Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà?

Huyền Trang,
Chia sẻ

Với phụ nữ, ý nghĩa thực sự của ngày 8/3 liệu có nằm ở những món quà đắt tiền, những lời chúc có cánh của đấng mày râu?

Ngày 8/3 và sự khác biệt của những quốc gia Đông - Tây

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, là ngày nổ ra phong trào đấu tranh đòi quyền sống, đòi tăng lương, giảm giờ làm của nữ công nhân ngành dệt may ở Mỹ cùng một loạt các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ những năm đầu thế kỷ 20. Đến năm 1977, ngày 8/3 được Liên Hợp Quốc chính thức hóa và công nhận là ngày Quốc tế Phụ nữ. Đây là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Ở nhiều nơi, trải qua nhiều thế kỷ, chế độ nam quyền (nam giới nắm quyền chủ đạo xã hội) ngự trị khiến phái nữ chịu nhiều thiệt thòi. Ngày 8/3 mang ý nghĩa là ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.

Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau. Đến thời nay, ở hầu khắp các quốc gia, phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật và trong hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội lẫn gia đình, nhưng không vì thế mà họ ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng giới.

Có một sự thật khó chối cãi là ở một số quốc gia mà vấn đề giới, đặc biệt là bình đẳng giới được coi trọng như các nước châu Âu, những hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ, hoặc do các chính khách, cả nam và nữ, khởi xướng với tư cách cá nhân.

Hoặc do những cá nhân đơn lẻ tổ chức (ít có những hoạt động rầm rộ, phong trào), chủ yếu hướng đến đòi quyền bình đẳng trong những lĩnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc như chính trị, khoa học, nghiên cứu cũng như sự bình quyền nam – nữ, khẳng định vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trên đất nước mình.

Ví dụ như, để cổ vũ cho việc tích cực tham gia ngành nghiên cứu khoa học, sáng chế công nghệ cao ở đất nước mình, bà Jo Swinson, chính khách Đảng dân chủ Tự do Anh, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và bình đẳng (Women and Equalities) đã ngồi trong chiếc Endeavour - mô hình xe chạy bằng năng lượng mặt trời. 

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 1
Bà Jo Swinson, chính khách Đảng dân chủ Tự do Anh trong một hoạt động khuyến khích phụ nữ gia nhập ngành nghiên cứu công nghệ cao. Ảnh: Rex


Hay như bà Licia Ronzulli, chính khách Italia, thành viên của Nghị viện châu Âu đã đem theo con mình cùng dự họp trong một phiên biểu quyết tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 2
Hành động này được đánh giá như một sự “đảm bảo” đầy kiêu hãnh của nữ chính khách cũng như phái nữ về việc vừa có thể làm chính trị, hoạt động xã hội vừa vững vàng thiên chức làm mẹ. Ảnh: Reuters.

Ở một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka - nơi những vấn đề về phụ nữ như xâm hại tình dục, bất bình đẳng giới và chủng tộc, bạo lực gia đình, tảo hôn… vẫn còn nhức nhối, những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ chủ yếu hướng đến việc đấu tranh đòi hỏi quyền sống, quyền hạnh phúc và được tôn trọng của phụ nữ. 

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 3
Một người phụ nữ cầm tấm bảng hiệu với dòng chữ “Đừng chạm vào cơ thể tôi” vào ngày Quốc tế Phụ nữ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/GETTY.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 4
Người biểu tình ở Sri Lanka yêu cầu Chính phủ hành động giải quyết các vấn đề bạo lực gia đình và hiếp dâm xảy ra trong đất nước họ. Ảnh: Reuters.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 5
Các học viên đang thực hành các kỹ thuật tự vệ trong một lớp học dành cho phụ nữ vùng Đông Bắc Ấn Độ tại New Delhi. Ảnh: AFP/GETTY.

