng không bao giờ nấu nướng, dọn dẹp hay chăm sóc con cái.

Đây là mức độ không hài lòng cao nhất của phụ nữ Nhật Bản được viện nghiên cứu trên ghi nhận kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cách đây 3 năm.

Chỉ khoảng 16,7% trong số 510 người được hỏi cho biết chồng họ đã làm đủ việc nhà và hài lòng với nỗ lực của chồng, trong khi 28% cho biết chồng họ đã làm "một chút và tôi không phàn nàn gì".

Bà Fumiyo Hayashi (51 tuổi) ở thành phố Yokohama nói với tờ This Week in Asia: "Chồng tôi không nấu ăn, không giặt giũ và không bao giờ dọn dẹp nhà cửa. Tôi thừa nhận rằng anh ấy có đổ rác mỗi sáng, nhưng dù sao thì anh ấy cũng làm vậy chỉ vì tiện chuẩn bị chuẩn bị ra khỏi nhà. Tôi ước gì anh ấy làm được nhiều việc hơn, nhưng dù sao chúng tôi cũng không tranh cãi về vấn đề việc nhà".

Trong gia đình bà Fumiyo Hayashi, không phải chỉ có chồng bà ra ngoài làm việc. Mặc dù chồng làm việc bận rộn nhiều giờ tại một nhà sản xuất ô tô lớn, nhưng bà cho biết bản thân cũng có hai công việc bán thời gian để tăng tài chính cho gia đình. Bà cũng thường xuyên về nhà trong tình trạng mệt mỏi nhưng sau đó vẫn phải chuẩn bị bữa tối và dọn dẹp.

"Về mặt tích cực, nếu tôi nói với anh ấy rằng tôi mệt sau giờ làm việc, anh ấy luôn đề nghị hai vợ chồng nên ra ngoài ăn tối để tôi có thể được nghỉ ngơi", bà nói.

Những lời phàn nàn được liệt kê trong nghiên cứu của Shufu Job Shoken bao gồm từ những điều rất cụ thể như: Chồng không cuộn tất lại và để tất trên sàn thay vì cho tất vào máy giặt, cho đến những lời trách móc chung chung hơn, chẳng hạn như không dọn dẹp hoặc bỏ bê nhiệm vụ nuôi dạy con cái.

Một số phụ nữ nói rằng chồng họ thiếu nhận thức về những công việc gia đình cần phải làm, nghĩa là công việc đó bị bỏ qua cho đến khi vợ họ phải làm. Một nguyên nhân gây xích mích khác là đàn ông không đáp ứng được tiêu chuẩn của vợ.

Như Takako Tomura (43 tuổi) đến từ quận Kanagawa chia sẻ: "Chồng tôi thực sự khá giỏi việc nhà và anh ấy thường xuyên dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh và lối vào căn hộ của chúng tôi. Tôi đánh giá cao điều đó vì anh ấy còn làm việc chăm chỉ và đi làm nhiều giờ. Điều đó giúp ích cho tôi nhiều vì tôi cũng có một công việc bán thời gian. Nhưng đôi khi tôi nghĩ mình có thể làm những công việc nhà nhanh hơn và tốt hơn anh ấy. Vì vậy, tôi đợi cho đến khi chồng mình đi ra ngoài và làm mọi việc theo cách mà bản thân muốn. Tôi đánh giá cao nỗ lực của anh ấy nhưng tôi vẫn sẽ làm lại".

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản chán nản vì chồng làm ít việc nhà - Ảnh 2.

Người đàn ông đẩy con đi chơi trong công viên. Ảnh: Shutterstock

Sumia Kawakami, giảng viên tại Đại học Yamanashi Gakuin, cho biết đã có sự thay đổi dần dần trong quan điểm của các gia đình ở Nhật Bản và các cặp vợ chồng đã chia sẻ trách nhiệm trong nhà một cách tốt hơn.

Bà nói: "Trước đây, phụ nữ thường chọn đi theo 'con đường sự nghiệp' hoặc 'con đường làm mẹ' và những người ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp đều phải làm việc tại nhà và nuôi dạy con cái. Nhưng tôi lạc quan rằng điều đó đang thay đổi. Tôi thấy nam giới đã làm nhiều việc nhà hơn và đón con đi học mẫu giáo, điều này không xảy ra cách đây vài năm".

"Sự khác biệt về quan điểm không chỉ đơn giản là do thế hệ mà còn do số tiền một cặp vợ chồng kiếm được. Những người làm công việc được trả lương cao có thể đủ khả năng để nghỉ phép, nhưng có nhiều người bị mắc kẹt ở những vị trí được trả lương thấp và sau khi làm xong một công việc, về nhà và ngay lập tức phải chuyển sang công việc tiếp theo. Những người này thường không có thời gian và sức lực để làm việc nhà", bà nói thêm.

Chia sẻ