Ngày giáp Tết nhớ “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân

Phương Lâm,
Chia sẻ

Ngày Tết đang tới gần, người ta đổ xô đi xin chữ, xin cái may đầu năm và gửi gắm ước vọng vàoi những nét chữ khỏe khoắn trên nền giấy đỏ tươi vui.

Cái thời của Nguyễn Tuân viết trong “Vang bóng một thời” đã xa thế kỉ 21 này ngót nghét gần ba phần tư thế kỷ. Đây là thời của những gì phá cách, những gì mới lạ và cái nét cũ nếu còn cũng chỉ là sự gượng ép, giả tạo, cứng nhắc trong khung kính bóng loáng mà thôi.


Hình ảnh cuốn sách xưa của Nguyễn Tuân

Ngày Tết, khi đi chợ Quảng Bá chọn cây cảnh trưng bày trong nhà, tôi lại nhớ tới ông cụ có thú vui tao nhã chăm sóc những chậu hoa Lan trong truyện “Hương cuội” của Nguyễn Tuân. Một ông cụ của thời cũ với gia đình còn phảng phất đâu đó nét gia giáo rất xưa qua cách xưng hô mợ cả, mợ hai, cậu ấm. Ông cụ chơi Lan tinh tế tới mức chuẩn đoán được cả ngày nở chính xác của những chậu hoa theo tình hình thời tiết.

Và cả cái cách chăm sóc Lan nhẹ nhàng, cẩn thận, chu đáo như “chăm sóc con mọn”. Trong câu chuyện ta như ngửi được mùi thơm của gạo nếp, màu xanh của lá rong gói bánh và cái hối hả trong không khí những ngày giáp tết của ngày đã xa.

Chính cụ nhà có giảng cho tôi nghe rằng những cụ sành uống rượu, trước khi vào bàn rượu không ăn uống gì cả. Các cụ thường uống vào lúc thanh tâm. Và trong lúc vui chén, tịnh không dùng những đồ nhắm mặn như thịt cá đâu. Mấy vò rượu này, là rượu tăm đấy. Cụ nhà ta quý nó hơn vàng. Khi rót rỏ ra ngoài một vài giọt, lúc khách về, cụ mắng đến phát thẹn lên. Cậu đậy nút lại không có rượu bay!” – Một đoạn trích nói về tục uống rượu với đá cuội của các cụ ngày xưa trong “Hương cuội” của Nguyễn Tuân.

Kế tới là văn hóa thưởng thức trà của các cụ đồ nho thời xưa trong truyện “Những chiếc ấm đất”. Câu chuyện kể về cụ Sáu với phong thái và cốt cách nho nhã, phúc hậu, thanh tao của bậc học sĩ thời xưa có cách thưởng thức trà rất cầu kì. Nước phải được lấy từ giếng chùa, trà phải được rửa sạch, lọc thật kĩ. Khi ngồi thưởng trà có những câu chuyện đàm đạo.

Một trong số đó là chuyện về cái ấm đất của người ăn mày kì lạ còn kén chọn tới cả cánh cửa nhà giàu để ăn xin. Chỉ một lần thưởng trà cùng các cụ nho khá giả, anh ta biết được trong trà có trấu nên vị trà không được như bình thường. Đối với những người nhà giàu ngồi bên ấm trà thì là chuyện cười nhưng cuối truyện, họ bất ngờ khi người hầu đánh vỡ ấm trà rồi văng tung tóe cả những mảnh trấu nhỏ tới nỗi chẳng ai thèm để ý khi rửa.

Và thật thiếu sót nếu không nhắc tới truyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Bởi ngoài ý nghĩa về văn hóa nó còn mang ý nghĩa với một thế hệ học trò, dù người ít cầm sách văn học nhất khi nhắc tới Nguyễn Tuân cũng nhớ tới câu chuyện này. Một câu chuyện rất hay về nghệ thuật thư pháp truyền thống của cha ông.

Những nét chữ của một đời tung hoành ngang dọc trên tấm lụa trắng khiến người cai ngục phải vái lạy trước người tử tù tạo nên một mối thâm giao có một không hai trên đời. Khó mà quên được đoạn văn trong trẻo tới thế này: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.”

Ảnh: Lâm Thanh

Ngày Tết đang tới gần, người ta đổ xô đi xin chữ, xin cái may đầu năm và gửi gắm ước vọng vào những chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Việt với những nét khỏe khoắn trên nền giấy đỏ tươi vui. Giờ ông Đồ mà còn sống chắc sẽ không phải buồn lòng khi “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy nhiều ông Đồ hơn.”

Nguyễn Tuân đã để lại cho con cháu một báu vật về văn hóa mà không biết tới bao giờ người ta mới có thể khôi phục lại được. Những nét thanh tao rất Việt Nam, không nhầm lẫn chút nào với văn hóa Trung Hoa thời thuộc địa không một giải thưởng của UNESCO có thể trao nhưng lại đi sâu vào lòng những người đang sống của thời hiện đại để tìm cách khôi phục, duy trì.

Chia sẻ