Ngày 27/2 nghe chuyện "phía sau phòng phẫu thuật" của các bác sĩ: Người bị phơi nhiễm HIV, người quyết liệt để tránh xa "cám dỗ"

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Đằng sau công việc của các bác sĩ là vô vàn câu chuyện xúc động mà có thể bạn chưa từng được nghe qua.

Nghề bác sĩ là nghề vinh quang nhưng cũng thật nhiều gian nan. Hàng ngày, họ trực tiếp khám chữa cho biết bao nhiêu số phận. Mỗi một ca bệnh lại là một câu chuyện riêng, có lúc dở khóc, cũng có lúc dở cười. Nhưng chắc hẳn với mỗi bác sĩ, luôn có những ca bệnh hay kỷ niệm nào đó trong nghề khiến họ cả đời không quên.

Hôm nay, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng ta hãy cùng lắng nghe các câu chuyện phía sau cánh cửa phòng phẫu thuật, để cùng hiểu hơn về công việc của các "thiên thần áo trắng" luôn một lòng tận tâm cống hiến vì sức khỏe của mọi người.

Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi: Bị phơi nhiễm với HIV

Là một phẫu thuật viên cơ xương khớp, Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) tâm sự: "Nghề phẫu thuật viên là một nghề nhiều trải nghiệm nhưng khá áp lực". Nhất là khi người bệnh không nghe theo chỉ định của bác sĩ, và cuối cùng nhận về kết cục không may mắn.

Bác sĩ Thi kể: "Nhiều trường hợp biết rủi ro cao, các bác sĩ đã giải thích trước cho người bệnh, nhưng họ vẫn quyết tâm làm. Ví dụ như có một bệnh nhân vào viện bị tai nạn giao thông, xây xước hết cả tay chân. Dù bác sĩ giải thích 3,4 lần rằng nếu mổ nội soi gối có khả năng nhiễm trùng cao, thế nhưng bệnh nhân nhất định muốn mổ. Thậm chí còn ký cả hồ sơ chấp nhận rủi ro. Đáng tiếc trường hợp này mổ xong đúng là bị nhiễm trùng như dự đoán của bác sĩ".

27/2 nghe tâm sự chuyện "phía sau phòng phẫu thuật" của các bác sĩ: Người lao đao vì bị phơi nhiễm HIV, người quyết liệt để tránh xa các "cám dỗ" - Ảnh 1.

Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi.

Hoặc là có trường hợp bệnh nhân vào viện trong tình trạng dập nát cẳng chân không còn chỉ định bảo tồn. Bác sĩ chỉ định cắt cao trên khớp gối để đủ phần mềm lành lặn che phủ mỏm cụt.

"Tuy nhiên, người bệnh lại muốn giữ khớp gối để co duỗi được. Vấn đề là nếu cắt dưới gối thì không thể có đủ phần mềm để che và chắc chắn phải mổ tiếp để cắt cao hơn. Cuối cùng, người bệnh không cho bác sĩ làm. Xin về nhà để làm lễ cúng, sau khoảng 2 tuần bệnh nhân lại chuyển lên vì sốc nhiễm trùng và đã tử vong", Bác sĩ Thi buồn rầu kể lại.

Một trong số các ca bệnh khiến bác sĩ Thi nhớ nhất, có lẽ là ca mổ khiến anh bị phơi nhiễm với căn bệnh thế kỷ HIV. Bác sĩ Thi cho biết, ca mổ cho bệnh nhân HIV luôn phải được cẩn trọng từng bước.

Cụ thể, trong một lần mổ cho bệnh nhân có H, Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi đã bị kim tiêm đâm vào tay. Sau đó, anh được các đồng nghiệp rửa vết thương bằng cồn liên tục trong 5 phút. Tiếp đó, bác sĩ uống thuốc ARV trong suốt 1 tháng. May sao, kết quả cuối cùng âm tính, anh cũng thở phào nhẹ nhõm.

"HIV vốn lây nhiễm qua đường máu. Nếu máu của bệnh nhân bắn vào mắt bác sĩ, hoặc chọc kim có máu HIV vào tay thì khả năng phẫu thuật viên bị phơi nhiễm rất cao. Mà bác sĩ không thể dùng găng tay sắt được, vẫn phải dùng găng cao su nên kim chọc xuyên qua là bình thường", bác sĩ chia sẻ.

282145558_5494550723888794_6824830366014854155_n.jpg

Ths.BS Nguyễn Dương Nhật Thi số 2 từ trái qua cùng các đồng nghiệp sau khi hoàn thành một ca mổ.

Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Vân Bình: Luôn đầy cảm xúc với những ca cấy điện cực ốc tai cho các em bé

Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Vân Bình đang là Phó khoa tai mũi họng của Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc. Đã công tác 15 năm trong ngành y, cũng đã trực tiếp thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật. Tuy nhiên, với bác sĩ Bình những ca cấy điện cực ốc tai cho em bé bị khiếm thính luôn để lại nhiều kỉ niệm và cảm xúc hơn cả.

Chị vẫn nhớ ca phẫu thuật cấy ốc tai điện cực đầu tiên chị thực hiện tại Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc là cho một bệnh nhi tên Đỗ Ngọc Quỳnh Chi. Quỳnh Chi bị điếc sâu bẩm sinh 2 tai, không những thế, hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, cực kì khó khăn.

