Nghỉ lễ 2/9 năm ngoái tiêu cả tháng lương cho du lịch, mua sắm: Năm nay mình chọn tiết kiệm... vì hết tiền

Nguyệt - Design: Khánh Tâm,
Chia sẻ

Đi chơi, mua sắm trong kỳ nghỉ dài ngày là điều ai cũng muốn. Song có những bạn trẻ đã chọn tiết kiệm trong dịp này để dành tiền lương cho các dự định khác.

Nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày, đủ để những người xa quê về thăm gia đình, cùng hội bạn đi du lịch hay đơn giản là la cà cà phê, mua sắm và ngắm phố phường. Đây là dịp nhiều bạn trẻ chọn để nghỉ ngơi, xả stress nên việc chi tiêu thoáng tay so với ngày thường cũng không phải điều xa lạ.

Ở diễn biến ngược lại, có không ít bạn trẻ lại chọn cách sống tiết kiệm hơn trong vài ngày nghỉ lễ. Có nhiều nguyên do dẫn đến câu chuyện này nhưng phổ biến nhất là vì... tài chính còn eo hẹp.

Từng chi tiêu thoáng tay trong kỳ nghỉ 2/9

Phương Thảo (TP. Hà Nội) nhớ lại vào kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái, cô đã dành khoảng thời gian này để làm những điều bản thân ấp ủ từ lâu. Đó là chi 3 triệu để nhuộm tóc và 5 triệu cho chuyến du lịch ngắn ngày.

Cô bạn chia sẻ: "Mình quan niệm thời gian đi làm bận rộn nên đôi khi chỉ cần tận hưởng chút thanh thơi, nhàn nhã cũng là một niềm vui xa xỉ rồi. Do đó, nếu có điều kiện thì mình vẫn muốn tiêu xài thoải mái để đầu tư vào bản thân. Nếu trong kỳ nghỉ lỡ tiêu nhiều thì những ngày khác mình sẽ cố gắng sống tiết kiệm để bù vào sau".

Nghỉ lễ 2/9 năm ngoái tiêu cả tháng lương cho du lịch, mua sắm: Năm nay mình chọn tiết kiệm... vì hết tiền- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, Thảo Vân (TP. Hà Nội) thích dành thời gian cho gia đình, bản thân hoặc nhà cửa vào các dịp nghỉ lễ, thay vì đến những địa điểm đông đúc. Cũng vì thế, trong dịp nghỉ 2/9, cô thường chọn ở nhà nhưng không đồng nghĩa Thảo Vân sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn trong dịp này.

"Đợt nghỉ lễ 2/9 mọi năm mình thường tiêu 2-3 triệu để tự thưởng cho bản thân. Đó có thể là mua sắm ở trung tâm thương mại, đi xem phim, ăn uống ngoài quán cùng bạn bè hoặc mua sắm trên sàn thương mại điện tử.  

Mình là người theo đuổi chủ nghĩa 'cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên", nhưng mình vẫn giới hạn số tiền dành cho những dịp nghỉ lễ, đó là chỉ tiêu 10-15% thu nhập hàng tháng. Nếu tiêu hết số tiền này thì mình sẽ dừng, không mua sắm và không đi đâu chơi thêm để tiết kiệm", cô nàng nói.

Còn đối với Phúc Cường (TP.HCM), anh đã dành 6 triệu cho kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái để đi du lịch. Anh chàng cho biết: "Mình đi làm được 3 năm, thu nhập ổn định hơn. Cả năm đi làm chỉ có vài ngày nghỉ lễ nên mình thường thu xếp đi du lịch, bên cạnh về quê gặp gia đình.

Ngoài ra, nếu gặp bạn bè thì cũng cần đi ăn uống. Bạn bè chẳng mấy khi gặp nhau nên việc tiêu tiền cho khoản này của mình cũng chịu tốn kém hơn. Đối với mình, đó là việc chi tiền cần thiết chứ không phải điều gì sai".

