Nghệ thuật... cãi chồng

,
Chia sẻ

Trong cuộc sống vợ chồng, tranh cãi nhau là điều không tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để tranh cãi có văn hóa, có kỹ thuật an toàn, không đến mức phải giải quyết bằng vũ lực hay để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Làm lành và tha thứ - nét văn hóa trong tranh cãi

Theo một công trình nghiên cứu của một nhà xã hội học người Pháp thì kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình không phải là sự khó khăn về kinh tế hay sự thiếu chung thủy vợ chồng mà lại là do những cuộc cãi vã thường xuyên.

Theo dõi quan hệ của nhiều cặp vợ chồng trong một thời gian dài, người ta nhận thấy có những giai đoạn vợ chồng hay cãi nhau và có những giai đoạn ít cãi nhau hơn. Hai giai đoạn thường xảy ra cãi nhau nhiều nhất là: 2-3 năm đầu khi mới kết hôn (khi về sống với nhau họ nhận ra mình không hợp nhau như vẫn tưởng. Những thói quen, sở thích, cá tính,  quan niệm khác nhau mà họ mang vào cuộc sống chung đã làm nảy sinh mâu thuẫn); và 10 năm sau khi kết hôn là thời kỳ xảy ra xung đột lần thứ hai (Bởi vì theo lẽ tự nhiên, con người liên tục thay đổi và sau 10 năm, những ham mê, sở thích, cách nhìn cuộc đời của bạn cũng thay đổi).

Số liệu thống kê cho thấy, những cặp vợ chồng có cãi nhau vặt mỗi tuần vài lần chiếm tới 3/4 số gia đình ở thành phố. Những cuộc cãi nhau dẫn đến đánh nhau cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Nghiên cứu cho thấy, hầu hết những bà vợ bị chồng dùng bạo lực thường bắt đầu bằng một cuộc đấu khẩu gay gắt.

Các chuyên gia cho rằng tranh cãi vợ chồng không cần đi tới thắng thua, không nên dồn đối phương vào chân tường. Thử nghĩ, cái giá của chiến thắng sẽ là gì? Lẽ nào lại là bầu không khí gia đình lạnh tanh kéo dài vài ngày, thậm chí hàng tuần, hàng tháng? Thật có lý khi cho rằng trong tranh cãi vợ chồng "thắng" đồng nghĩa với "bại".

Quy tắc tranh cãi

Các nhà nghiên cứu về đời sống gia đình trên thế giới đã đề xuất những quy tắc cho vợ chồng trong tranh cãi như sau:

Thứ nhất: khoanh vùng phạm vi tranh cãi hẹp đến mức tối thiểu. Nghĩa là nếu cãi nhau vì cái gì thì chỉ về cái đó, không để "ngọn lửa chiến tranh lan rộng" ra các vấn đề khác. Càng không nên moi móc quá khứ của nhau để tìm ra những sai lầm, kém cỏi từ ngày xửa ngày xưa rồi tổng kết lại.

Thứ hai: không dùng những lời lẽ xúc phạm nhau. Để thuyết phục người khác tin rằng họ sai, mình đúng, phải dùng lý lẽ sao cho dễ hiểu, dễ thông cảm bằng một thái độ hòa nhã chứ không phải bằng những lời lẽ cay độc, miệt thị nhau. Nhiều khi người ta quên mất đã bắt đầu cãi về cái gì mà chuyển sang cãi nhau về cái cách mà họ tranh cãi. Đặc biệt phải tránh tức giận, bởi vì một khi đã quá giận thì mất khôn.

Thứ ba: là cần phải tỉnh táo nhận ra cái sai của mình. Nếu chúng ta cãi nhau với một kẻ không có khả năng nhận ra sai đúng thì có khác gì nói với đầu gối.

Những lưu ý đối với người vợ khi tranh cãi:

- Không được cãi nhau về những vấn đề liên quan đến chuyện chăn gối. Đó là điều sỉ nhục và khiến đàn ông đau khổ vô cùng.

- Không nên so sánh chồng với người yêu cũ.

- Không nên lôi những người trong gia đình anh ấy vào cuộc cãi nhau theo kiểu: Anh giống hệt người này, người kia trong nhà... Kiểu nói này sẽ làm anh ấy nhức nhối vô cùng vì bạn đã xúc phạm đến người thân của anh ấy. Bạn cần biết rằng, mẹ chỉ có một, vợ thì có thể lấy được người khác.

- Không nên làm ầm ĩ cho mọi người biết vì như thế sẽ làm mất hết sĩ diện của chồng.

Đối với đức lang quân:

Cục diện “cuộc chiến” diễn biến theo hướng nào phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của người đàn ông. Cơn giận dữ của vợ sẽ xẹp lép nếu đức lang quân biết cách điều khiển “trận chiến”.

- Không để cảm xúc leo thang: Nếu bạn cũng để cảm xúc của mình leo thang theo cơn tam bành của vợ, thì đảm bảo cuộc chiến sẽ rất gay gắt. Thay vào đó chính bạn cần bình tĩnh, nói với nàng bằng thái độ nghiêm túc "Em nghĩ sao nếu anh chỉ nghe em vài phút, còn em sẽ nói cho anh tất cả những suy nghĩ của mình?". Hãy để vợ nói ra hết những bức xúc trong người, sau đó bạn sẽ nói ra những ý kiến của mình.

- Không giữ im lặng một cách bất ngờ: Trong lúc tranh cãi, bạn càng im lặng, cô ấy càng “điên máu”, bởi nàng nghĩ bạn đang có ý bỏ mặc nàng và tách ra khỏi cuộc hôn nhân. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, đừng rút lui trong im lặng. Hãy nói "không phải anh muốn chuyện mình chấm dứt, chỉ là không thích tranh cãi với em thôi". Hãy cho nàng thấy bạn coi trọng quan hệ này nhưng ghét phải to tiếng.

Hải Minh (TH)

 

 

 

 

 

Chia sẻ