Nghỉ Tết hãy cho con trải nghiệm ý nghĩa hơn là vùi đầu vào “núi” bài tập
Học cả năm rồi, Tết cô còn cho hàng chục bài tập về nhà. Điều này đang gây tranh cãi về chuyện có nên giao bài tập cho học sinh hay cho con dành thời gian trải nghiệm những điều thú vị ngoài cuộc sống.
Mấy ngày trước, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiên phong trong việc ra công văn khẳng định sẽ xử lý nếu giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Nhiều người đồng tình với phương án này của Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu vì cho rằng nghỉ Tết học sinh có vô vàn những hoạt động ý nghĩa hơn là bắt các em mệt nhoài với cả “núi” bài tập.
Theo cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thì đa số giáo viên giao cho học sinh nhiều bài tập xuất phát từ suy nghĩ là các con về quê, nghỉ lâu quá sẽ quên kiến thức dẫn đến thua kém với học sinh lớp khác, các cô phải rất vất vả để dạy lại các con sau Tết.
“Giáo viên phải có cái nhìn vào bản chất vấn đề. Đa số các con đều rất thích thú với việc được nghỉ Tết, được về quê và đi chơi. Thế nhưng giáo viên thì lại giao cả chục phiếu bài tập. Tất nhiên, giáo viên giao thì phụ huynh phải có trách nhiệm đôn đốc các con học hành, làm bài tập đầy đủ.
Vậy nhưng điều đó không có nghĩa là các con tự giác học tập, không ít học sinh làm bài tập cô giao kiểu đối phó, mượn của bạn này, chép của bạn kia. Như vậy thì mục đích thực sự là ôn tập và củng cố kiến thức đâu có đạt được”, cô Loan nêu vấn đề.
Theo cô Loan, phương pháp dạy học mới hiện nay là lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục định hướng chứ không cầm tay chỉ việc.
Tất nhiên, giao bài tập cũng chỉ là một trong những hoạt động kiểm tra đánh giá nhằm mục tiêu khuyến khích học trò học tập, quan trọng là làm sao các con tự giác học. Vì vậy, bản chất thì có giao bài tập hay không không quan trọng, quan trọng là giao bài tập như thế nào mới hiệu quả.
“Tết học sinh có rất nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa hơn là ngồi góc nhà xử lý đống bài tập. Tôi lấy ví dụ giáo viên có thể giao cho học sinh một hoạt động mở qua một chủ đề hay khám phá một chủ đề.
Học sinh sẽ tìm hiểu chủ đề và trải nghiệm nó sau đó hết dịp nghỉ Tết các con có nhiệm vụ báo cáo hay viết bài thu hoạch… Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều cha mẹ chọn cùng các con chơi trò chơi dân gian trong nhà, giải thích vì sao có tục lì xì ngày Tết, gói bánh chưng gồm những công đoạn nào…
Theo tôi, chủ đề làm sao đón Tết an toàn trong bối cảnh dịch bệnh cũng là chủ đề khá hay, giáo viên có thể cho các con tìm hiểu, thực hiện và có bài thu hoạch. Điều này vừa bổ ích lại không tạp áp lực lên các con cũng như phụ huynh về việc làm bài tập ngày Tết”, cô Loan nói.
Với những học sinh THPT thì giáo viên có thể cho các em tìm hiểu việc giúp trẻ có tâm lý bình tĩnh, lạc quan để chống lại dịch bệnh, bởi tâm lý không căng thẳng lo âu sẽ giúp sức đề kháng không bị suy giảm. Việc chủ động phòng tránh dịch cần đặt lên mức cao nhất, song không được sợ hãi, khủng hoảng. Thầy cô cũng có thể cho các em tìm hiểu việc đón Tết khi có dịch bệnh sẽ như nào, cho các em nêu cảm nhận, suy nghĩ của mình…
“Đó là những trải nghiệm tôi nghĩ rất có ích với việc tạo thêm cho các con nguồn kiến thức sống, trải nghiệm với một cái Tết vô cùng đặc biệt khi mọi người đều ý thức và chủ động phòng chống dịch bệnh”, cô Loan nói.