Nghề "độc" đất vải Lục Ngạn: Biến nước thành "vàng", thu hàng tỷ đồng
Vào những ngày chính vụ thu hoạch vải Lục Ngạn (Bắc Giang), đá dường như là một mặt hàng khan hiếm. Các xưởng đá sản xuất bao nhiêu dường như cũng không đủ. Người dân làm vải nói vui, vàng tại đây có thể mua được chứ đá lạnh nhiều khi kiếm cũng chẳng ra.
Xưởng đá ông Triệu là một trong những xưởng đá lớn nhất vùng vải Lục Ngạn.
Những ngày này, hệ thống làm đá cây của ông Triệu vận hành 24/24 với tổng cộng gần 50 nhân công để đảm bảo sản lượng đá. "Hết mẻ này lại tới mẻ khác, làm liên tục mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Làm đá phải đủ thời gian thì đá mới già, chất lượng mới đạt tiêu chuẩn", ông Triệu chia sẻ.
Hệ thống làm đá lớn, để sản xuất được số lượng đá nhiều và chất lượng tốt, xưởng ông phải đầu tư đến gần 10 tỷ đồng.
Dàn làm mát, hạ nhiệt nước hoạt động tối đa.
Cận cảnh những khay đá khổng lồ, được biết sau khi ra lò mỗi cây đá nặng gần 50kg. Hiện nay, giá đá lạnh ở mức 30.000 đồng/cây nhưng dự kiến trong vài ngày tới, giá sẽ tiếp tục tăng, đỉnh điểm có thể đạt 50.000 - 55.000 đồng/cây.
Nước sạch đã qua xử lý được đưa vào trong khay đá.
Mỗi mùa làm đá cao điểm kéo dài bằng với mùa vải thiều thì doanh thu của những cơ sở quy mô lớn có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Sản xuất nhiều là thế, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho bà con nông dân, cứ vừa thành đá là lại có xe vào lấy hàng.
Do đá lạnh trơn trượt, công nhân phải dùng móc nhọn mới di chuyển đá được.
Lý do Lục Ngạn trở thành nơi tiêu thụ đá lạnh lớn như vậy bởi mỗi năm địa phương thu trung bình khoảng 80 nghìn tấn vải, cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước. Tại đây đá lạnh là phương tiện bảo quản duy nhất
Đá cây sau khi đến trạm đóng gói vải thiều ngay lập tức được chặt thành từng khúc.
Sau đó tiếp tục được chặt thành từng miếng nhỏ hơn để phục vụ cho việc ướp vải.
Đá nhỏ được đưa vào bể ngâm vải. Quả vải bình thường sẽ bị thâm đen chỉ một ngày sau khi được hái, nhưng có thể giữ tươi ngon tới vài ngày nếu được ướp lạnh cẩn thận. Đây cũng là lý do Lục Ngạn trở thành nơi tiêu thụ đá lạnh lớn như vậy bởi mỗi năm địa phương thu hoạch trung bình khoảng 80 nghìn tấn vải, cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài nước.