Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19

HỒNG NAM - HOÀNG THỌ/ VTC News,
Chia sẻ

Quãng đường từ nhà đến trường đón khai giảng năm học mới của anh em Ngô Quang Trưởng và Ngô Nam Phương ở TP.HCM hôm nay không còn ba đi cùng.

Sáng nay 5/9, ngày khai trường, trong căn nhà nhỏ ở con hẻm đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TP.HCM), hai anh em Ngô Quang Trưởng (lớp 8 và Ngô Nam Phương (lớp 3) dậy từ 5h30. Hai anh em ăn bánh mỳ với pate còn nóng mà mẹ chuẩn bị từ trước. Trưởng mở balo kiểm tra lại đồ dùng học tập, Phương gấp gọn gàng từng cuốn sách, vở còn thơm mùi giấy mới. Trên nhãn dán, ba chữ "Ngô Nam Phương" được viết nắn nót, thẳng hàng.

Trưởng mở bộ đồng phục được gấp gọn trong tủ áo, tỉ mẩn vuốt từng nếp vải đã được mẹ là thẳng tắp từ tối hôm trước. Phương diện bộ đồng phục xinh xắn, soi gương, chải tóc, rồi quay sang chỉnh cổ áo cho anh trai.

Chuẩn bị xong trang phục, hai anh em xuống gác thắp nén nhang cho ba Ngô Ngọc Dũng, ông qua đời một năm trước vì COVID-19. Phương nhìn ảnh ba trên bàn thờ, nước mắt chực trào ra. Trong ký ức của cô bé 9 tuổi, hình bóng về ba và những ngày cùng gia đình háo hức chuẩn bị cho ngày khai trường vẫn còn nguyên vẹn.

Với Trưởng và Phương, hơi ấm của ba Dũng vẫn ở đâu đây, bên những món đồ đầy ắp kỷ niệm mà chỉ cần chạm tay vào, chúng có thể đọc vanh vách ông đã mua tặng nhân dịp gì. Nhưng hôm nay, quãng đường đến trường của Trưởng và Phương dường như dài hơn khi không còn ba chung bước.

Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh 1.

Nam Phương khóc khi nhớ về ba. (Ảnh: Hồng Nam).

"Đêm nào con cũng mơ về ba"

Căn nhà nhỏ trong con hẻm của Quang Trưởng, Nam Phương cùng chị Nguyễn Ngọc Huyền - mẹ của hai bé - nằm nép bên khu chợ dọc đường Đoàn Văn Bơ. Ngôi nhà yên tĩnh, đối lập với không khí ồn ào, náo nhiệt cùng tiếng rao đặc trưng nơi ngõ chợ.

Cách đây một năm, dịch COVID-19 ập xuống nơi này. Ngày 13/8/2021, anh Dũng mắc bệnh. "Sức khỏe anh Dũng rất tốt, nên ban đầu cả nhà không quá lo. Anh tự điều trị tại nhà, chỉ thỉnh thoảng thấy khó thở", chị Huyền nhớ lại.

Anh Dũng nằm bên nhà nội cùng chị, còn hai bé ở nhà ngoại. Hai nhà cách nhau chỉ vài trăm mét mà như cả nghìn cây số. Họ chẳng thể gặp gỡ để trao nhau một cái ôm, những cử chỉ gần gũi thân thuộc bỗng trở thành thứ xa xỉ vì dịch bệnh.

Sáu ngày sau, anh Dũng qua đời. Chị Huyền giấu hai con nhưng cũng chẳng thể lẩn tránh mãi. Hai đứa trẻ liên tục hỏi ba đâu. Cả thế giới của Trưởng và Phương như sụp đổ khi biết tin ba mất. Là người kiệm lời và hiếm khi thể hiện cảm xúc, hôm đó, Trưởng khóc suốt đêm, hai mắt sưng húp.

"Em nhớ ba, nước mắt cứ chảy dài. Sau mỗi lần khóc, em thấy nhẹ lòng hơn, dù bên trong cứ thấy nhói", Quang Trưởng nói và ôm chặt quả bóng đang cầm trên tay vào lòng. Đó là món quà ba mua và nó trở thành kỷ niệm mà Trưởng không thể quên.

Biết con đam mê bóng đá, anh Dũng mua đầy đủ đồ dùng, từ áo thi đấu, giày đến trái banh. "Sân bóng" của Trưởng là góc trái trên căn gác lửng. Thế giới của cậu bé khi ấy là quả bóng cùng lời động viên của ba.

"Ba không thích bóng đá, nhưng luôn muốn xem em chơi bóng. Ba ủng hộ đam mê và mong em trở thành cầu thủ", Trưởng nói, đôi mắt sáng lên tự hào.

Nghe anh nói chuyện, Phương chạy lại gục vào lòng mẹ và rồi cứ thế nức nở. Mỗi lần ai nhắc đến ba, nước mắt lại tuôn rơi trên gò má cô bé mới 9 tuổi. Em còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi đau mất mát.

Cô bé nhớ những ngày được ba đưa đi ăn, ba cõng trên lưng rồi đưa đi dạo phố. Tuổi thơ của Phương là bờ vai vững chãi của ba, là ánh đèn ngõ chợ, là những ngày được điểm cao, ba đưa sang quận 1 để mua sắm. Phương thích món mỳ xào giòn, nhưng "món ấy chỉ ngon khi được ăn cùng ba".

