Nghịch lý đáng sợ chốn "thiên đường cho phụ nữ": Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới

J.D,
Chia sẻ

Iceland được xem là nước có bình đẳng giới tốt nhất. Nhưng tỉ lệ phụ nữ bị cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục lên tới 40%.

Trên thân thể của Maria Árnadóttir là vô số những vết bầm dập đủ màu sắc, tùy vào thời điểm mà nó xuất hiện. Theo tài liệu công bố tại phiên tòa, đó là những vết thương do bạn trai của cô gây ra, sau khi quăng quật cô khắp căn phòng trong lúc vật lộn để giật lấy chiếc điện thoại, ngăn không cho cô báo cảnh sát.

Nhiều ngày sau khi bị tấn công, Árnadóttir vẫn cảm thấy rất khó thở. Cuối cùng, cô buộc phải đi cấp cứu.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN tại căn hộ vùng ngoại ô Raykjavik (Iceland), Árnadóttir cho biết bạn trai cô đã có những hành vi bạo hành từ trước, nhưng chưa lần nào kinh khủng như thời điểm tháng 7/2016.

"Tôi nghĩ mình đã chết. Hắn lôi rồi quăng quật tôi như mớ giẻ. Tôi thực sự nghĩ mình sẽ chết".

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Maria Árnadóttir kể lại trải nghiệm bị bạn trai cũ bạo hành cách đây 5 năm

Nhiều tháng sau, cô gom đủ can đảm để tới trình báo cảnh sát, đưa ra những hình ảnh về thương tật, bệnh án cũng như danh sách các nhân chứng liên quan. Ngoài ra còn có những tin nhắn từ tên bạn trai cũ thừa nhận đã tấn công, đồng thời đe dọa sẽ tung ảnh khỏa thân của cô nếu lên tiếng.

Tại phiên tòa, gã đàn ông chối bỏ mọi cáo buộc. Y thừa nhận rằng có đe dọa bạn gái cũ, nhưng chưa bao giờ có ý định thực sự làm như vậy.

Và với cảnh sát, các bằng chứng nêu trên là không đủ. Một năm rưỡi trôi qua kể từ ngày khởi kiện, Árnadóttir nhận được tin từ cơ quan chức năng rằng vụ việc của cô chính thức bị bãi bỏ, không có bản án nào được đưa ra. Tuy nhiên, điều này không đúng sự thật. Vụ việc chưa từng bị bãi bỏ. Trái lại, cảnh sát đã không thể thẩm vấn nghi phạm cho đến khi thời hạn vụ án kết thúc.

Những gì xảy ra với Árnadóttir là một trong vô số các vụ việc được đưa ra Tòa án Nhân quyền châu Âu, về cái gọi là "hệ thống pháp lý kỳ thị nữ giới" đang xâm phạm quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ việc liên quan đến bạo hành giới tính.

Và bi kịch hơn, câu chuyện của họ xảy ra ở Iceland - vốn luôn được ngợi ca là "thiên đường của phụ nữ", được xem là đất nước bình đẳng giới tốt nhất thế giới.

Nghịch lý kinh hoàng tại "thiên đường của phụ nữ"

Ở Iceland, án giết người khá hiếm. Nhưng hiếp dâm thì khác.

Theo một nghiên cứu lớn vào năm 2018, 1/4 phụ nữ Iceland từng bị hoặc suýt bị cưỡng hiếp, và 40% từng là nạn nhân bị bạo hành tình dục. Con số này cao hơn mức trung bình của toàn cầu - 30%, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Tác giả nghiên cứu - Unnur Anna Valdimarsdóttir và Arna Hauksdóttir, 2 chuyên gia y tế và dịch tễ tại ĐH Iceland - đã tiến hành khảo sát hơn 30.000 người (tương đương gần 1/3 số phụ nữ của đất nước). Kết quả trả về, đối với họ, là thực sự đáng báo động.

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Iceland - đất nước được xem là "thiên đường của phụ nữ" tồn tại một nghịch lý đáng sợ

"Chúng tôi rất bất ngờ về tỉ lệ phụ nữ từng phải chịu đựng bạo lực tình dục trong đời" - Hauksdóttir cho biết.

