Ngày vía Thần Tài: Ngoài vàng, người miền Tây còn mua gì để tài lộc kéo về, may mắn cả năm?
Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) là một dịp quan trọng đối với những người làm ăn, kinh doanh, đặc biệt là ở miền Tây Nam Bộ.
Theo đó, ngày vía Thần Tài được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vì vậy, theo lịch Vạn Niên, ngày vía Thần Tài năm 2025 sẽ rơi vào ngày 07/02/2025. Vào dịp này, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng bàn thờ và chuẩn bị mâm cúng tươm tất để tỏ lòng biết ơn những phước lành mà Thần Tài đã mang đến trong năm cũ, đồng thời cầu mong một năm mới sung túc, tài lộc dồi dào.
Ngoài việc mua vàng để cầu tài lộc, người dân nơi đây còn có nhiều phong tục thú vị khác nhằm mong một năm buôn bán thuận lợi, làm ăn phát đạt. Dưới đây là những món đồ phổ biến mà người miền Tây thường mua vào ngày này.
1. Cá lóc nướng: Rước lộc vào nhà
Một trong những món không thể thiếu trên mâm cúng Thần Tài của người miền Tây chính là cá lóc nướng trui. Cá lóc được để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vây vì theo quan niệm dân gian, giữ nguyên hình dáng sẽ giúp tài lộc không bị thất thoát. Cá lóc tượng trưng cho sự sung túc, may mắn, giúp gia chủ làm ăn suôn sẻ cả năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại 1 số điểm bán cá lóc nướng ở Cần Thơ, vào ngày vía Thần Tài, cá lóc là mặt hàng được rất nhiều người dân nơi đây vô cùng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm vào dịp này, các cửa hàng có thể bán được trung bình từ 300 đến 500 con. Thông thường, cá lóc được bày bán đã chế biến sẵn với đầy đủ rau cùng các loại gia vị.
2. Heo quay: Phát đạt, thịnh vượng
Ngoài cá lóc, heo quay cũng là món lễ vật phổ biến, đặc biệt là với những người làm kinh doanh lớn. Heo quay nguyên con mang ý nghĩa đủ đầy, phát tài phát lộc, công việc thuận buồm xuôi gió. Một số gia đình chọn mua miếng heo quay nhỏ để cúng nếu không có điều kiện mua nguyên con.
Ở các tỉnh miền Bắc, heo quay nguyên con là mặt hàng ít được tiêu thụ nhưng với miền Tây thì khác. Vào mỗi dịp vía Thần Tài, giá heo có thể tăng cao hơn hẳn so với những ngày thường nhưng chưa chắc đã có đủ hàng để bán.
3. Trái cây tài lộc: Cầu phúc, cầu lộc
Người miền Tây thường chọn ngũ quả để dâng lên Thần Tài, trong đó có các loại trái cây mang ý nghĩa may mắn như: Mãng cầu - cầu mong điều tốt lành; dừa - không lo thiếu thốn; đu đủ - đầy đủ, sung túc; xoài - tiền tài dồi dào; bưởi - phúc lộc tròn đầy...
Ngoài ra, chuối chín vàng cũng thường được người tiêu dùng miền Tây chọn để bày trên bàn thờ vì màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.
4. Bánh bao, bánh tiêu, bánh ít: Viên mãn, sung túc
Các loại bánh cúng rất hút khách vào ngày vía Thần Tài ở miền Tây. (Ảnh minh họa)
Ở miền Tây, các loại bánh có hình tròn thường được xem là biểu tượng của sự trọn vẹn. Do đó, vào ngày vía Thần Tài, nhiều người mua bánh bao, bánh tiêu, bánh ít để cúng. Màu vàng của bánh tiêu còn mang ý nghĩa phú quý, tài lộc. Bởi thế nên vào ngày vía Thần Tài, hầu khắp các cửa hàng bán bánh bao, bánh tiêu, bánh ít ở miền Tây năm nào cũng tấp nập khách mua bán.
Ngày vía Thần Tài không chỉ là dịp mua vàng mà còn là ngày để người dân miền Tây bày tỏ lòng thành với Thần Tài, cầu mong một năm mới sung túc, phát tài. Ngoài vàng hay cá lóc, heo quay, trái cây tài lộc, bánh trái, họ còn mua muối gạo, hoa cúc vạn thọ,... Mỗi món đều mang một ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với quan niệm văn hóa dân gian, để mong có một năm mới may mắn, tài lộc.