Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu

Huy Kiên,
Chia sẻ

Từ ngày 20-27/4, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức làm Trưởng đoàn thực hiện chuyến thăm, động viên quân, dân trên các đảo ở quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1/8 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, Đoàn công tác đã góp phần mang tình cảm chân thành, lòng tri ân của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đến với cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo của Trường Sa.

Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các Ban của Thành ủy; đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng đại diện lãnh đạo các quận huyện, sở ngành, một số doanh nghiệp tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội; đoàn văn công Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và các phóng viên cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội.

Trong hai ngày đầu của hành trình, Đoàn công tác đã có nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa tại tỉnh Khánh Hòa như: dâng hương tại chùa Linh Nguyên, dâng hương Đài tưởng niệm liệt sỹ tù chính trị tại Cam Ranh, thăm Lữ đoàn 162, Đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất Quân chủng Hải quân; thăm quan Lữ đoàn tàu ngầm 189 Quân chủng Hải quân - nơi có Tàu ngầm 182 mang tên Hà Nội; Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân; và dâng hương tại Đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma…

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 1.

Đoàn công tác của thành phố Hà Nội dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ tù chính trị tại Cam Ranh

Tiếp đó, từ ngày 22-27/4, vượt qua hải trình hơn 1.000 hải lý, trên con tàu KN-490, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm việc, sinh sống trên 5 đảo, điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK1/8 Quế Đường, mang theo tình cảm và những món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành tặng những người con anh dũng nơi vùng biển đảo thiêng liêng. Đây là năm thứ 13 Hà Nội tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc tại nơi tuyến đầu sóng gió bởi Trường Sa thân yêu luôn trong mỗi trái tim của người dân Thủ đô…

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức và Đoàn công tác vẫy tay chào trước khi tàu rời cảng

Tàu KN-490 đã đưa Đoàn công tác đến điểm dừng chân đầu tiên là Đảo Song Tử Tây, 1 trong 3 xã đảo của huyện đảo Trường Sa, Tại đây, Đoàn công tác đã thắp hương tại chùa Song Tử Tây, dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trồng cây lưu niệm, thăm nơi làm việc và chỗ nghỉ của cán bộ chiến sỹ, thăm các gia đình đã sinh sống trên đảo.... Thay mặt cán bộ, chiến sỹ trên Đảo Song Tử Tây, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Chỉ huy đảo đã giới thiệu và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảo thời gian qua. Chỉ mới cách đây hơn 1 năm, cơn bão số 9 với mức gió giật cấp 17 quét qua đã khiến hơn 90% cây xanh bị gãy đổ, tất cả ngôi nhà bị tốc mái. Nhưng với sự nỗ lực của quân và dân trên đảo, màu xanh trên đảo đã dần trở lại, nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây giờ đây trông giống như một ngôi làng trù phú với mái ngói đỏ tươi, cây cối mướt màu xanh giữa biển cả mênh mông.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 3.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức chào cán bộ chiến sỹ trên Đảo Song Tử Tây

Đến thăm nơi làm việc, nơi ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của cán bộ chiến sỹ trên đảo, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức xúc động nói: “Đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đảo Song Tử Tây, được tận mắt chứng kiến những gian nan, thử thách nơi đầu sóng, ngọn gió của những người lính nơi biển khơi, chúng tôi càng thêm tự hào và tin tưởng hơn về lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Thủ đô Hà Nội và các địa phương, các cơ quan chức năng, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, luôn hướng về biển, đảo với tinh thần trách nhiệm cao, tình cảm thân thương và sâu sắc nhất; đã và đang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực nhằm động viên và chia sẻ về tinh thần, vật chất đối với biển đảo quê hương…”.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 4.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức trồng cây lưu niệm trên Đảo Song Tử Tây

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cùng các thành viên Đoàn công tác cũng đã tới thăm các gia đình đang sinh sống trên đảo. Các hộ dân trên đảo không dấu được niềm vui khi được đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm, họ pha những bình trà ngon, đem thạch, bánh đông sương tự làm ra đãi khách. Đồng chí Trưởng đoàn công tác ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên và chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của các gia đình nơi đầu sóng, ngọn gió. Đồng chí Nguyễn Quang Đức chúc các gia đình luôn mạnh khỏe, đoàn kết cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng cư dân thắm đượm tình làng, nghĩa xóm nơi hải đảo xa xôi. Xoa đầu và tặng quà từng cháu nhỏ, đồng chí Nguyễn Quang Đức mong các cháu luôn yêu thương nhau, ngoan ngoãn, là con ngoan trò giỏi, sớm trở thành những công dân gương mẫu trên đảo và sau này trở thành chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 5.


Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 6.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức động viên các em học sinh trên Đảo Song Tử Tây

Chia tay Đảo Song Tử Tây, tàu KN-490 đưa Đoàn công tác lần lượt đến thăm đảo Đá Thị, đảo Sinh Tồn Đông và Đá Đông B. Tại các điểm đảo, cùng với việc thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đoàn công tác của thành phố Hà Nội cũng đã mang tới những món quà ý nghĩa, thiết yếu. Đó là máy lọc nước, quạt tích điện, máy trình chiếu, máy bơm nước, máy vi tính, máy in, ti vi…; cả những đặc sản của Hà Nội như bánh chưng, giò chả, cốm, rau quả…

Không chỉ chuẩn bị chu đáo về vật chất, đoàn công tác cũng đã mang đến với quân dân trên các điểm đảo những món quà tinh thần đặc biệt ý nghĩa. Đó là những lời ca, tiếng hát của lực lượng xung kích, của cô và trò trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã làm vang dậy không khí tươi vui trên các đảo. Đó là những lá thư nhận được từ phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” và vẽ tranh về Trường Sa của học sinh Hà Nội do Thành đoàn Hà Nội phát động.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 7.

Đại diện Thành đoàn Hà Nội và quận Hoàn Kiếm tặng thư và tranh vẽ của học sinh Hà Nội cho cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa

Tại đảo Sinh Tồn Đông, sau khi thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Nguyễn Quang Đức và đoàn công tác đã vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện gia đình của Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông. Trung tá Hợp quê ở Hà Tĩnh, có hai con bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn tình nguyện xin ra đảo công tác, đến nay đã được một năm. Vợ anh ở nhà cũng vừa trải qua ca phẫu thật tim ngày 10/4…

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 8.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức tặng quà và ôm động viên Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Quang Đức đã trao quà và động viên Trung tá Hợp vững tâm, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trưởng đoàn Hà Nội cũng đã trao quà, thăm hỏi gia đình Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, con trai của Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong - người đã hy sinh cùng đồng đội khi chiến đấu anh dũng trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988; gửi quà thăm hỏi, động viên gia đình Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương qua người con rể của Liệt sĩ hiện đang công tác trên tàu KN 490. Đại diện Đoàn công tác Hà Nội cũng đã đi xuồng đến trực tiếp tặng quà cho 3 tàu kiểm ngư và một tàu vận tải đang thi hành nhiệm vụ tại các khu vực đoàn đi qua.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 9.

Đồng chí Nguyễn Minh Long, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Trưởng Đoàn công tác tặng quà cho tàu kiểm ngư KN-472 đang thi hành nhiệm vụ tại các khu vực đoàn đi qua

Một trong những hoạt động ý nghĩa nhất của Đoàn công tác trong chuyến đi lần này đó là việc Hà Nội tiếp tục tặng 50 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông B. Đây là công trình thứ 11, là hoạt động tiếp nối chủ trương của thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập của quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa.

Đá Đông B là một điểm đảo còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công trình nhà ở xây dựng đã lâu nên đang bị xuống cấp. Đảo thuộc vùng khí hậu khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, còn mùa mưa thì biển động, hứng chịu nhiều bão tố. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhìn chung nhiều khó khăn.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 10.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cùng các thành viên Đoàn công tác thả đá khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông B

Phát biểu tại lễ khởi công, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức khẳng định, cho dù Hà Nội cũng như cả nước vẫn còn không ít khó khăn trong công cuộc khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn một lòng hướng về Trường Sa thân yêu.

“Công trình trị giá 50 tỷ đồng được khởi công hôm nay tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mang giá trị tinh thần, tình cảm rất sâu sắc từ tấm lòng của mỗi người dân Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Quang Đức khẳng định.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 11.

Các thành viên Đoàn công tác làm Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ghi nhận và trân trọng những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội dành cho Trường Sa, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân thay mặt các cán bộ, chiến sĩ ở đảo Đá Đông B cũng như Quân chủng Hải quân, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đồng bào Thủ đô nhiều năm qua đã sát cánh cùng Trường Sa thân yêu. Đồng chí Phó Tư lệnh khẳng định: Công trình Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông đồng bào Thủ đô Hà Nội tặng Trường Sa hôm nay có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như bà con ngư dân, công trình còn là cột mốc chủ quyền vững chắc giữa biển khơi. Và điều quan trọng nhất, đó là kết tinh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết tạo nên nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù.

Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới đồng bào Thủ đô, đồng chí Phó Tư lệnh yêu cầu đơn vị thi công, đơn vị giám sát thực hiện đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa công trình Nhà văn hoá đa năng trên đảo Đá Đông B vào sử dụng hiệu quả.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 12.

