Nghi vấn "diễn xuất" của HLV The Voice

Quang Minh,
Chia sẻ

Liệu đằng sau những màn tung hứng của 4 vị huấn luyện kia có một kịch bản dựng sẵn?

The Voice là một chương trình thực tế đang có lượng rating hàng đầu hiện nay. Không phải vô lí mà một công ty truyền thông bỏ tới con số hàng triệu đô để mang về một chương trình chỉ mới đi đến mùa thứ 2 nhưng đã mạnh mẽ đẩy Vietnam Idol ra khỏi vị trí “ông vua rating” suốt 4 năm trở lại đây. Khi tên 4 huấn luyện viên xuất hiện, tranh cãi đã nổ ra quyết liệt ngay trên trang chủ của Giọng hát Việt. Nhưng thành công đến hiện tại của chương trình, ngoài những dấu vết xếp đặt để dồn lượng thí sinh cân bằng cho các huấn luyện viên trong vòng Giấu mặt, khả năng “diễn xuất” của 4 ca sỹ nổi tiếng cũng góp phần không nhỏ thu hút khán giả đến với The Voice phiên bản Việt. 

“Diễn xuất” để tăng lượng người xem

Cao trào của một cuộc thi đồng nghĩa với nước mắt và những tiếng vỗ tay. Việc biên tập những tiếng vỗ tay nhạt nhẽo và vô vị trong mấy tập đầu nhằm tăng cao trào cho phần trình diễn của thí sinh đã không ít lần làm người xem cảm thấy bị gượng. Cùng với đó, việc xuất hiện quá đà của những màn khóc lóc, từ thí sinh đến huấn luyện viên đã làm The Voice trở thành chiến trận “bi thảm” quá đà ở ngay vòng đầu. 

Trong đêm thi thứ 4, sau phần trình diễn của mình, Tiêu Châu Như Quỳnh đã òa khóc. Hồ Ngọc Hà cũng bắt đầu rơi nước mắt nhưng ngay sau đó, cô lạnh lùng đưa ra một câu nhận xét đầy lí trí: “Hà là như vậy, không thể giấu cảm xúc thật của mình, dù biết lên hình sẽ không đẹp, nhưng thà không đẹp để giữ được cảm xúc thật còn hơn”. Fan của Hồ Ngọc Hà có mặt tại sân khấu Nguyễn Du đương nhiên được dịp “điên loạn” gào thét tên thần tượng. 

Nghi vấn

Nếu nhìn các phiên bản đã thành công trên thế giới như tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc, có rất ít thí sinh thực sự tạo được động lực khiến cả 4 giám khảo quay lại, đấy là chưa nói đến mặt bằng xuất sắc ở thí sinh các nước này, họ không thiếu ca sỹ được đào tạo bài bản, có tố chất tốt, nhưng chưa gặp may mắn với sân khấu chính thức. 

Thế nhưng tại The Voice phiên bản Việt, đêm nào vòng Giấu mặt cũng có ít nhất 2 thí sinh khiến cả 4 giám khảo cùng nhấn nút quay lại, điều này được hiểu như một sự sắp xếp diễn xuất ngầm đến từ ban tổ chức, để chứng minh đây là cuộc thi “khủng”, thí sinh chất lượng đến mức các giám khảo cũng không “cầm nổi lòng”. 

Nghi vấn

Đương nhiên việc quay lại đồng nghĩa với những lời khen, ngoại trừ Hồ Ngọc Hà nhận xét một cách tương đối thẳng thắn, đa số các huấn luyện viên đều “khen lấy khen để” nhằm đưa thí sinh về đội mình bất chấp “chiêu trò, thủ đoạn”. 

Sự sắp xếp này tạo một mặt bằng khiến khán giả nhìn vào và nghĩ, The Voice phiên bản Việt toàn người hát hay, toàn xuất chúng, trong khi trên thực tế, yếu tố lạ mới làm người ta choáng ngợp. Vấn đề vẫn luôn nằm ở việc “thống nhất ngầm” giữa các huấn luyện viên để cuộc thi trở nên hấp dẫn “ảo”.

