Ngày Tết: Cẩn trọng với rượu thuốc

,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia y tế, nếu rượu thuốc pha chế không đúng cách hoặc ngâm chưa đủ số lượng ngày quy định sẽ rất nguy hiểm.

Rượu tiết dễ nhiễm giun sán

Theo bác sĩ Trần Văn Thuấn (BV Xanh Pôn, Hà Nội), rượu ngâm động vật, côn trùng như bọ cạp, ong đất, bìm bịp, tắc kè, rắn, hươu bao tử... theo y học cổ truyền là một dạng thuốc bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, thuốc thường do người tiêu dùng tự làm, không qua kiểm chứng của ngành y tế sẽ khó đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nếu rượu ngâm không đúng cách, hoặc chưa đủ 100 ngày sẽ không loại bỏ được độc chất.

Riêng với rượu tiết bán ở các quán nhậu, nếu pha chế, bảo quản không đúng cách uống vào dễ bị tiêu chảy, nhiễm giun, sán, ký sinh trùng hoặc tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người uống... Những người thể hàn (sợ lạnh, ăn kém, huyết áp thấp, hay đầy bụng, chậm tiêu, đi lỏng) tuyệt đối không nên dùng.

TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa, Hà Nội) cảnh báo, do da động vật có bám nhiều loại ký sinh trùng, vi trùng, mầm bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng... nên uống rượu pha tiết rất dễ nhiễm bệnh. Với nguyên liệu ngâm rượu thuốc cũng nên cảnh giác vì có thể có nhiều nguyên liệu có độc tính cao. Tuyệt đối không nên uống rượu khi đói và tắm ngay sau khi uống rượu. Để đề phòng ngộ độc ngày Tết, TS. Thịnh khuyên mọi người không nên uống rượu ngâm động vật, rượu có màu, các chế phẩm từ rượu, bia mà không rõ xuất xứ. Nên uống những loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu chứng nhận về chất lượng.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế  cảnh báo một loại ngộ độc thường diễn ra hàng năm trong dịp Tết là ngộ độc cồn công nghiệp có tên khoa học là Methanol được pha trong rượu. Bản thân Methanol là chất có độc tính thấp, nhưng khi đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hoá thành acid formic có độc tính rất cao. Khi bị ngộ độc Methanol, người uống rượu rất dễ lầm tưởng là say rượu vì đặc tính của Methanol tác động chủ yếu lên dây thần kinh điều khiển thị giác, khiến cơ thể bị hoa mắt, chóng mặt. Theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nhiều ca ngộ độc rượu được Trung tâm này tiếp nhận trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua bị rối loạn ý thức, hôn mê sâu do ngộ độc Methanol nhưng người uống cứ tưởng là say rượu.

Theo BS Trần Văn Thuấn, nếu sau khi uống rượu mà thấy vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển được cơ thể, chân tay co giật, mê sảng... là đã bị ngộ độc, phải gây nôn và đưa tới bệnh viện ngay để kịp thời xử lý.

Có thể hôn mê nếu uống rượu lẫn nước ngọt có ga

Cũng theo BS Trần Văn Thuấn, người say không nên uống thêm nước ngọt có ga vì sẽ làm cồn nhanh bị hấp thụ, sinh ra lượng lớn anhydrit cacbonic rất nguy hại cho gan, dạ dày, thận, tim... có khi còn làm cho huyết áp tăng cao, dẫn tới hôn mê.

Trong trường hợp đã uống quá chén không làm chủ được bản thân, nên giải rượu bằng cách uống nhiều nước rồi gây nôn. Tiếp đó, nên uống nước chanh vắt, thái lát ăn cả quả hoặc dùng lá dong vắt lấy nước cốt uống. Các loại hoa quả như mía, nước cam vắt, quýt, lê, táo, vitamin C sủi... cũng giúp giải rượu, thải cồn nhanh. Chẳng hạn: Nước ép trái cây có đường sẽ giúp cơ thể nhanh tỉnh táo; chuối bổ sung kali giảm cảm giác buồn nôn; sinh tố chuối có chút mật ong sẽ bổ sung dinh dưỡng, tăng nhanh lượng đường fructose đã mất cho cơ thể... Sau đó, nên ăn bát súp nóng, hoặc cháo hoa, cháo đường, nước cơm, đậu phụ để giải độc và bổ sung năng lượng.

Người Hoa có cách hồi phục sức khỏe nhanh bằng cách đun nước sôi có pha chút mật ong rồi đập quả trứng sống cho sôi bồng lên rồi cho người vừa tỉnh rượu uống để chóng hồi phục sức khỏe. Để giảm tác hại của cồn, tránh bỏng niêm mạc dạ dày họ thường ăn 2 quả trứng nửa chín, nửa sống trước khi uống rượu.

Sau tỉnh rượu sẽ rất mệt, nhưng theo các chuyên gia y tế, nên đi bộ để thúc đẩy loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Sau đó, có thể ăn món mềm, loãng, hoặc ăn bánh mì nướng với mật ong, tô cháo đường để khắc phục tình trạng mất nước, đường trong máu thấp trước khi đi ngủ sẽ hồi phục sức khỏe. 

Trước khi uống rượu, bia nên ăn lót dạ, hoặc ăn chút thức ăn có dầu mỡ. Nên uống chậm, nếu thấy say, buồn nôn thì không nên cố kìm vì sẽ giữ các chất độc, gây tổn hại đến gan. Không nên sử dụng thuốc pamin, decolgen, aspirin... để đuổi cơn đau đầu, nặng đầu sau khi uống rượu bia vì như vậy sẽ khiến gan làm việc quá nhiều. Hành động này không những không khử được độc mà độc chất sẽ tích lũy, có thể gây hoại tử tế bào gan, lan rộng sẽ làm suy gan cấp... -BS Thuấn khuyến cáo.
 
Theo Giadinhnet

Cách phân biệt rượu ngoại rởm

Tem: Tem chống hàng giả chính hiệu là tem bở nên nếu bóc ra dễ bị rách còn tem giả chỉ là giấy bóng in bình thường, nên có thể bóc toàn bộ tem ra dễ dàng mà không bị rách.

Nắp: Nắp chai rượu sẽ có vết rạn trên đường viền do trước đó đã từng bị nạy ra. Còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật...

Mức rượu trong chai: Rượu giả sẽ không có mức rượu trong chai đều tăm tắp như nhau do đóng thủ công. Trong khi các hãng rượu nổi tiếng trên thế giới đều đóng chai tự động nên mức rượu bên trong các chai rất đều nhau.

Bọt khí: Rượu thật khi lật đít chai lên, bọt khí rất mịn và đều, các bọt khí di chuyển chậm, không theo phương thẳng đứng mà nó tỏa ra rồi mới lừng lững bay lên. Rượu giả có bọt khí to, có xu hướng bay lên theo chiều thẳng với tốc độ nhanh.

Kim Cúc

Chia sẻ