Nghề đang “bùng nổ” cơ hội việc làm, lương 20 triệu VNĐ/tháng trong tầm tay, có vị trí còn cao gấp 7 lần
Đây là một trong những ngành nghề danh giá, được đánh giá cao mà bất cứ sinh viên nào cũng khao khát.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, Luật Kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Đây là ngành học thừa hưởng nền tảng từ Luật học kết hợp với kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Với sự phát triển của làn sóng Start-up, nhu cầu cấp thiết về đội ngũ pháp chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng trở nên nổi bật. Các doanh nghiệp này cần nguồn nhân lực pháp chế am hiểu pháp luật để đảm bảo hoạt động xin giấy phép, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư của công ty hoạt động hiệu quả.
Mới đây, trong talkshow diễn ra tại Sự kiện ngày hội việc làm do Trường Đại học Thăng Long tổ chức (ngày 15/5/2023), tầm quan trọng của ngành Luật Kinh tế được khẳng định một lần nữa. Trong xu thế phát triển hiện nay, đây được xem là một trụ cột vững chắc trong "kiềng 3 chân" mà mỗi doanh nghiệp đều cần có.
Nhu cầu cấp thiết về đội ngũ pháp chế cho các doanh nghiệp ngày càng trở nên nổi bật.
"Bùng nổ" về cơ hội nghề nghiệp ngành Luật Kinh tế
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến năm 2020, tính riêng các chức danh tư pháp, Việt Nam cần tới hơn 20.000 nhân sự, trong đó cần thêm 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên.
Trên thế giới, luật sư là một trong 10 nghề có thu nhập cao nhất dù không được Nhà nước trả lương. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát giai đoạn 2020 - 2025 từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực cho thấy, lao động có mức lương bình quân trên 15 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ cao ở nghề luật.
Trên thực tế, mỗi năm nước ta đào tạo ra khoảng 4.000 đến 5.000 cử nhân ngành luật, là số liệu đào tạo ngành Luật nói chung vẫn còn những thiếu hụt về nguồn nhân lực. Các công ty, doanh nghiệp lớn, cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp đều cần những người có hiểu biết về pháp luật. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu ứng tuyển phải có khả năng Tiếng Anh tốt và kiến thức chuyên ngành cao.
Mức thu nhập của các công việc trong ngành Luật tuỳ thuộc vào kinh nghiệm, khả năng làm việc của bạn sẽ nhận được mức lương hấp dẫn. Do đó, sinh viên theo học ngành này có cơ hội rất cao, quan trọng là các bạn cần phải biết chọn đúng môi trường để phát triển ước mơ của mình.
Doanh nghiệp nào cũng cần nguồn nhân lực pháp chế am hiểu pháp luật để đảm bảo hoạt động xin giấy phép, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư của công ty hoạt động hiệu quả…
Học Luật Kinh tế ra trường làm gì?
Hiện nay, kinh tế nước ta đang trên đà phát triển với khởi sắc của các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Hơn lúc nào hết hành lang pháp lý và các vấn đề về chính sách kinh tế cần được bảo mật. Theo đó ngành Luật Kinh tế trở thành một ngành không thể thiếu trong xã hội hiện đại.
Chính vì vậy, cơ hội việc làm của ngành Luật Kinh tế rất đa dạng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, như là:
Chuyên viên tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội;
Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề trong các tổ chức dịch vụ pháp luật;
Chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các cơ quan nhà nước các cấp;
Nghiên cứu, giảng dạy về pháp Luật Kinh tế trong các Viện nghiên cứu, Cơ sở giáo dục,…
Thu nhập ngành Luật Kinh tế
Theo khảo sát của VietnamSalary, nhìn chung vị trí việc làm ở lĩnh vực này có thu nhập tương đối cao.
Dữ liệu mức lương được tổng hợp từ 31 mẫu việc làm đăng tuyển tại CareerBuilder.vn cho thấy, vị trí chuyên viên pháp lý có thu nhập trung bình là 18,5 triệu VNĐ/tháng với mức thấp nhất là 7 triệu/tháng và cao nhất là 46 triệu/ tháng.
Mức lương trung bình của người có từ 1-4 năm kinh nghiệm là 14,5 triệu VNĐ. Còn với các chuyên viên có từ 5-9 năm kinh nghiệm, lương trung bình là 23 triệu VNĐ.
Ở vị trí giám đốc pháp lý, lương trung bình 61 triệu/tháng với mức thấp nhất là 30 triệu/tháng và cao nhất là 150 triệu/tháng.
Học Luật Kinh tế ở đâu?
Để có một hành trang vững chắc, đòi hỏi bạn phải lựa chọn chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế uy tín. Có thể kể đến một số trường Đại học nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh trong thời gian gần đây như:
Đại học Luật Hà Nội;
Đại học Thương mại;
Đại học Kinh tế Quốc dân;
Học viện Ngân hàng;
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội;
Đại học Luật TP.HCM;
Đại học Kinh tế Luật – ĐHQG TP.HCM;
Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH);
Đại học Luật – Đại học Huế…
Khi chọn học ngành Luật Kinh tế tại các trường đại học, sinh viên sẽ được đào tạo các kỹ năng chuyên sâu vào pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật kinh doanh,…
Bên cạnh đó các bạn sẽ được trang bị các kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng, văn bản pháp lý,… để đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng đa dạng của các doanh nghiệp.
(Tổng hợp)