Nghi phạm ra tay sát hại 4 người thân ở Hà Nội có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường: Vụ án sẽ ra sao?
Công an cho biết Vũ Văn Vương có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường. Vậy tiếp theo vụ án sẽ được xử lý thế nào?
Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nghi phạm trong vụ án bốn người trong một gia đình tử vong bất thường trong nhà tại thôn Trung, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Danh tính của nghi phạm là Vũ Văn Vương. Đối tượng bị bắt khi ở Bà Rịa - Vũng Tàu và đang được di lý về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Đấu tranh khai thác “nóng” ngay sau khi bắt được đối tượng, Vũ Văn Vương khai nhận sơ bộ đã ra tay sát hại 4 người thân gồm:
Bà Đ.T.N (SN: 1946; nơi cư trú: thôn Kim Long Trung, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên - mẹ của Vương).
Chị ĐTT( SN 1975) - vợ của Vương cùng con trai của Vương SN 2008 và con gái của Vương SN 2006.
Đáng chú ý, công an cho biết Vũ Văn Vương có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường, xét nghiệm âm tính với ma túy.
Với tình trạng của nghi phạm như vậy, tiếp theo vụ án sẽ diễn biến ra sao?
Đánh giá về vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết trên Vietnamnet về quy trình xác định tình trạng tâm thần của đối tượng phạm tội. Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, nếu có căn cứ cho rằng đối tượng có vấn đề về tâm thần, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành yêu cầu giám định tâm thần để làm rõ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của họ.
Cơ quan điều tra cần làm rõ liệu trong thời điểm gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội, đối tượng có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi hay không. Đồng thời, cần phải kiểm tra sau khi gây án, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ ra sao.
Trong trường hợp giám định tâm thần cho thấy người phạm tội, tại thời điểm gây ra án mạng, vẫn giữ được khả năng nhận thức nhưng chỉ bị hạn chế, họ vẫn sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Chỉ khi người đó hoàn toàn mất khả năng nhận thức do bệnh tâm thần, thì mới được miễn trách nhiệm hình sự.
“Nếu vì vấn đề bệnh lý, bị trầm cảm, không nhận thức được hành vi của mình mà sát hại tất cả những người thân trong gia đình thì đây là một bi kịch hết sức đau lòng. Khi đó, có thể vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, nhưng nó sẽ là bài học cho rất nhiều người trong việc quản lý người mắc bệnh tâm thần và người gặp vấn đề về tâm lý”, lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường nói với báo trên.
Nếu nhận thức được hành vi của mình mà vẫn sát hại tất cả những người thân trong gia đình thì hành vi của nghi phạm đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, đ, n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Với việc giết 02 người trở lên, Giết mẹ đẻ và có tính chất côn đồ thì nghi phạm sẽ phải đối diện với hình phạt cao nhất Tử hình về tội Giết người, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định.
Luật sư Thơm cho biết thêm rằng: "Hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của công dân, là khách thể cao nhất được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sống của người khác đều bị xử lý nghiêm minh. Chỉ vì lý do gia đình quá nghèo khó mà nghi phạm đã ích kỷ, đang tâm ra tay sát hại những người ruột thịt trong đó có mẹ đẻ là rất dã man, tàn ác".