Ngành này có gì mà ĐH Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn tận 28 điểm, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương 80-100 triệu đồng/tháng
Ngành học này được dự đoán sẽ rất hot trong năm 2021.
Logistics được đánh giá là một trong những ngành nghề hot, có nhu cần tuyển dụng cao nhất hiện nay. Ngành này có mặt tại Việt Nam khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển ấn tượng, lên đến 35 - 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Dự đoán con số tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, trong 3 năm tới, ngành này sẽ cần khoảng 18.000 lao động, tương đương với tiềm năng cơ hội việc làm cực lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Được biết, có rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành này, trong đó có Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2020, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường lấy điểm chuẩn cực cao, 28 điểm.
Vậy ngành này có gì mà điểm chuẩn đại học lại cao đến vậy? Sinh viên sẽ được học những gì và cơ hội việc làm, cũng như mức lương sau khi tốt nghiệp ra sao?
Logistics - ngành quan trọng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí
Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Nhân viên ngành phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.
Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó, Quản lý chuỗi cung ứng là sự phối hợp của sản xuất – tồn kho – địa điểm và vận chuyển nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của thị trường. Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động quản lý hậu cần gồm lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng và thu mua, bao gồm tất cả hoạt động Logistics.
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống kinh doanh để giúp người quản trị đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và phân bổ hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Học ngành này ra trường làm gì? Ở đâu?
Sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm. Một số vị trí công việc trong ngành này có thể kể đến như: Quản trị hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ; tham gia điều hành các tập đoàn bán lẻ, các công ty tư vấn toàn cầu, các công ty cung ứng dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải, đại lý vận tải, cảng biên, ICD, cảng hàng không, tổ chức – khai thác – quy hoạch kho hàng…
Sinh viên cũng có thể làm việc trong các cơ quản quản lý trung ương và địa phương liên quan tới việc hoạch định chính sách cho hoạt động logistics và chuỗi cung ứng, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và tổ chức quốc tế có liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng,...
Mức lương của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có như mong đợi?
Theo báo cáo lương của Jobstreet (công ty việc làm trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, theo Forbes), mức lương khởi điểm đối với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng dao động từ 5 - 9 triệu/tháng. Mức lương tăng dần theo số kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy.
Với vị trí cấp cao và trưởng nhóm, mức lương trung bình tăng lên từ 15 - 23 triệu/tháng. Song, cũng không thiếu những công ty sẵn sàng trả cho vị trí này từ 80 - 100 triệu/tháng. Bên cạnh đó, ngành này cũng có nhiều cơ hội thăng tiến.