Ngay cả người lớn cũng chưa chắc trả lời được: Vì sao gọi là "TẾT NHẤT" mà không phải "Tết nhì", "Tết ba"?
"Tết nhất" có phải là "Tết Một"?
Có thể bạn đã biết kiến thức này: Tết là do đọc chệch từ chữ "tiết", Nguyên là đầu tiên, còn Đán là buổi sáng sớm. Do đó, Tết Nguyên Đán được dịch là khoảng thời gian đầu của một năm mới, dần dần được gọi vắn tắt là Tết.
Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc: Vì sao gọi là "Tết nhất" mà không phải "Tết nhì", "Tết ba"?
Từ điển định nghĩa: "Tết nhất: Danh từ ngày Tết, về mặt là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, sum họp trong một năm (nói khái quát). Chẳng hạn: Tết nhất đến nơi mà chưa sắm sửa được gì.
Theo một số nhà nghiên cứu, Tết nhất là một dạng biến âm của tiết nhật (ngày Tết). Tuy nhiên, chia sẻ trên báo Bình Định online, Th.S Phạm Tuấn Vũ nhận định điều này không thuyết phục.
Về phương diện ngữ âm, rất khó để một thanh nặng chuyển đổi thành thanh sắc. Về phương diện ngữ nghĩa, tiết nhật (ngày Tết) mang nghĩa cụ thể; trong khi đó, Tết nhất (Tết nói chung) lại mang nghĩa khái quát với phạm vi rộng hơn. Về phương diện ngữ pháp, tiết nhật là một cấu trúc chính - phụ của tiếng Hán (phụ trước, chính sau); trong khi đó, Tết nhất lại cho ta cảm nhận về một cấu trúc đẳng lập của tiếng Việt.
Thật ra, Tết nhất là một từ tổ đẳng lập, tức là một từ được hình thành bởi hai từ cùng hoặc gần nghĩa. Chẳng hạn như chợ búa, bến bãi, tàu bè… Tết nhất là sự kết hợp giữa "Tết" và "nhất". Trong đó, "Tết" là đọc tắt của "Tết Nguyên đán". Còn "nhất" nghĩa là "một", "đầu tiên", "hơn hết", theo Dự án từ điển tiếng Việt của TS. Hồ Ngọc Đức.
Theo học giả An Chi, người ta ghép hai từ này để cho ra một từ có nghĩa "đầu tiên", "những ngày đầu tiên của năm mới".
Học giả An Chi lý giải, vì cùng nét nghĩa này nên nhất có thể trở thành "một thành tố ghép vào sau tết để láy nghĩa của từ này theo kiểu hai từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa đi chung với nhau" (Từ nguyên, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019, tr.13).