Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông

Nguyễn Phương Mai,
Chia sẻ

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - những người bị xã hội gia trưởng biển thủ mất một phần lớn ngân sách yêu thương cùng con cái.

Hôm nay tôi sẽ viết về Đức Bin.

Đức là cháu rể tôi, là chồng của Linh - con gái của chị tôi. Tại tôi được sinh ra muộn nên dì cháu xấp xỉ tuổi nhau. Khi Linh đẻ thằng Coca, Đức trở thành con chuột túi. Nó bế ẵm con khéo léo không thua một bà mẹ nào. Đêm con khóc nó vạch ti vợ ra cho con bú. Buổi sáng những ngày tôi ở Việt Nam, từ tầng 4 có thể nghe Coca đòi bố rửa chân tay, đánh răng. Đến bữa, nó đút cơm cho con ăn. Rảnh phút nào hai bố con ngồi bi bô với nhau mê say. Để con đi học gần nhà, Đức ở rể. Nó chẳng nề hà việc gì, tự nhiên và tình cảm như thể nó được đẻ ra trong gia đình tôi vậy.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 1.

Đứa con đầu lòng là niềm cảm hứng để hai vợ chồng nhà Đức Bin mở một tiệm kinh doanh làm hàng đồ chơi thủ công cho trẻ con. Hôm nọ đi chơi về khuya, vẫn thấy nó lọ mọ ngồi khâu đồ cho khách. Cuốn sách vải nó khâu có hình một cái dây phơi để các em bé có thể luyện tập kỹ năng cơ tay bằng trò phơi quần áo. Những món đồ chơi vợ thiết kế và nó thực hiện lớn dần lên theo độ tuổi của Coca. Nó yêu con nên yêu lây sang cả công việc vốn dĩ chỉ là làm thêm, để bây giờ nó không còn là kỹ thuật viên IT nữa mà bận rộn cả ngày với cửa hàng đồ chơi và nghề làm bố.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 2.

Không biết Đức Bin có biết rằng nó là một kẻ hạnh phúc không. Trên đời liệu có bao nhiêu người cha có cơ hội và dám cho mình một cơ hội để được yêu con như thế. Cảm giác khi con mình choàng tay qua cổ, thơm tho, đòi được ôm ấp, được nó trao gửi sự tin cậy thương mến, được nó coi như vũ trụ, như bà tiên, như anh hùng, như bạn bè, như tất cả thế giới nằm gọn trong vòng tay. Hạnh phúc của người làm cha mẹ không phải chỉ là nhìn thấy con khôn lớn, kiếm ra tiền cho nó học hành thành người, mà còn là việc chúng ta bước cùng con trên con đường kỳ diệu đó.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 3.

Tôi biết có rất nhiều người đàn ông ngoài kia, dù sâu thẳm trong vô thức rất muốn được có thêm thời gian ôm ấp con cái, chơi đùa và kết nối cùng máu mủ của mình. Nhưng có quá nhiều rào cản và định kiến khiến họ khó có một sự kết nối thân tình như các bà mẹ. Họ sẽ phải chọn giữa việc về nhà chơi với con và ngồi uống rượu cùng bạn nhậu để khỏi bị coi là nam vô tửu như cờ vô phong. 

Họ sẽ phải lựa chọn giữa việc làm thêm giờ và đi công tác xa thay vì cùng con tận hưởng một ngày nghỉ, vì xã hội phi lý cho rằng đàn ông phải là trụ cột tài chính. Họ sẽ phải lựa chọn giữa việc phải nghiêm khắc, thậm chí phải dùng bạo lực để dạy con thay vì một cuộc nói chuyện chân thành tình cảm, vì xã hội phi lý cho rằng đàn ông không được ủy mị và dạy con kiểu "đàn bà".

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 4.

Và cứ thế, những người đàn ông chúng ta ngày càng rời xa con, để con tuột khỏi tay, rồi xây lên những bức tường ngăn cách, chỉ còn lại một kết nối rỗng tên là "bố" và nguồn năng lượng chảy bên trong có tên là "tiền lương" chi trả cho cuộc sống gia đình.

Cách đây chừng 10 năm, khoa học cho rằng mẹ - con là mối quan hệ được tạo hóa phù trợ. Cơ thể người mẹ sản xuất ra một lượng lớn oxytocin (hóc môn tình yêu và kết nối) khi mang thai và sinh con. Bố không có giai đoạn này nên con ít yêu bố hơn là chuyện đương nhiên. Giờ chúng ta mới biết là sai. Hàng loạt những nghiên cứu mới chỉ ra rằng bất kỳ ai cũng có thể tiết ra hóc môn tình yêu nếu chúng ta dành thời gian chăm sóc và chơi đùa cùng trẻ con. 

Đó là lý do tại sao cậu bé rừng xanh Tarzan có thể làm một con đười ươi trỗi dậy tình yêu làm mẹ. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nhận con nuôi. Đó là lý do tại sao thậm chí những con vật thường bị coi là thức ăn như gà vịt lợn cũng biết yêu thương, trung thành, quấn quýt với người nếu ta coi chúng như trẻ nhỏ thay vì nhìn chúng như một miếng thịt.

Tôi rất ghét khi ai đó nói về "nữ quyền". Đó là một từ vựng không những sai mà còn phản cảm. Từ đúng là "bình đẳng cơ hội". Trong gia đình tôi, đó là khi cái Linh cháu gái tôi và Đức Bin chồng nó có những cơ hội ngang bằng nhau để hưởng thụ tình yêu của đứa con đầu lòng, để thấy niềm hạnh phúc nhất của người làm cha làm mẹ là được trở thành một phần da thịt, một phần tâm hồn, có vị trí trong một mẩu trái tim của cái hình hài bé bỏng thơm tho như thiên thần kia.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 5.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - Ảnh 6.

Ngày phụ nữ Việt Nam, tôi xin chìa bàn tay cảm thông sâu sắc cho đàn ông - những người bị xã hội gia trưởng biển thủ mất một phần lớn ngân sách yêu thương cùng con cái. Đàn ông à, hãy tranh thủ yêu thương con, bởi chúng lớn nhanh lắm. Bởi một người đàn ông tôi biết giờ này đang sốc lên sốc xuống vì con gái anh đã dậy thì và kiên quyết không cho anh vuốt tóc ôm vai như ngày còn bé.


Chia sẻ