"Mọi người sẽ thấy rất khó để tin đây là con số thực. Đa số khi nghe đến tỷ lệ trên 40% đều thốt lên rằng 'Không thể nào!'" - Valdimarsdóttir tiếp lời. "Thậm chí tôi cũng phải thừa nhận rằng mình không muốn tin. Thế rồi tôi bắt đầu trò chuyện với bạn bè, và nó dần trở nên hợp lý. Ít nhất 8 người bạn của tôi từng trải qua chuyện đó".

Các tác giả nghiên cứu cho rằng kết quả này thực sự không khớp với niềm tự hào của Iceland, về một xã hội bình đẳng giới.

"Iceland là nơi tuyệt vời đối với phụ nữ. Chúng tôi được tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, và vô số thứ mà rất nhiều người trên thế giới không có được. Vậy mà, con số ấy vẫn rất lớn".

Valdimarsdóttir nhận định, có thể những tiến bộ về bình đẳng giới Iceland có được đã góp phần khiến tỉ lệ này tăng cao, vì có nhiều phụ nữ dám đứng ra lên tiếng.

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Steinunn Guðjónsdótti - phát ngôn viên của Stigamot, một tổ chức phi chính phủ

"Ở một xã hội có mức bình đẳng giới cao, bạn sẽ thấy số người bị bạo hành, quấy rối cũng tương đương như vậy. Thoạt nhìn thì nghịch lý, nhưng điều này cho thấy phụ nữ ở đây ý thức được việc họ đang bị xâm phạm. Ở các nước khác liệu có thể không? Nói chung, những con số này sẽ tiệm cận với sự thật hơn".

Một yếu tố khiến 2 chuyên gia lo ngại nằm ở tỉ lệ phụ nữ bị xâm phạm trải rộng ở nhiều tầng lớp trong xã hội. "Phông văn hóa, trình độ học vấn, thu nhập... tất cả đều không liên quan".

Lời nguyền thế hệ

Öfgar - một nhóm nữ quyền tập trung giáo dục nhận thức cho công chúng về vấn đề liên quan đến bạo lực và cưỡng hiếp - lại không mấy ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu. Họ thậm chí còn tin rằng con số phải cao hơn như vậy.

"Tôi không có dù chỉ một cô bạn nào chưa từng trải qua quấy rối, bạo hành tình dục, hoặc ở trong các mối quan hệ độc hại (toxic)" - Helga Ben, một nhà hoạt động chia sẻ.

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 4.

Những nhà hoạt động của Öfgar đứng ra lên tiếng

Từng người một, họ kể về trải nghiệm khi bị cưỡng hiếp, bị lạm dụng, quấy rối, lặp đi lặp lại cảm giác tủi hổ, và gọi đó là "lời nguyền thế hệ".

"Ý tưởng về việc Iceland là một thiên đường cho phụ nữ đã ăn sâu vào chúng ta kể từ lúc còn nhỏ. 'Sao phải tức giận thế? Hãy nhìn vào phụ nữ ở các nước khác kém may mắn hơn đi. Được như vậy là tốt lắm rồi'" - trích lời Ólöf Tara, một phụ nữ trong nhóm.

Hulda Hrund Sigmundsdóttir, một thành viên khác tiếp lời: "Nhưng bạo lực là thứ mà phụ nữ phải trải qua rất nhiều năm rồi. Chúng tôi chưa từng có đủ quyền lực để lên tiếng. Bạo lực cứ sinh sôi trong im lặng, vì nếu nói ra, ai đó sẽ nhận thấy nó liên quan đến bạn và bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ, qua đó phá vỡ cái gọi là 'khuôn mẫu thế hệ'. Tôi nhận thức được từ mẹ, và mẹ có nó từ bà ngoại. Cứ như vậy, nó cứ âm ỉ trôi đi đến các thế hệ sau, tất cả sẽ chẳng dám lên tiếng".

