Nghề lau nước mắt - công việc nhẹ, thu nhập cao cho các chàng trai đẹp Nhật Bản
Những chàng trai đẹp này được gọi bằng cái tên ikemeso danshi và nhiệm vụ chính của họ là tới các công ty để lau nước mắt cho các nhân viên.
Nếu bạn từng băn khoăn chưa biết làm gì để có một công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao với vẻ ngoài đẹp trai vốn có của mình, hãy đến Nhật Bản với nghề lau nước mắt. Việc của bạn chỉ đơn giản là lau nước mắt cho người đối diện và khóc cùng họ mà cũng có thể kiếm được khoản tiền khủng.
Nghe có vẻ hơi kì quặc nhưng đây chính xác chỉ là một trong số rất nhiều công việc thú vị mà bạn có thể tìm được ở Nhật Bản như người đẩy tàu, người nằm cạnh người khác. Tuy nhiên, lợi thế trong công việc này sẽ nghiêng về các chàng trai đẹp.
Những chàng trai làm nghề lau nước mắt cho mọi người.
Người lau nước mắt: họ làm gì?
Trong một phòng họp công ty tại thành phố Tokyo, có khoảng 10 người đang ngồi quanh chiếc bàn tròn, hướng về một màn hình. Đa phần họ đều là phụ nữ. Trên bục, người đàn ông đang mở máy chiếu một vài bộ phim.
Khi âm nhạc nổi lên, những nhân viên công ty như bị cuốn đi theo những bộ phim cảm động. Chỉ sau chừng vài phút, có những tiếc khóc vang lên trong căn phòng. 15 phút sau khi các bộ phim được chiếu, một nửa số nhân viên trong phòng không rời mắt khỏi màn hình và nước mắt không ngừng rơi trên gương mặt họ.
Người đàn ông trên bục bắt đầu đi vòng quanh phòng, với một chiếc khăn tay mềm mại, khẽ khàng lau nước mắt trên gương mặt những người xem. Sau đó, anh gập chiếc khăn lại nhẹ nhàng rồi lau tiếp cho người khác.
"Khi bắt đầu công việc này, có những lúc tôi cảm thấy rất ngại", người đàn ông với chiếc khăn tay, Ryusei chia sẻ. Anh ta có vẻ ngoài ưa nhìn và cơ thể đẹp.
"Tôi đã không tập luyện để khóc nên người xem cũng không khóc theo. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã tốt hơn. Tôi có thể khóc và mọi người cũng cảm động theo".
Ryusei là một người làm nghề lau nước mắt khi ở tuổi gần 40.
Và anh chàng Ryusei đó chính là một ikemeso danshi - "chàng trai đẹp lau nước mắt". Anh ta thực hiện những buổi như này chỉ với một mục đích là khiến mọi người khóc. Mỗi giờ làm công việc đó, họ thường được trả khoảng 1,4 triệu VNĐ.
Tại sao lại có công việc thú vị này?
"Người Nhật không quen khóc trước mặt người khác. Nhưng một khi họ khóc, mọi thứ sẽ thay đổi, đặc biệt là trong môi trường công ty".
Ý tưởng này giúp mọi người thể hiện những phần cảm xúc dễ bị tổn thương trong chính con người họ. Khi mọi người thấy điều đó, họ sẽ sát lại gần nhau hơn và có thể cùng nhau làm việc ăn ý hơn trong nhóm.
Phần lớn các công ty Ryusei đến làm đều chiếu các bộ phim liên quan tới động vật hoặc mối quan hệ cha và con gái. Đối tượng chính sẽ là phụ nữ. Dù tất cả nhân viên đều được mời nhưng những người tham dự chỉ là các nữ đồng nghiệp. Người đàn ông duy nhất chính là quản lý phụ trách chương trình.
Các công ty có thể chọn trong số rất nhiều các chàng trai làm nghề lau nước mắt. Đa phần họ đều có công việc tay phải, bên cạnh nghề thú vị này. Có người là nha sĩ, vận động viên thể dục dụng cụ, giám đốc một trung tâm ma chay và thậm chí là người đánh giày!
Ryusei được coi là một người đã khá già so với công việc này khi anh đã gần 40 tuổi. Đa phần những người làm nghề này chỉ ngoài 20, thậm chí còn trẻ hơn.
Tại Tokyo, nhiều công ty cũng thực hiện các dự án tương tự. Ngoài ra còn có các dịch vụ như ôm, cho thuê bạn đi chơi trong ngày cũng rất thịnh hành.
Ý tưởng về các buổi như thế này xuất phát từ Hiroki Terai, một doanh nhân người Nhật với mong muốn người Nhật có thể bày tỏ cảm xúc của mình nhiều hơn.
"Tôi luôn quan tâm đến những góc khuất trong mỗi con người, nơi cảm xúc của họ bị kèm nén quá mức", Hiroki chia sẻ.
Khi Hiroki mới 16 tuổi, do không có bạn bè gì tại trường học, anh phải ăn một mình trong toilet. Đó là thời gian khó khăn với Hiroki. "Đó là lúc tôi cảm thấy mình phải đi tìm những cảm xúc thật của mỗi người. Ở ngoài, họ cười nói vui vẻ nhưng bên trong, bạn không biết họ cảm thấy thế nào".
Dự án đầu tiên của anh thực hiện tại một buổi lễ ly hôn. Không khí trong buổi lễ thực sự rất căng thẳng. Các cặp đôi cho biết khi họ khóc, cảm giác như mọi thứ được giải tỏa và không còn vướng bận gì. Hiroki sau đó đã quyết định thành lập công ty của mình vào năm 2013 và bắt đầu với buổi workshop như vậy cho tất cả mọi người tại Tokyo.
"Mọi người sẽ đến và khóc cùng nhau. Sau khi khóc xong, họ nói rằng cảm thấy khá hơn rất nhiều. Vấn đề duy nhất gặp phải là nếu các chàng trai khóc, người ta sẽ cho rằng anh ta quá yếu đuối, ủy mị".
Giải pháp của Hiroki là để các buổi gặp gỡ như vậy được dẫn dắt bởi những người đàn ông. Anh muốn mang hình ảnh một người đàn ông khóc trở nên phổ biến hơn khi họ chính là người vừa lau nước mắt, vừa khóc cùng những người khác.
Cũng chia sẻ về việc tại sao phải là những chàng trai đẹp, Hiroki cho biết các chàng trai đẹp sẽ tạo nên nhiều cảm xúc hơn.
Nhiều người cũng tỏ ra khác ngạc nhiên trước phản ứng của mình sau khi xem phim. "Tôi nghĩ tôi sẽ không khóc", Terumi thú nhận. "Tuy nhiên tôi đã khóc rất nhiều".
"Người Nhật không giỏi trong việc thể hiện cảm xúc của mình", Terumi chia sẻ. "Họ làm việc ở công ty chỉ như những cỗ máy mà không có quá nhiều cảm xúc".
Và đó chính là động lực để Hiroki tạo lập nên công ty của mình. "Tôi muốn mọi người khóc, không phải chỉ ở nhà mà cả ở công ty". Nhiều người cho rằng nếu họ khóc ở công ty, đó sẽ là một hình ảnh không đẹp. Tuy nhiên, việc họ khóc sẽ khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa những người trong công ty.
Khi nhu cầu của các doanh nghiệp các lớn, công việc này sẽ càng thu hút được nhiều người và có thể, những chàng trai đẹp lau nước mắt sẽ trở thành một nghề được ưa chuộng trong tương lai.