Ngày kỳ lạ ở nước láng giềng Việt Nam: Đường phố đông nghịt người cầm súng nước, càng bị 'bắn' nhiều càng gặp may
Lễ hội té nước ở Thái Lan là một lễ hội độc đáo được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Đây là một sự kiện khách du lịch không nên bỏ lỡ.
Sự kiện đặc biệt
Lễ hội té nước Songkran là một lễ hội Phật giáo được tổ chức trong khoảng ngày 13-15/4, đánh dấu năm mới của Thái Lan.
Đây là thời gian để các gia đình quây quần bên nhau và thưởng thức những bữa ăn được chuẩn bị đặc biệt. Để sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ, người Thái Lan dọn dẹp nhà cửa và những nơi công cộng, bao gồm cả văn phòng và trường học. Công viên và vỉa hè cũng được dọn sạch. Mọi người thức dậy sớm và đến thăm các ngôi chùa để cầu nguyện và cúng dường các nhà sư thức ăn, y phục và đồ khác.
Tại nhà, các thành viên trẻ trong gia đình đổ nước hoa hồng và hoa nhài lên tay và chân của người lớn tuổi như một hành động thể hiện lòng biết ơn và sự tận tâm.
Gột rửa bằng nước là một truyền thống trong lễ hội Songkran của Thái Lan, được thực hiện để tỏ lòng biết ơn và gột rửa tội lỗi. Ảnh: Shutterstock
Songkran cũng là thời gian để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên.
Té nước tượng trưng cho việc gột rửa tội lỗi và xui xẻo. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt lễ hội. Ngày cuối cùng được gọi là Wan Payawan, hay ngày Tắm Phật.
Một người đàn ông đổ nước lên tượng tại chùa Wat Mahabut ở Bangkok. Người dân Thái Lan trút nước lên tượng Phật trong dịp lễ Songkran để gột rửa những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước. Ảnh: AFP
Những người đi chùa sẽ nhỏ nước xuống lưng các nhà sư để thể hiện sự tôn trọng, sau đó vị sư lớn tuổi sẽ chúc phúc cho những người tới tập trung. Mọi người cũng đổ nước lên các bức tượng để rửa sạch những điều xui xẻo tích tụ trong năm trước.
Vào ngày Đức Phật ra đời, người dân Thái sẽ diện những bộ đồ đẹp nhất trong tủ và dậy từ rất sớm để lên chùa tham gia nghi thức Lễ tắm Phật. Kết thúc Lễ tắm Phật, người dân sẽ đổ ra các đường phố để tham gia nghi thức mà ai cũng mong chờ nhất đó chính là Lễ té nước. Ai nấy đều chuẩn bị cho mình những dụng cụ như thau, xô, súng nước,... để té nước vào nhau. Ngoài dùng nước thì một số nơi họ còn dùng cả bột màu nữa, vì thế sẽ không hiếm thấy những hình ảnh té nước pha trộn sắc màu.
Những "trận chiến nước" mang lại nhiều niềm vui cho người dân địa phương. Bên cạnh việc mua một khẩu súng nước và din sor pong, một loại bột đặc biệt, những người tham gia nên cất những vật có giá trị trong túi khóa không thấm nước để giữ chúng khô ráo trong suốt "chiến sự". Tốt hơn hết, hãy để lại điện thoại, máy ảnh và đồ trang sức ở khách sạn.
Người dân Thái tham gia lễ hội té nước. Ảnh: AFP
Khi đi trên đường phố, người dân sẽ "tấn công" tất cả mọi người, dù có mang súng nước hay không. Chỉ có các nhà sư, trẻ sơ sinh và người già mới được miễn khỏi bị té nước - nếu bạn vô tình làm ướt ai đó mà họ không muốn, hãy xin lỗi và tìm các mục tiêu khác.
Một lính cứu hỏa dùng vòi phun nhắm vào hành khách trên xe buýt ở Bangkok. Ảnh: Tim Pile
Voi tham gia lễ hội Songkran, phun nước bằng vòi của chúng. Ảnh: EPA-EFE
Lễ hội té nước là một sự kiện toàn quốc, nhưng bầu không khí đặc biệt sôi động ở Bangkok, nơi chứng kiến kỉ lục Guinness Thế giới vào năm 2011, khi có cuộc chiến súng nước với 3.477 người bắn nước vào nhau trong 10 phút.
Du khách nước ngoài và người Thái tham gia cuộc chiến té nước để chào mừng Songkran trên đường Khaosan ở Bangkok. Ảnh: AFP
Người dân bắn nước từ các phương tiện giao thông. Ảnh: Tim Pile
Người dân vui đùa trong lễ hội té nước ở Thái Lan
Mặc dù mọi người bọc điện thoại trong túi khóa nhưng chúng vẫn có thể bị ướt. Để các thiết bị tránh bị hư hỏng do nước, nhiều người được khuyến nghị dùng các túi hút ẩm và nhanh chóng đến các cơ sở sửa chữa trước khi "quá muộn".
Songkran đánh dấu sự kết thúc của mùa khô và bắt đầu những cơn mưa gió mùa. Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, nông dân - chứ không phải những người tham gia cuộc chiến súng nước - đã được lệnh cắt giảm việc sử dụng nước và phải tuân theo lượng nước máy được cấp ở một số khu vực.