Sứ mệnh nhóm Öfgar đặt ra là lan tỏa nhận thức trong người trẻ về các vấn đề liên quan đến bạo hành tình dục và cưỡng hiếp. Họ cũng hỗ trợ các nạn nhân, và nắm vai trò quan trọng đối với làn sóng #MeToo tại Iceland. Nhóm cho biết họ nhận ra mình cần phải làm điều gì đó, sau khi liên tục nhận được đơn tố cáo về một người nổi tiếng tại Iceland có hành vi quấy rối và bạo lực.

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 5.

Unnur Anna Valdimarsdóttir và Arna Hauksdóttir, hai tác giả nghiên cứu từ ĐH Iceland

Ít nhất có hơn 20 phụ nữ đã đứng ra tố cáo người này. Khi đưa nó ra với truyền thông, số người lên tiếng lại nhiều hơn nữa.

"Chúng tôi bị cáo buộc bịa chuyện để vùi dập y, nhưng thực ra người bị vùi dập là các nạn nhân".

Với các cáo buộc chồng chất, người đàn ông này bị loại khỏi một số sự kiện lớn và phải hứng chịu một vài hậu quả liên quan đến công việc. Tuy nhiên, y phủ nhận mọi cáo buộc, thậm chí khởi kiện nhóm và không phải chịu bất kỳ hệ quả pháp lý nào.

Phản đối sự lên tiếng

Phong trào #MeToo tại Iceland phải hứng chịu nhiều chỉ trích, và qua đó tạo ra một làn sóng phản đối với hệ thống pháp lý ở quốc gia này.

"Nhờ #MeToo, phụ nữ đang đứng ra, tố cáo kẻ đã cưỡng hiếp họ. Nhưng dù họ không yêu cầu hành động pháp lý nào, nhiều người vẫn nói kiểu 'Không được làm như thế'" - Steinunn Guðjónsdóttir, phát ngôn viên của Stigamot, một tổ chức phi chính phủ, cho hay.

Nghịch lý đáng sợ chốn thiên đường cho phụ nữ: Bạo lực, cưỡng hiếp, bất công với tỉ lệ hàng đầu thế giới - Ảnh 6.

"Có rất nhiều áp lực dành cho các nạn nhân muốn làm điều đúng để cáo buộc kẻ phạm tội, nhưng làm cỡ nào cũng không ổn. Đa số các sự vụ, họ còn không đưa được nó ra tòa".

Tại Tòa Nhân quyền châu Âu, cần phải mất vài năm để đi đến quyết định cuối cùng của một sự vụ. Còn trong lúc đó, nỗi khốn khổ của những người như Árnadóttir vẫn tiếp tục diễn ra.

Árnadóttir cho biết cô được chẩn đoán mắc PTSD (trầm cảm sau chấn thương), phải nghỉ làm một thời gian và hiện vẫn gặp khó với các hoạt động thường ngày. Cô có nêu ra các chấn thương tâm lý phải chịu đựng với tòa, nhưng bị bác bỏ.

"Chính phủ Iceland thấu hiểu những sai phạm trong quá trình điều tra, dẫn đến việc vụ án bị quá thời hạn" - trích lời Fjalar Sigurðarson, chuyên viên của Bộ Tư pháp Iceland. Ông đồng thời nhận định rằng việc này là "rất hiếm gặp" trong hệ thống pháp lý tại đây.

Árnadóttir sau đó đã dồn mọi tâm sức để trở thành một nhà hoạt động, lên tiếng về trải nghiệm của mình và kêu gọi sự chú ý của nhà cầm quyền. Với nền tảng học luật, cô đưa vụ việc lên Bộ Tư pháp, đòi hỏi sự đổi mới về luật pháp.

Hiện tại, sự đòi hỏi ấy đã có những thành công nhất định, và với Árnadóttir, đó là điều rất có ý nghĩa. "Tôi có con gái, có bạn bè, và không muốn bất kỳ ai phải trải qua những gì tôi đã từng. Chúng ta cần phải thay đổi".

Nguồn: CNN

Chia sẻ