Luôn lấy quyền lực ra thu hút thí sinh

Mặt khác, các huấn luyện viên cũng tìm đủ mọi cách lôi kéo thí sinh về với đội mình theo cùng một bài bản nhàm chán và sáo rỗng, bản thân người nghe cũng sẽ thấy vô lí và kịch. 

Huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng liên tục đưa ra lời hứa hẹn về một tương lai sáng lạn, được đi cùng tour diễn hoặc cùng anh sát cánh trong các dự án cá nhân, được làm “gà” của công ty Tiếng Hát Việt của anh, hay như sẽ được Mr. Đàm dùng quyền lực để bảo vệ. Chưa biết quyền lực của Mr. Đàm thuộc dạng “khủng” ra sao, nhưng chắc chắn, anh không đủ sức đưa cả 14 cái tên đến với sân khấu âm nhạc trong tương lai. 

Nghi vấn

Người nghe cũng ngầm hiểu ngay rằng, những lời nói của Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ có mục đích lôi kéo nhất thời, chứ chẳng còn nhiều giá trị nếu thí sinh đó bị loại. Ngược lại với Đàm Vĩnh Hưng, Trần Lập, người vốn được coi là tượng đài rock đời đầu của Việt Nam, luôn tìm cách lấy vẻ nam tính của anh để “nói ít” và đưa ra những nhận xét nhạt nhẽo hết lần này đến lần khác. Câu cửa miệng của Trần Lập luôn là “anh không có gì để nhận xét về phần trình diễn của em” hoặc “tôi cần có em trong đội Trần Lập”

Nghi vấn

Không khó để nhận ra ảnh hưởng của 3 huấn luyện viên còn lại lên Trần Lập, họ đều là ca sỹ thành danh tại Hồ Chí Minh, đi cùng dòng nhạc giải trí, Pop, RnB, là bạn thân với nhau trong nghề và đều có quyền lực tại khu vực âm nhạc miền Nam. Những điều đối lập này khiến cho Trần Lập một mình một kiểu trong The Voice Việt, đa số thí sinh Trần Lập chọn bị một màu và ít đa dạng, cộng thêm việc ê kíp Trần Lập có ca sỹ Siu Black, vì vậy, không có nhiều hy vọng vào sự hấp dẫn của đội Trần Lập trong vòng Đối đầu sắp tới. 

Nghi vấn

Việc Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà thân thiết với nhau là không phải bàn, họ vừa là bạn thân, vừa là bạn diễn trên sân khấu, thế nhưng một số màn tung hứng quá đà sẽ khiến khán giả cảm thấy gượng gạo và nguyên nhân, chắc chắn là cách diễn quá đà của các huấn luyện viên. Những tiết mục như tranh cãi quá gay gắt, rồi lại quay ra “nâng váy” cho nhau giữa Mr. Đàm và Thu Minh, hay như tình huống đấu khẩu giữa người có con rồi và chưa có con của Thu Minh và Hồ Ngọc Hà. Rõ ràng nếu ai đã thấy mối quan hệ của họ trong nghề thì biết ngay, họ đang diễn nội trong thời gian phát sóng chương trình. 

Nghi vấn

Trước The Voice Việt, The Voice Hàn cũng rất thành công, là chương trình đạt tỉ suất cao trên Mnet, nhưng các huấn luyện viên rất từ tốn, họ không tranh cãi, không to tiếng, không gay gắt và cũng không có cao trào kiểu “giả tạo”. Giám khảo của họ cũng không tuyệt đối khen thí sinh mà sẵn sàng chê và đưa ra quan điểm lựa chọn rõ ràng, thí sinh đã không ít lần “bẽ bàng” vì những lời thẳng thắng của các huấn luyện viên như Baek Ji Young hay Shin Seung Hoon. 

Lời kết

The Voice Việt đang thiếu điều đó, nếu sự diễn xuất tạo thành mặt bằng khiến thí sinh lầm tưởng về khả năng của họ và lực đẩy của chương trình, đối tượng chịu đau đớn đầu tiên sẽ chính là họ. Các huấn luyện viên dù sao cũng vẫn là ca sĩ, họ có sự nghiệp riêng và được mời vào chương trình với yếu tố chính là thu hút khán giả. Vì vậy, người ta vẫn luôn đặt ra câu hỏi về sự thành công của các thí sinh sau chương trình này.
Chia sẻ