Chỉ một số ít những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ ở những quốc gia này hướng đến những vấn đề chính trị.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 6
Cuộc biểu tình tại Allahabad (Ấn Độ) đòi hỏi thông qua dự luật dành 33% tổng số ghế trong Hạ viện cũng như trong Hội đồng lập pháp Nhà nước cho nghị sĩ nữ. Ảnh: AFP/GETTY.

Sự khác biệt này đã thể hiện mối quan tâm khác nhau cũng như câu chuyện cấp bách cần giải quyết trong vấn đề phụ nữ của các quốc gia Đông và Tây.

Khác biệt hơn một chút, ở Trung Quốc, Triều Tiên hay Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm rất trang trọng, là một ngày tràn ngập hoa, quà tặng và những lời chúc tốt đẹp dành cho phái nữ. Nhiều hoạt động như mít-tinh, lễ hội được tổ chức rầm rộ trên toàn quốc gia.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 7
Những phụ nữ làng Duanjiazhuang (tỉnh Yuncheng, Trung Quốc) kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ bằng những điệu múa quạt. Ảnh: Rex.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 8
Một cuộc mít-tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Bắc Triều Tiên. Ảnh: EPA.

Tặng quà ngày 8/3, đàn ông có thật lòng yêu thương phụ nữ Việt?

Ở Việt Nam, những ngày mang tính chất “tôn vinh phụ nữ” như 8/3, 20/10, cánh mày râu lại sốt xình xịch vì chuyện quà cáp, nào quà cho mẹ, cho vợ/người yêu, cho đồng nghiệp nữ.

Đó cũng là dịp chị em tranh thủ “vùng lên” lấy cớ mè nheo, vòi vĩnh để mua những món đồ (thường là xa xỉ) mà ngày thường ta khao khát, để đàn ông xắn tay vào phụ giúp việc nội trợ, chăm sóc con .v..v..

Cánh kinh doanh những mặt hàng quà tặng từ bình dân đến xa xỉ cũng tranh thủ “cá kiếm”.

Phái nam chép miệng: “cả năm mới có một ngày, thôi đành nghiến răng vậy” để rút ví mua quà, tặng hoa, “phong bì” hoặc lụi cụi vào bếp để làm đẹp lòng những người phụ nữ mình yêu thương.

Phụ nữ thì hỉ hả sung sướng, thầm chờ đợi quà, rồi hoặc khoe nhau rít rít, hoặc cập nhật tình hình lên Facebook cho thiên hạ ghen chơi, hoặc kín đáo hơn nữa là âm thầm sung sướng vì anh xã ga-lăng.

Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng cũng “nhắm” vào ngày này như một trong những tiêu điểm kinh doanh hằng năm. Chẳng riêng gì người được tặng quà, người bán quà cũng hạnh phúc không kém trước cơ hội hốt bạc, vì đám đàn ông con trai ít rành giá cả mua sắm, mà có rành cũng không nỡ mặc cả nhiều. Thành thử, ai ai cũng thích thú cả, cũng “kết” ngày 8/3.

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 9
Hoa hồng dát vàng - một trong những món quà xa xỉ cho ngày 8/3. (Ảnh minh họa)

Nhưng ngày Quốc tế phụ nữ có nghĩa lý gì không, hay nói cách khác, có đang bị hình thức hóa không? Chẳng bàn xa xôi, chỉ nói ngay ở Việt Nam ta, bỏ qua cái ám thị đầy tự hào: ta là phụ nữ (hoặc ta là một người đàn ông yêu thương phụ nữ), ngày 8/3 sẽ chỉ có ý nghĩa “an ủi” nếu 364 ngày còn lại, phụ nữ không được đối xử công bằng.

Nhìn vào đời sống thường nhật, vào cách người ta ứng xử với phụ nữ thì đủ thấm thía, phụ nữ Việt chưa (và chưa thể) được coi ngang hàng với nam giới.

Cứ thử nhìn vào tỉ lệ giới tính của trẻ sơ sinh thì biết. Theo số liệu thống kê năm 2012, cứ 112,3 trẻ sơ sinh trai mới có 100 trẻ sơ sinh gái, tức là, nếu cứ theo đà này, đến năm 2035, ta sẽ dư thừa 10% nam giới trưởng thành so với nữ giới.