Phương không dám trở lại quán ăn cũ hai ba con hay ngồi vì "sợ cứ đến nơi ấy là nước mắt lại chảy". Nhiều đêm, ba về trong giấc mơ của hai anh em, gần ngay trước mắt nhưng muốn ôm ba sao khó đến vậy.

"Ba vẫn cười hiền khô, xoa đầu em rồi dặn gắng chăm sóc tốt cho gia đình. Từng có thời gian đêm nào em cũng mơ thấy ba", Trưởng nói rồi quay sang ân cần lau nước mắt cho em gái.

Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh 2.

Quang Trưởng chuẩn bị đồng phục cho ngày khai trường. (Ảnh: Hồng Nam).

Khai giảng không có ba

Mọi năm, anh Dũng, chị Huyền luôn gọi con dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng rồi giục kiểm tra lại sách vở, đồ dùng học tập. Khi mẹ đang chuẩn bị bữa ăn, ba sẽ chỉnh cổ áo, rồi chỉ lại cho con trai cách gập cổ áo và sơ-vin. Anh Dũng nghiêm khắc với con trai và thương con gái hơn, nhưng luôn chi li và tỉ mẩn với cả hai.

Nhờ ba dạy bảo, cả Trưởng và Phương đều thuần thục việc nhà, dù đôi lúc Trưởng ham chơi, không chăm chỉ bằng em gái. Cổ áo có thể tự bẻ, cúc áo có thể tự cài, nhưng Trưởng và Phương vẫn khao khát được ba làm giúp.

Thời gian có thể làm dịu lại nỗi đau mất ba, nhưng ngày tựu trường, nghĩ đến cảnh bạn bè được ba mẹ chở đi học, còn mình chẳng còn được ngồi sau xe ba, nghe những lời khen ấm áp khi được điểm tốt, Trưởng và Phương lại thấy chạnh lòng.

Anh Dũng mất, chị Huyền đóng luôn vai trò của người ba. Hàng ngày, chị chở hai con đi học, rồi sang quận 8 làm việc. Làm công nhân ở doanh nghiệp hóa chất, chị đưa con đi học rồi đón con về ngày đủ bốn lượt.

Chị không muốn con ăn bán trú ở trường, một phần để tiết kiệm tiền, phần còn lại con được ăn bữa cơm gia đình, dẫu không có sơn hào hải vị, nhưng luôn đủ chất và thấm đẫm yêu thương.

Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh 3.

Chị Huyền làm tăng ca để có thêm tiền lo cho các con. (Ảnh: Hồng Nam).

Được gia đình nội ngoại hỗ trợ, chị Huyền vẫn đi làm tăng ca bởi "con chịu thiệt thòi tinh thần là đủ rồi, không muốn phải thêm thiệt thòi vật chất". Bờ vai mẹ không rộng như lưng ngày xưa của ba, nhưng đủ lớn để che chở cho hai anh em trên đường đời phía trước.

Thành quả của những ngày chăm con tận tâm của ba mẹ là sự trưởng thành của đám nhỏ. Trưởng mơ làm cầu thủ, song em hiểu rằng trước tiên vẫn phải học tốt. Trưởng hâm mộ CLB Chelsea (Anh) và cầu thủ N'Golo Kante. Em thích Kante bởi nghị lực và quyết tâm phi thường trong vóc dáng nhỏ bé. Trưởng muốn mình trở thành người như thế, khiêm tốn và cần mẫn để sau này thay mẹ chăm lo cho gia đình.

Nam Phương lại muốn trở thành công an. "Con hâm mộ các nữ công an. Con muốn thật giỏi để bảo vệ cho anh và mẹ", Phương nói. Ánh mắt em sáng rực, nổi bật trên gương mặt hồng hào.

Chị Huyền kể, Phương dễ khóc, cười nhưng không dễ quên. Phương nhớ từng thước phim tuổi thơ, ngày gia đình còn đầy đủ 4 người. Trong thước phim ấy, ba vẫn cười hiền từ, rồi ân cần đưa hai anh em đi chơi phố. Khi trở về, mẹ đã ở bên mâm cơm đợi 3 ba con tự lúc nào...

Buổi sáng khai giảng hôm nay, hai anh em thắp nén nhang, cúi người rồi chào ba để đi học.

"Con hứa sẽ học thật giỏi để ba mẹ vui lòng! Hãy tin ở con ba nhé", tiếng nói trong trẻo của Phương cất lên, pha lẫn vào không gian bình yên của căn hẻm cũ trong buổi sớm tinh mơ.

Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh 4.

Ngày khai giảng của hai anh em mồ côi cha vì COVID-19 - Ảnh 5.

Quang Trưởng và Nam Phương hứa cố gắng học hành chăm chỉ.

Sau một năm, sức sống đang trở lại, xóa nhòa nỗi đau thấu trời mà định mệnh tàn nhẫn giáng xuống gia đình nhỏ. Biến đau thường thành động lực, Phương và Trưởng muốn học thật chăm và trở thành người tử tế để ba mẹ vui lòng. "Trước mắt là được học sinh giỏi, còn xa hơn, em muốn tự mình vững bước trên đường đến tương lai", Trưởng nói.

Quãng đường đến trường của Trưởng và Phương dường như dài hơn khi không còn ba bên cạnh. Dù vậy, có lẽ anh Dũng vẫn đang âm thầm dõi theo và cầu chúc cho ba mẹ con chị Huyền những điều tốt đẹp nhất.

Chia sẻ