Nghỉ ngơi vẫn mệt - Dấu hiệu của bệnh gì?

,
Chia sẻ

Đó là dấu hiệu báo động của tình trạng bệnh lý đặc biệt không dễ phát hiện ngay và cũng tốn không ít thời gian điều trị: hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Mệt mỏi thường được viện dẫn như hệ quả của tình trạng cơ thể làm việc quá sức hay do áp lực công việc. Song trong nhiều trường hợp, mệt mỏi xuất hiện ngay cả khi cơ thể nghỉ ngơi

Đó là dấu hiệu báo động của tình trạng bệnh lý đặc biệt không dễ phát hiện ngay và cũng tốn không ít thời gian điều trị: hội chứng mệt mỏi mãn tính.
 
Dấu hiệu nhận biết bệnh cần phải điều trị:

- Bệnh nhân có ít nhất 4/8 triệu chứng “chuẩn” sau, kéo dài liên tục sáu tháng trở lên: Không tập trung tư tưởng và hay quên, đau họng, nổi hạch ở cổ hoặc nách, đau nhức các bắp thịt, đau nhức khớp nhưng không bị sưng, đỏ, nóng, hay nhức đầu dữ dội nhưng không khu trú ở một điểm nhất định, ngủ được nhưng vẫn mệt, mọi cố gắng đều làm cơ thể mệt mỏi suốt ngày.


- Sự mệt mỏi này trầm trọng, không phải do làm việc nặng gây nên, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng không hết.

- Triệu chứng ban đầu thường là nóng sốt, đau họng, ho, sổ mũi, nhức đầu, tiêu chảy, đau tai...

- Những triệu chứng “chuẩn” kéo dài dai dẳng ngay cả khi triệu chứng ban đầu đã hết.

Không thể chẩn đoán bằng xét nghiệm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chương - chủ nhiệm bộ môn nội thần kinh, Bệnh viện 103, Hà Nội - thời gian gần đây bệnh viện gia tăng tiếp nhận bệnh nhân trong trạng thái rất mệt mỏi, cơ thể luôn có cảm giác đau ốm, nhưng đi khám nhiều chuyên khoa vẫn không tìm ra bệnh. Đến khoa thần kinh, sau những thăm khám tỉ mỉ, những bệnh nhân này đều được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên.

Chị Lê Thị H. (42 tuổi, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên cả năm nay, người rệu rã dần như bị lấy hết sinh lực dù công việc văn phòng của chị rất nhẹ nhàng. Sức khỏe suy sụp, chị xin nghỉ không lương ở nhà hàng tháng tĩnh dưỡng hoàn toàn mà cảm giác mệt mỏi, trì trệ vẫn không cải thiện. Đau họng, chị đi chữa viêm họng; đau nhức xương, chị điều trị bằng thuốc chữa đau nhức đắt tiền nhưng bệnh tình đâu lại vào đấy.

PGS.TS Nguyễn Văn Chương cho hay chị H. sau một năm đã tìm ra bệnh được coi là “phát hiện sớm”. Triệu chứng kèm theo quá đa dạng của bệnh khiến cả bác sĩ cũng bị “đánh lạc hướng”. Không ít bệnh nhân mắc hội chứng này lại thấy nổi hạch liên tiếp.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân khi đi khám đều mang hội chứng mệt mỏi mãn tính. Có người trạng thái mệt mỏi chỉ là nhất thời, là hệ quả của một bệnh lý khác. PGS Chương cho rằng chỉ khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý thực thể mới khẳng định được bệnh nhân mang hội chứng này.

Các bệnh lý thường được chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm. Song với hội chứng mệt mỏi mãn tính, bác sĩ chẩn đoán chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đối với các dấu hiệu lâm sàng.


Gặp nhiều ở nữ

Theo dõi bệnh nhân từng điều trị, PGS.TS Nguyễn Văn Chương tổng kết: “Bệnh hay gặp ở tuổi lao động sung sức nhất (25-40 tuổi), khi những áp lực cuộc sống hiện hữu rõ ràng hơn. Bệnh gặp nhiều ở nữ hơn nam với tỉ lệ khoảng 2:1 do hoạt động nội tiết ở nữ giới giai đoạn này rất mạnh mẽ”.

Các dấu hiệu của hội chứng mệt mỏi mãn tính phát triển thành bệnh lý là khi cảm giác mệt mỏi xuất hiện mà cơ thể không thể cưỡng lại, khiến người bệnh gặp khó khăn ngay cả trong những công việc đơn giản nhất như thức dậy, thay quần áo, ăn uống... Sự mệt mỏi bệnh lý không thể cải thiện tốt hơn dù bệnh nhân có ý thức hạn chế vận động, tránh căng thẳng.

PGS.TS Nguyễn Văn Chương cho rằng với hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh nhân không thể điều trị tại nhà mà phải đến cơ sở thần kinh điều trị bằng thuốc. Phác đồ điều trị được đưa ra thường từ ba tuần đến một tháng. Song chỉ vận dụng sự săn sóc và điều trị triệu chứng với sự giúp đỡ trực tiếp của bác sĩ, hội chứng mệt mỏi kinh niên cũng không loại trừ được triệt để.

Lời khuyên được các bác sĩ đưa ra là bệnh nhân cần tham gia tập luyện các môn thể thao vừa sức kết hợp với việc điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý. Việc bổ sung đa dạng các nhóm vitamin và một số axit béo như omega-3, omega-6 sẽ trợ lực rất nhiều cho bài thuốc bệnh nhân nhận được từ tư vấn của bác sĩ.


Để phòng bệnh

Việc phòng ngừa vẫn tốt hơn là để đến có bệnh phải điều trị. Bằng một số phương cách sau, mọi người có thể tự phòng ngừa bệnh lý này:

* Tự chăm sóc bản thân. Bạn nên học cách kiểm soát các triệu chứng suy nhược nhằm cải thiện chức năng các cơ quan cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Các chuyên gia về dinh dưỡng, các nhà tham vấn tâm lý sẽ đánh giá và hướng dẫn bạn một cách cụ thể làm thế nào để bạn thường thấy cuộc sống thoải mái hơn.

* Quản lý stress. Chương trình quản lý stress là một phương án cực kỳ quan trọng cho chính cuộc sống của bạn. Nếu chưa có một chương trình quản lý stress của cá nhân, cần tham khảo nhà tâm lý, thầy thuốc của bạn hoặc tham gia các chương trình đào tạo quản lý stress hiệu quả.

* Ngủ đủ giấc là hết sức cần thiết, hãy tập thói quen vào giường ngủ đúng giờ mỗi ngày, nên ngủ sớm...

* Rèn luyện thân thể thường xuyên bằng cách tập thể dục hoặc rèn luyện các phương pháp cổ truyền như dưỡng sinh, thiền, yoga.


* Điều tiết công việc và cuộc sống. Không nên chỉ quá tập trung cho công việc mà quên hết mọi thứ xung quanh. Việc không biết điều tiết giữa nghỉ ngơi và làm việc khiến bạn kiệt sức và suy nhược nhanh chóng.

* Duy trì một lối sống lành mạnh. Chế độ ăn cân bằng, hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá, thư giãn và luyện tập hằng ngày...
 
Lê Minh Công
(Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)
Theo Tuổi Trẻ
Chia sẻ