Nghỉ lễ 2/9 năm ngoái tiêu cả tháng lương cho du lịch, mua sắm: Năm nay mình chọn tiết kiệm... vì hết tiền- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhưng năm nay mình chọn tiết kiệm

Dẫu có chi tiêu thoáng tay trong các kỳ nghỉ lễ 2/9 năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung của năm nay, các bạn trẻ đã chọn sống tiết kiệm hơn. Thay vì đi du lịch thì họ chọn ở nhà. Đồng thời, họ giảm bớt số tiền chi cho ăn uống, mua sắm để tiết kiệm, dành thu nhập cho những dự định lớn hơn sau kỳ nghỉ.

Phương Thảo chia sẻ: "Thay vì đi du lịch cùng bạn bè như năm ngoái thì mình chọn về nhà thôi. Cả năm đi làm nên mình muốn dành thời gian ở bên ông bà, bố mẹ. Thế nên 4 ngày nghỉ trôi qua mà mình không đi du lịch và mua sắm thì vẫn thấykhông chán.

Thời gian gần đây, tiền lương của mình giảm đi khá nhiều. Do đó, mình muốn tiết kiệm tiền, vì dù sao sau kỳ nghỉ thì mình vẫn cần tiền để tiếp tục cuộc sống".

Đồng ý với quan điểm này, Phúc Cường cũng bày tỏ: "Dịp nghỉ lễ 2/9 không chi nhiều tiền đâu có nghĩa là mình không thấy vui vẻ. Thực ra, nếu mình tiêu nhiều tiền trong thời gian ngắn thì sẽ khiến bản thân rất mệt mỏi, tụt năng lượng lắm. Nên mình hướng đến sự cân bằng, chi tiền cho bản thân nhưng vẫn trong mức tài chính, không hoang phí nhưng cũng không quá tiết kiệm.

Năm nay, mình không đi du lịch xa nhà, nhưng sẽ hẹn gặp bạn 1-2 buổi. Chi phí chắc bằng 1/6 của năm ngoái, hợp với mức sống hiện tại của bản thân".

Nghỉ lễ 2/9 năm ngoái tiêu cả tháng lương cho du lịch, mua sắm: Năm nay mình chọn tiết kiệm... vì hết tiền- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Giống như Phúc Cường và Phương Thảo, hiện nay nhiều bạn trẻ chú trọng đến sống tiết kiệm cũng như duy trì cân bằng trong quản lý tài chính. Khi đó, nhu cầu tự thưởng cho bản thân, hay tâm lý "làm việc vất vả rồi phải tiêu tiền thôi” cũng sẽ bớt đi. Phần lớn đều mong muốn có thể chi tiêu ở mức vừa đủ, phù hợp với ngân sách bản thân đặt ra. Như vậy, sau kỳ nghỉ lễ, họ vừa có quãng thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa mà không mang áp lực phải "cày" lại tiền từ đầu.

Tâm lý xả hơi, muốn tiêu tiền thoải mái trong ngày lễ là quan điểm chung của nhiều bạn trẻ. Một phần của chúng xuất phát từ nhu cầu xã hội để không bị bỏ lại khi chứng kiến người xung quanh chi tiêu. Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ dài ngày, nhiều người muốn chi tiền tự thưởng cho bản thân sau chuỗi ngày làm việc và học tập áp lực, căng thẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều này có thể sẽ rất nguy hiểm với tài chính cá nhân, kế hoạch tiết kiệm về lâu dài nếu bạn luôn mang quan điểm tiêu hết sạch tiền trong ngày lễ.

Chuyên gia tài chính Chris Berger chia sẻ: "Bạn phải hiểu những ngày nghỉ lễ có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân. Nếu nó có khả năng làm tan vỡ tài chính của bạn, có lẽ đã đến lúc thay đổi cách tiêu tiền và đơn giản là không chạy theo đám đông".

Để không tiêu quá tay trong kỳ nghỉ, bạn hãy bắt đầu lập ngân sách và đặt ra giới hạn chi tiêu của mình. Kỳ nghỉ lễ sẽ rất vui nếu bạn được nghỉ ngơi, gặp gỡ và có những chuyến đi chơi, tụ tập cùng bạn bè, người thân. Nhưng chúng sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn bước qua kỳ nghỉ mà không gặp tình trạng rỗng túi hay gánh trên vai áp lực nợ nần.


Chia sẻ