Đoàn công tác thực hiện Lễ chào cờ tại đảo Trường Sa

Chặng tiếp theo của hành trình, tàu KN-490 đưa Đoàn công tác tới Thị trấn Trường Sa  – nơi được ví như "thủ đô" trên biển của quần đảo Trường Sa. Tại đây, các thành viên đã tham dự Lễ chào cờ thiêng liêng, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương và cung tiến lễ vật tại chùa Trường Sa lớn… Đặc biệt, lần đầu tiên, Giải chạy “Vì Trường Sa thân yêu” đã được tổ chức ngay tại đường băng sân bay Trường Sa với sự tham gia của các thành viên trên tàu KN-490 và quân, dân trên đảo đã mang đến nhiều cảm xúc. Giải chạy cũng quyên góp được 50 triệu đồng tặng quân và dân trên đảo.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 13.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức và Đoàn công tác dâng hương tại chùa Trường Sa lớn

Một món quà ý nghĩa nữa trong chuyến đi lần này, đó là gần 2.000 bát Phở Hà Nội được doanh nghiệp Ngọc Vượng (phở Ngọc Vượng) kỳ công mang đến, nấu ở từng điểm đảo để mời các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thưởng thức. Hết sức bất ngờ với món quà này, Binh nhất Nguyễn Tá Tuấn, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Em đã được ăn rất nhiều loại phở của Hà Nội nhưng chưa bao giờ được ăn bát phở nào ngon như thế này. Thật bất ngờ, sau 9 tháng nhập ngũ lại được ăn bát phở ngon như vậy ngay trên đảo Trường Sa với đầy đủ gia vị chanh, tỏi, ớt.... Một mình em đã ăn hết 3 bát liền một lúc. Em rất cảm ơn đoàn về món quà hết sức bất ngờ và thú vị này”.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 14.

Giám đốc doanh nghiệp Ngọc Vượng trực tiếp làm những tô phở Hà Nội phục vụ cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 15.

Các chiến sĩ hào hứng thưởng thức món phở Hà Nội

Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Đảo có UBND thị trấn, có âu tàu, có làng chài để ngư dân vào tránh trú bão, có các hộ dân sinh sống, có đường băng, nhà ga hàng không. Đảo cũng có nhiều cây xanh, đặc biệt là có đến 9 giếng nước ngọt. Qua 48 năm xây dựng và trưởng thành, quân và dân trên đảo Trường Sa đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 16.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức phát biểu động viên cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa

Thay mặt Đoàn công tác, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức ghi nhận và biểu dương những thành tích mà chính quyền và quân, dân thị trấn Trường Sa đã đạt được. Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cũng chia sẻ, những ngày qua, các thành viên Đoàn công tác đã được trực tiếp chứng kiến, cảm nhận sâu sắc về đời sống, công việc và những khó khăn, vất vả mà mỗi cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải nỗ lực vượt qua. Mỗi điểm đảo đều để lại trong các thành viên cảm xúc, ấn tượng sâu sắc, trân trọng đối với những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương, đất nước; bảo vệ sự bình yên, ổn định và phát triển cho dân tộc Việt Nam.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 17.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cùng các thành viên Đoàn công tác vẫy chào cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/8 Quế Đường

Ở chặng cuối của hải trình, tàu KN-490 đưa Đoàn công tác tới thăm nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên đoàn công tác không thể lên thăm, động viên các chiến sĩ. Song, những phần quà thiết thực và thông qua hệ thống điện đàm, những vần thơ cùng những lời ca tiếng hát của các thành viên tàu KN-490 gửi đến với những chiến sĩ nhà giàn, thể hiện tình quân dân bền chặt, sâu sắc. Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8, thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn đã khẳng định luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo và độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 18.

Cô và trò trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hát tặng chiến sĩ nhà giàn DK1/8 Quế Đường thông qua hệ thống điện đàm

14h ngày 27/4, con tàu KN 490 cập bến cảng Cam Ranh, kết thúc một chuyến đi nhiều ý nghĩa của đoàn công tác thành phố Hà Nội cùng lực lượng Hải quân và các đơn vị. Mỗi thành viên đều có những trải nghiệm của riêng mình về cuộc sống nơi đảo xa, từ đó thêm yêu và ý thức được trách nhiệm của mình đối với mỗi tấc đất, ngọn sóng nơi biển trời thiêng liêng cha ông đã đổ bao công sức, máu xương gìn giữ.

Nghĩa tình Hà Nội - Trường Sa: Mãi mãi một tình yêu - Ảnh 19.

Đại diện Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng hoa chúc mừng đồng chí Trưởng đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã có chuyến đi thành công

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng đoàn công tác của thành phố Hà Nội khẳng định, chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã rất nhiệt tình, trách nhiệm, phối hợp giúp đỡ đoàn công tác thăm các đảo an toàn, hiệu quả; tạo điều kiện cho các thành viên giao lưu, tìm hiểu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, qua đó tăng thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc. “Thông qua chuyến đi lần này, trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức các đoàn đại biểu thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô sẽ có những việc làm cụ thể, thiết thực hơn nữa để hướng về biển đảo cũng như giúp Trường Sa ngày càng phát triển, góp phần xây dựng lực lượng hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, đồng chí Nguyễn Quang Đức nhấn mạnh.

Chia sẻ