Nghe Táo Bà nói về giông bão trong gia đình

Đặng Tuyền,
Chia sẻ

Giữ gia đình hạnh phúc trong vòng mấy nghìn năm; công việc của gia đình họ là ghi chép những biến cố của mọi gia đình. Họ, gia đình Táo Quân có rất nhiều điều để tổng kết cuối năm.

Năm 2011 là một năm đầy biến động trong vấn đề hôn nhân và gia đình với hàng loạt các vụ bạo lực gia đình gây bức xúc trong dư luận. Táo Bà có thể nói gì về việc này?
 
Tôi vừa mừng, vừa đau lòng khi dưa luận biết về những việc này. Đây không phải là việc mới diễn ra trong một năm hoặc mới đây. Tôi đã chứng kiến cảnh đó trong nhiều gia đình từ khi tôi mới lên nhậm chức, nghĩa là mấy ngàn năm nay cơ.
 
Bản thân tôi, trước những vụ bạo hành, bao giờ tôi cũng đợi sự quyết định tha thứ của chị em phụ nữ mới quyết định có ghi tội các ông chồng hay không. Nếu chị em phụ nữ mà có thể bình thường hóa mối quan hệ với chồng, tôi cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Hôn nhân rất mong manh, chỉ cần cố chấp một chút là đổ vỡ. Khi đổ vỡ, viễn cảnh trước mắt rất tồi tệ.
 


 Bà có biết là bà đang tạo điều kiện cho những vị vũ phu có cơ hội hành hạ vợ và bà đang cổ vũ một bộ phận phụ nữ sống cam chịu thiệt thòi không? Bà chắc cũng biết: phụ nữ ở các nước đang phát triển rất được tôn trọng, đàn ông không thể động đến thân thể họ một cách vô lý?
 
Tôi cũng là một phụ nữ, cũng đã từng chịu những ảnh hưởng của bạo lực, cũng từng cắn răng chịu đựng vì chồng, vì gia đình. Nhưng rồi không chịu được, tôi đã phải giải thoát cho mình. Cuối cùng, chồng tôi cũng hiểu ra mọi việc và thương yêu tôi. Tôi hiểu cảnh chị em phụ nữ chọn cho mình giải pháp chịu đựng vì gia đình, hi sinh vì con cái.
 
Ở vị trí như tôi, cô sẽ hiểu cái khó trong việc ghi hay không ghi tội của những người đàn ông. Nếu những việc không phải thường xuyên, vẫn có thể hàn gắn được thì tôi không thể ghi tội vì tôi đứng trên quyền lợi của phụ nữ. Còn những chuyện mà quá đáng quá như vụ việc chị Lý ở Vĩnh Phúc bị chồng đánh thê thảm, hay một số vụ việc khác thì tôi bắt buộc phải tâu lên Ngọc Hoàng khẩn cấp, không đợi đến cuối năm tâu trình.
 
Trong việc ghi chép công, tội của vợ chồng, con cái trong một năm tôi cũng phải cân nhắc giữa công, giữa tội. Nếu công nhiều hơn tội có nghĩa là trong gia đình vẫn có sự xây dựng. Làm công việc như tôi còn khó hơn cả một quan tòa đấy cô ạ!
 
 
Phụ nữ là những người dễ bị bắt nạt. Hơn nữa, có câu: chờ được vạ thì má đã sưng. Thân thể con người chứ có phải khúc gỗ đâu mà thích là đánh, đấm, chửi, rủa, hành hạ. Đánh được một lần sẽ đánh được lần thứ hai, bà nghĩ sao?
 
Tôi đã nói rồi, cân nhắc những việc trong gia đình rất khó. Có bao nhiêu gia đình là có bấy nhiêu hoàn cảnh. Gia đình nào cũng gặp khó khăn, sóng gió. Gia đình nào cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Tôi làm việc này hàng ngàn năm, chưa thấy một gia đình nào hoàn hảo từ đầu đến cuối.
 
Không phải tôi vô cảm với những bà vợ bị đánh, mắng. Không phải tôi làm việc không công tâm và dung túng cho những người đàn ông đánh vợ. Nhưng mọi thứ phải có thời gian thử thách. Nhận thức của con người bao giờ cũng có những sự lệch lạc nhất định. Không ai có thể im lặng giấu tội cho những người đàn ông vũ phu thành bản chất. Sự lệch lạc trong nhận thức có thể có cơ hội sửa thì ta nên tạo điều kiện để cuộc hôn nhân bắt đầu một giai đoạn mới tốt hơn.
 
Không phải cô cứ giải thoát cho một người phụ nữ là chị ta sẽ sung sướng hơn đâu. Từ bỏ hôn nhân là giải pháp cuối cùng mà người phụ nữ lựa chọn. Bây giờ, không ai ép duyên ai. Yêu nhau, lấy nhau là tự nguyện của các cặp đôi. Có trục trặc, chúng ta phải chịu trách nhiệm và gánh trách nhiệm trước. Không phải cứ thấy khó là bỏ chạy. Khi ta đã cố rồi mà không có kết quả, chúng ta sẽ phán xét ai đúng ai sai trong từng hoàn cảnh gia đình.
 
Bà là người phụ nữ có hai chồng và sống hòa thuận với cả hai người chồng. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người phụ nữ khác không?
 
Kinh nghiệm của tôi mãi là sự trải nghiệm. Chúng tôi sống cùng nhau, làm việc cùng nhau. Đó là điều kiện để mọi người nghĩ đến những xích mích vì ích kỷ, ghen tuông. Nhưng chúng tôi hiểu và tôn trọng hoàn cảnh của cả ba người cũng như của mỗi cá nhân.
 
Không phải tự nhiên chúng tôi có được điều đó ngay từ đầu. Lúc đầu, tôi cũng rất lo sợ về hoàn cảnh của mình. Nhưng cả ba chúng tôi đều ý thức hoàn cảnh của mình. Những lo lắng, những khó chịu thường nhật chúng tôi không để tích tụ thành giông bão trong gia đình.
 
Nói thì dễ, nhưng chúng tôi đã phải trải qua cả một cuộc bể dâu như cô biết rồi đó mới được như ngày hôm nay. Mấy nghìn năm thử thách, giờ mới có được một gia đình hòa thuận như thế đấy.
 


 Không phải ai cũng may mắn tìm được hai ông chồng như hai ông Táo Ông. Người thắng cuộc là người có thể nói về lịch sử và mọi người tin theo. Những người đang trong quá trình trải nghiệm, họ cũng không mong sống mấy nghìn năm nhưng bà có thể nói gì với họ trước khi lên gặp Ngọc Hoàng?
 
Tôi muốn nói với các cặp vợ chồng: cuộc sống hôn nhân không phải là một viễn cảnh. Nó có nhiều khó chịu khi chúng ta đang nắm bắt nó. Nhưng mọi thứ còn khó chịu hơn nếu chúng ta mất nó. Người ta hành hạ nhau chỉ vì ích kỷ: tôi bị như thế này là do cô (do anh). Cô (anh) phải chịu những sự hành hạ chưa thấm gì so với nỗi khổ của tôi. Đó là cái lý để người ta mất lý trí trong hôn nhân.
 
Tôi đã bỏ qua rất nhiều lỗi lầm trong một năm của nhiều cặp vợ chồng vì cuối năm thấy họ đoàn kết và có vẻ sẽ cải thiện tình hình hôn nhân. Bản thân tôi, với trách nhiệm của tôi, tôi luôn mong các gia đình vượt qua được những sóng gió để giữ hạnh phúc!

 

Chia sẻ