Nghi vấn SARS-CoV-2 gây tử vong thông qua xâm lấn tim
Cứ 1 trong 5 bệnh nhân nhập viện ở Mỹ vì COVID-19 có biểu hiện tổn thương tim. Các bác sĩ tim mạch đang truy tìm xem liệu virus SARS-CoV-2 có tấn công hệ tim mạch hay không, tạp chí Nhà khoa học Mỹ (Scientific American) đưa tin.
Trong khi các nỗ lực chống COVID-19 tập trung vào điều trị các bệnh lý hô hấp, bảo đảm đủ nguồn cung máy thở, các bác sĩ trên tuyến đầu lại đang đối diện với một bí ẩn y khoa mới. Ngoài tổn thương phổi, nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng có biểu hiện về bệnh tim, tử vong vì suy tim. Khi có được dữ liệu ngày một nhiều từ Trung Quốc, Italy, hay bang Washington, New York, các chuyên gia y tế tin rằng SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến cơ tim. Nghiên cứu bước đầu cho thấy tổn thương tim xuất hiện trung bình ở 1/5 bệnh nhân, dẫn đến suy tim và thậm chí tử vọng ở những người không có biểu hiện bệnh lý nền liên quan đến hô hấp.
Điều này có thể thay đổi cách thức điều trị của bác sĩ và bệnh viện đối với bệnh nhân, đặc biệt là ở giai đoạn đầu mắc bệnh. Nó cũng có thể mở ra mặt trận thứ hai trong cuộc chiến chống COVID-19, với yêu cầu mới cần phải lưu ý với những người có vấn đề tim mạch trước khi nhập viện, nhu cầu mới đối với thiết bị và sau cùng là các kế hoạch điều trị đối chứng trụy tim với những người sống sót. “Việc trả lời câu hỏi sau sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Liệu có phải virus tấn công tim và chúng ta có thể làm được điều gì đó để ngăn chặn? Điều này có thể cứu sống người bệnh”, bác sĩ Ulrich Jorde, người đứng đầu bộ phận điều trị suy tim, phẫu thuật tim và hỗ trợ tuần hoàn cơ học tại Hệ thống bệnh viện Montefiore Health System ở thành phố New York chia sẻ.
Những bất ổn về tim mạch là do virus tự thân nó gây ra, hay tình cờ là sản phẩm của phản ứng cơ thể người trước xâm nhập của virus hiện là điều giới y khoa chưa giải mã được khi họ cố gắng tìm hiểu đầy đủ về COVID-19. Rất khó để xác định virus ảnh hưởng ra sao đến tim mạch, một phần là bởi ốm bệnh nặng cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim. Theo bác sĩ Robert Bonow, Giáo sư tim mạch tại Đại học Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), những người hấp hối vì viêm phổi nặng cuối cùng sẽ chết bởi vì tim ngừng đập, đó là bởi người bệnh không thể lấy đủ ôxy cho hệ thống và mọi thứ ngừng lại. Bonow và nhiều chuyên gia tim mạch tin rằng, COVID-19 có thể gây ảnh hưởng, hủy hoại tim mạch theo 4 hoặc 5 cách khác nhau và một bệnh nhân có thể chịu tác động theo hơn một cách.
Các bác sĩ từ lâu đã biết rằng bất kể một ca bệnh nặng nào, ngay cả chỉ dừng ở mức phẫu thuật hông, đều có thể tạo ra những sức ép đủ để gây hại cho tim. Hơn thế, những biểu hiện bệnh như viêm phổi có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm lan rộng trong cơ thể. Điều này đến lượt nó lại khiến cho các động mạch hoạt động không ổn định, gây đột quỵ. Viêm nhiễm cũng có thể gây ra các bệnh lý khác như phì đại cơ tim, dẫn đến làm yếu cơ tim và thậm chí là trụy tim. Theo Bonow, tổn thương quan sát được ở các bệnh nhân COVID-19 có thể là do xâm nhập trực tiếp của virus vào cơ tim. Những nghiên cứu bước đầu cho thấy, virus xâm lấn một số thụ thể (receptor) trong phổi và họ cũng tìm ra thụ thể này trong các cơ tim.