Lần đầu gia đình đưa bé Chi đến viện, mẹ bé gần như muốn từ bỏ khi biết chi phí ca phẫu thuật phức tạp này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi đó, nhìn ánh mắt ngây thơ của con, khuôn mặt khắc khổ của mẹ bé, bác sĩ Bình tha thiết muốn làm một điều gì đó để hỗ trợ gia đình Quỳnh Chi.

bs-van-binh.jpg

Ths.BsCKII. Nguyễn Thị Vân Bình

Không muốn bỏ lỡ giai đoạn vàng để cấy điện cực cho bé Chi, một mặt bác sĩ Bình đã lên trao đổi trực tiếp hoàn cảnh của gia đình bé Chi với ban lãnh đạo viện, gọi điện cho đơn vị cung cấp thiết bị ốc tai. Một mặt chị thuyết phục gia đình, hỗ trợ thêm cho mẹ bé quần áo bỉm sữa.

Không phụ lòng người, cuối cùng ban lãnh đạo viện Hồng Ngọc đã quyết định giảm trừ chi phí ca mổ cho bé, hãng thiết bị cũng hỗ trợ một phần giá ốc tai. Gia đình bé cũng gom góp thêm đủ để thực hiện ca mổ.

"4 tiếng phẫu thuật phức tạp, căng thẳng, và không một đồng công xá, nhưng trái tim của mình lấp đầy hạnh phúc" - nữ bác sĩ chia sẻ. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, 1 tháng sau gia đình bé Chi đưa con đến cảm ơn chị.

Thấy con bắt đầu nghe được những âm thanh đầu tiên khi. Thời gian sau mẹ Quỳnh Chi gửi video đầu tiên con đã có thể nói được những từ đơn giản: Mẹ, bà, bố, hoa, yêu mẹ…

Có lẽ đó là những kỷ niệm mà suốt đời này Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Vân Bình không thể nào quên được. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại câu chuyện chị Bình vẫn không khỏi xúc động, tự hào. Chị biết mọi nỗ lực của mình đều vô cùng xứng đáng.

Ths.BSCKII. Cao Ngọc Duy: BS thẩm mỹ đôi khi kiêm cả là BS tâm lý

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng Khoa Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã có hơn 13 năm công tác trong ngành tạo hình thẩm mỹ, với nhiều kỷ niệm: Hỉ, nộ, ái, ố.

"Bác sĩ vui vì làm đẹp được cho nhiều người. Nhưng cũng buồn vì gặp nhiều hoàn cảnh rất éo le. Có đôi khi, bác sĩ phải đóng vai trò là bác sĩ tâm lý. Có chị em tìm đến tôi nâng mũi vì sợ chồng chê, chồng bỏ đi theo người khác. Có những chị em muốn làm đẹp nhưng sợ chồng không đồng ý, họ phải rình lúc chồng đi công tác là tới làm luôn.

photo-1662729076955-1662729077088763467756.jpeg

Ths.BSCKII. Cao Ngọc Duy.

Cũng có những người áp lực cuộc sống tìm đến thẩm mỹ để... đổi vận. Thậm chí, có những cô gái mới lớn chân ướt chân ráo lên Hà Nội tìm việc, phải đi vay mượn để đi làm thẩm mỹ, mong đổi đời ở thành phố rồi trả nợ sau. Khi đó, bác sĩ lại đóng vai trò tư vấn, chia sẻ, động viên. Phân tích cho chị em những gì nên làm, và những gì không nên để giúp họ thay đổi tốt hơn", Ths.BSCKII. Cao Ngọc Duy nói.

Ths.BSCKII. Cao Ngọc Duy cũng chia sẻ phẫu thuật thẩm mỹ có mặt trái đó là "hội chứng nghiện thẩm mỹ". Có những chị em dù sở hữu chiếc mũi đẹp rồi, nhưng họ vẫn chưa hài lòng. Chỉ vài tháng họ lại mong muốn được thay đổi, có người sửa mũi 5-7 lần vẫn chưa ưng.

Đã không ít lần, bác sĩ Cao Duy tiếp nhận các trường hợp bị thủng hẳn đầu mũi vì lạm dụng nâng mũi quá cao; hoặc do ham rẻ sử dụng loại sụn kém chất lượng.

"Không ít trường hợp chị em bị dụ dỗ làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ nhái, khiến tiền mất tật mang, đến khi gặp bác sĩ việc sửa lại khó khăn bội phần", bác sĩ Duy tâm sự.

27/2 nghe tâm sự chuyện "phía sau phòng phẫu thuật" của các bác sĩ: Người lao đao vì bị phơi nhiễm HIV, người quyết liệt để tránh xa các "cám dỗ" - Ảnh 5.

Vị phó trưởng khoa cũng tâm sự: Nghề bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là một nghề nhiều cám dỗ. Cám dỗ về đồng tiền, cám dỗ về tình cảm... Để tránh khỏi những cám dỗ đó, bác sĩ cho hay cần phải làm nghề bằng cái tâm và biết tự làm chủ bản thân. Ngoài giỏi về chuyên môn, bác sĩ còn phải tâm lý, hiểu và chia sẻ, giải thích cho khách hàng để họ tránh sa đà vào thẩm mỹ.

"Tôi không ham, không muốn lạm dụng thẩm mỹ cho khách mà chỉ khuyên họ nên làm khi cần. Vì tôi làm vì đam mê, chứ không phải vì tiền", Ths.BSCKII. Cao Ngọc Duy nói.

"Lương y như từ mẫu" - Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2, xin được gửi các lời chúc tốt đẹp nhất đến các bác sĩ, thầy thuốc.

Chia sẻ