Khoan hãy vội mừng vì nghĩ rằng, nữ “khan hiếm” như vậy nghĩa là sẽ có giá hơn, sẽ được chú ý hơn, cưng chiều, săn đón hơn. Hãy nhìn thẳng vào một thực tế, Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực châu Á, tư tưởng nam quyền, nối dõi tông đường vẫn còn mạnh, khiến cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt.

Quan niệm nếu không có con trai là nhà đó “vô phúc”, tuyệt tự, con trai là con của mình, con gái là con người ta… đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ, kể cả trong thời hiện đại này.

Nếu người Việt thực sự tôn trọng và yêu thương phụ nữ, các ông bố sinh con gái sẽ không cảm thấy “yếu thế” trước đám bạn cùng trang lứa sinh được con trai, sẽ không phải chép miệng tự an ủi: “con đầu là bé gái càng tốt”, “may quá, đỡ được tiền mua nhà cho nó”; các bà mẹ chồng sẽ không lườm nguýt, nói móc nói xỉa “toàn lũ vịt giời”, “đồ không biết đẻ”, thậm chí xúi giục con trai “thậm thụt” bên ngoài để kiếm thằng cu khi con dâu sinh cháu gái một bề.

Các bà mẹ cũng không bị áp lực, dò hỏi bác sĩ để biết bào thai trong mình là trai hay gái. Thế mới nảy ra chuyện nhiều gia đình hiện đại lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính bằng chế độ ăn uống...

Ngày 8/3, phụ nữ có cần quà? 10
Tỉ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang ở mức nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Nếu thực sự tôn trọng phụ nữ, tôn trọng sự bình đẳng (đương nhiên, trong giới hạn thiên chức và đặc điểm giới tính), đấng mày râu sẽ không trố mắt ngạc nhiên, rồi đay nghiến, chì chiết ngày này qua tháng nọ nếu biết vợ, người yêu mình không còn trinh tiết vì cô ấy tự nguyện (chứ không phải bị cưỡng bức, ép buộc).

Sẽ không đau khổ vật vã, cảm thấy mình bị “dắt mũi”, tra hỏi về quá khứ vì mình không phải là người tình đầu tiên của cô ấy.

Nếu thực sự tôn trọng phụ nữ như tinh thần ngày 8/3, sẽ chẳng có những câu chuyện bạo hành, rẻ rúng, coi thường, tra tấn dã man phụ nữ mà người ra đòn là cả đàn ông lẫn những người phụ nữ khác.

Nếu thực sự tôn trọng phụ nữ như tinh thần ngày 8/3, những cậu con trai có lẽ chẳng cần tốn tiền mua quà hay nghĩ chiêu nịnh mẹ, vì họ sẽ biết cách không làm mẹ phải đau lòng, phải khóc trong 364 ngày còn lại trong năm.

Và nếu thực sự quan tâm vợ, những đức ông chồng sẽ chẳng ngại ai xì xào “đội vợ lên đầu mà thờ”, chẳng lấy cớ “việc vặt là của đàn bà” để hỗ trợ vợ giặt giũ quần áo, để lịch kịch đêm hôm dậy chăm con cho vợ ngủ thêm một tí, để vào bếp giúp vợ... khi rảnh rỗi.

Quà tặng giá trị nhất mà người phụ nữ nên và cần được tặng trong ngày 8/3 có lẽ không phải là những lời có cánh, những bông hồng dát vàng, những lọ mỹ phẩm đắt tiền, túi xách, quần áo hàng hiệu hay những phong bì nặng trịch mà là sự yêu thương, trân trọng thực sự được thể hiện bằng hành động cụ thể trong suốt cả năm, là việc nâng niu chăm sóc, coi những bé gái ngang hàng với những bé trai và không bỏ đi những bào thai khỏe mạnh chỉ vì chúng “trót” mang giới tính nữ.
Chia sẻ