Nghe chị em trải lòng điều chỉ sau khi kết hôn họ mới biết
Vì thực tế sẽ không ai có thể "cảnh báo" tường tận giúp chị em biết hết những điều này. Do đó chỉ sau khi kết hôn, có được sự trải nghiệm họ mới thực sự biết đến.
"Tôi đã bắt đầu cuộc hôn nhân của mình khá suôn sẻ như 'quy trình' phổ biến của hầu hết các cặp đôi: cả hai yêu nhau, được gia đình hai bên đồng ý, tổ chức đám cưới.
Cứ ngỡ điều kiện vật chất và tinh thần đủ đầy như thế thì không có gì sốc sau khi kết hôn. Nhưng tôi đã lầm. Sau một thời gian chung sống, tôi nhận ra người phụ nữ luôn phải làm nhiều việc hơn gấp nhiều lần so với chồng (kể cả chồng tôi là người rất chăm chỉ). Đây là 'quy luật' chung của các cuộc hôn nhân.
Rồi tôi nghĩ lấy được người chồng tâm lý như thế, lại được sống riêng thì tôi sẽ được tùy ý làm những gì mình thích. Song điều này cũng không đúng sự thật.
Là phụ nữ, bạn sẽ chẳng thể thoải mái bỏ nhà đi chơi xa khi không yên tâm về chồng con mình. Chẳng hạn như việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi đối nội đối ngoại... Chỉ đơn giản là đi một ngày thì bạn vẫn phải lo lắng không yên.
Bùi Thảo Linh - 28 tuổi, chuyên viên quan hệ công chúng: "Phụ nữ buộc phải thay đổi để phù hợp với chồng"
"Ban đầu tôi có cảm giác hôn nhân sẽ là cuộc lột xác ngoạn mục để cả hai có thể thay đổi vì người mà chúng ta yêu thương. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ thật 'mông muội' của tôi trước khi kết hôn" - Thảo Linh cho biết.
Mẹ bạn cũng không thể dạy bạn phải thay đổi thế nào, ứng xử ra sao bởi đó không phải là người sống cùng chồng bạn, hơn nữa mỗi hoàn cảnh lại có sự khác nhau. Lúc này bạn cần nhẫn nhịn một chút, lúc khác bạn lại cần ra oai một chút.
Trước khi kết hôn, người phụ nữ nào cũng có những nhìn nhận rất khác về hôn nhân (Ảnh minh họa).
Minh Lan - 35 tuổi, biên dịch viên: "Lấy chồng là lấy cả nhà chồng"
Đàn ông thì khác, mối quan hệ và trách nhiệm với nhà vợ của họ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Còn phụ nữ, kể cả sống cùng hay không sống cùng bố mẹ chồng thì trách nhiệm với nhà chồng vẫn cực kỳ nặng nề.
Sau khi kết hôn, bạn sẽ luôn phải suy nghĩ xem việc bạn làm, cách bạn ứng xử có được lòng anh em, bố mẹ chồng... hay không".
Phạm Tuyết - 31 tuổi, quản lý nhân sự: "Bị kiểm soát cả đời"
"Sau khi kết hôn, tôi nghĩ sẽ gỡ bỏ được sự kiểm soát gắt gao từ mẹ mình. Tôi sẽ không phải gọi điện thoại về thông báo tôi đang ở đâu và giờ nào sẽ về nhà, sẽ không bị đánh thức vào mỗi sáng chủ nhật khi đang say sưa ngủ nướng...
Nhưng không ngờ sự kiểm soát đó chỉ thay đổi chủ nhân mà thôi. Nó chuyển từ mẹ đẻ sang chồng tôi. Anh ấy chính là người gọi điện hỏi han tôi xem đã về chưa, đi đâu, đi với ai...
Nói chung là cả cuộc đời tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi sự kiểm soát. Và khổ hơn là mức độ kiểm soát của chồng còn gắt gao hơn cả mẹ đẻ. Và chắc chắn sau này, tôi sẽ tâm sự và trải lòng mình cho con gái biết tất cả những điều này khi con đã khôn lớn".
Xuân Cúc - 34 tuổi, nhân viên kinh doanh phần mềm: "Hôn nhân là nơi rèn luyện kĩ năng ăn nói"
"Không ai nói với tôi rằng hôn nhân sẽ là điều kiện tuyệt vời để tôi luôn có một người trò chuyện vào bất cứ thời gian nào. Nếu bạn đến với chồng từ tình yêu thì việc giao tiếp sau khi kết hôn vẫn hoàn toàn khác. Sự đối thoại giữa hai vợ chồng tốt sẽ trở thành nền tảng cho một cuộc hôn nhân bền vững. Và đây cũng là điều mà các cặp đôi nên ưu tiên hàng đầu.
Có một số điều bạn không còn phải giữ kẽ, ngại ngùng nữa mà có thể thoải mái chia sẻ với người ấy. Tuy vậy, cũng có một vài điều cấm kị dành cho các bà vợ mà lỡ phạm phải thì sẽ dễ gặp rắc rối to. Trong đó có việc đáng lưu ý nhất là nói thật lòng mình về nhà chồng.
Những điều này sẽ chẳng ai nói với bạn trước khi kết hôn bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ người trong cuộc mới rút ra được điều nên nói và những gì cần im lặng".