Nghẹt thở với ca bệnh hơn 30 lần sốc tim

Nguyễn Thạnh,
Chia sẻ

Người phụ nữ mắc cơn bão điện học trong lúc được chỉ định can thiệp nội mạch để tái thông mạch máu tim bị tắc nghẽn thì bất ngờ bị rung thất, nguy cơ tử vong ngay trước mặt các bác sĩ.

Chiều 19-9, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM cho hay vừa cứu sống ca bệnh đặc biệt bị "cơn bão điện học" phải sốc điện đến hơn 30 lần.

Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị S (59 tuổi, ở quận Bình Tân), được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trưa 18-9 trong tình trạng nguy kịch, đau ngực dữ dội.

Bà đang điều trị đái tháo đường tuýp 2, có biểu hiện đau tức ngực 2 ngày trước đó nhưng không đến bệnh viện sớm.

Nghẹt thở với ca bệnh hơn 30 lần sốc tim - Ảnh 1.

Mạch máu vành bệnh nhân bị tắc nghẽn hoàn toàn

Tại Bệnh viện Thống Nhất, trong vòng 5 phút thăm khám, đo điện tim, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ở vị trí thành dưới, thất phải và thành sau thất trái khiến huyết áp của bệnh nhân tụt, mạch chậm dần.

Người bệnh nhanh chóng được chỉ định can thiệp nội mạch để tái thông vị trí mạch máu bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, khi chuyển đến phòng DSA, bệnh nhân bất ngờ bị rung thất, có nguy cơ tử vong ngay lập tức. Các bác sĩ đã nỗ lực sốc điện, hồi sinh tim phổi nhiều lần. Tuy nhiên, tình trạng rung thất vẫn lặp đi lặp lại.

PGS-BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết nếu chờ cho bệnh nhân ổn định mới can thiệp thì không còn cơ hội. Với quyết tâm cứu người, ê-kíp liên chuyên khoa quyết định vừa sốc điện chuyển nhịp để xử lý khẩn cấp tình trạng rung thất, đồng thời vừa can thiệp đặt stent.

Sau hơn 5 phút nghẹt thở chạy đua với tử thần với hơn 30 lần sốc điện, ê-kíp đã can thiệp thành công mạch vành, đặt 1 stent tái thông vị trí mạch máu bị tắc tạm thời giúp người bệnh qua được nguy kịch.

Nghẹt thở với ca bệnh hơn 30 lần sốc tim - Ảnh 2.

Các bác sĩ cứu bà S. thoát được lưỡi hái tử thần trong gang tấc

Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục bị nhịp nhanh thất, rung thất. Các bác sĩ đã tiếp tục sốc điện, đồng thời sử dụng thuốc, bổ sung điện giải giúp phục hồi dần và hiện đã hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được.

"Đây là tình trạng "cơn bão điện học" trong nhồi máu cơ tim cấp - biến chứng không thường gặp (khoảng 5-10% trong nhóm bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp), xảy ra sau nhồi máu cơ tim cấp nhưng rất nặng nếu không chẩn đoán, xử trí kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong ngay" - BS Tân nhấn mạnh.

Chia sẻ