Ngành học ở Việt Nam đang cực "khát" nhân lực, cần tới 65.000 lao động, mức lương hứa hẹn trên 20 triệu đồng/tháng
Đây là một ngành học thuộc khối ngành y tế, đang cực "khát" nhân lực tại Việt Nam.
Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học là một ngành không thể thiếu tại hầu hết các cơ sở y tế. Chuyên môn của ngành thực hiện, giám sát, kiểm tra các quy chế vô khuẩn, phân tích các mẫu bệnh phẩm, quy định về sử dụng hóa chất, sinh phẩm chuyên dụng và an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm, nhằm cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh, chuẩn xác nhất phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh của bác sĩ.
Từ đó hỗ trợ bác sỹ chẩn đoán bệnh chính xác, xây dựng phác đồ điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả cũng như có thể dự báo sớm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, kỹ thuật xét nghiệm còn đóng vai trò quan trọng trong an toàn vệ sinh thực phẩm và lĩnh vực dự phòng như tầm soát dịch bệnh, đánh giá lâm sàng hiệu quả thuốc và vắc xin.
Xét nghiệm Y học bao gồm các lĩnh vực chính như: Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh – Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh…
Có đến 70% kết quả chẩn đoán phụ thuộc vào xét nghiệm, thể hiện tầm quan trọng của ngành kỹ thuật xét nghiệm trong y học hiện đại. Đặc biệt, trên thực tế, bạn có thể thực hiện công việc này ở hậu trường và hoàn toàn không tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo đuổi ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, sinh viên được đào tạo các kiến thức khoa học cơ bản, nguyên lý kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực xét nghiệm hiện đại.
Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học đào tạo trong 4 năm (8 học kỳ chính và 3 học kỳ hè). Các bạn sinh viên sẽ được học 6 chuyên ngành chính gồm: xét nghiệm hóa sinh, xét nghiệm huyết học, xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm ký sinh trùng, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y tế phải có đủ kiến thức để phân tích mô dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào ung thư hoặc các bất thường khác. Hoặc họ cũng có thể đảm bảo nhóm máu khớp trước khi truyền máu hoặc xét nghiệm mẫu nước tiểu để tìm thấy chất kích thích.
Tuy thuộc khối ngành y học, nhưng điểm chuẩn của ngành kỹ thuật xét nghiệm y học ở mức dễ thở hơn so với các ngành cùng khối khác. Theo thống kê, năm 2023, điểm chuẩn của ngành này ở Đại học Y Hà Nội là 24.85 điểm.
Trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, các học sinh cuối cấp có thể tìm hiểu thêm về ngành đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm y học ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, ĐH Y Dược – ĐH Quốc Gia Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Cao Đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ…
Cơ hội việc làm rộng mở
Với sự phát triển mạnh mẽ của nên khoa học, y học như hiện nay, sinh viên ngành kỹ thuật xét nghiệm y học có rất nhiều cơ hội việc làm, tiềm năng tương lai rộng mở. Sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận vị trí công việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện công lập hoặc ngoài công lập, hay giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Theo thống kê, hiện này Việt Nam có khoảng 200 bệnh viện tỉnh, 22 bệnh viên Trung ương và hơn 65 bệnh viên chuyên khoa, nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân… Vì vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học có rất nhiều cơ hội việc làm tốt.
Kỹ thuật viên xét nghiệm y học được ví như tay phải với tay trái để hỗ trợ cho bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe con người.
Hiện giờ ngành y tế đang rất thiếu nhân lực của ngành này. Theo báo cáo thống kê của Tổng cục thống kê về cơ hội việc làm và theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế năm 2021 – 2025 thì đến 2025, ngành điều dưỡng ở cả nước cần phải bổ sung đến hơn 65.000 kỹ thuật xét nghiệm y học.
Ở nước ta hiện nay, hầu như các bệnh viện, cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có phòng xét nghiệm y khoa. Tuy nhiên, hệ thống ngành y vẫn thiếu nhân lực ngành xét nghiệm y học một cách trầm trọng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vẫn không ngừng tăng lên, các bệnh viện, phòng khám vẫn mọc lên như nấm. Đó là lí do khiến ngành xét nghiệm y học luôn trong tình trạng "khát" nhân lực.
Trong hệ thống y tế, ngành xét nghiệm y học được đánh giá cao với mức lương hấp dẫn. Thực tế, mức lương cụ thể của ngành xét nghiệm y học còn phụ thuộc vào vị trí công tác. Mức lương của kỹ thuật viên xét nghiệm mới ra trường có thể từ 5-7 triệu đồng. Ở các vị trí có kinh nghiệm và bằng cấp cao hơn, mức lương cũng tăng theo: Chuyên viên tư vấn: 7-10 triệu đồng, Bác sĩ xét nghiệm: 16-22 triệu đồng, Nhân viên kinh doanh thiết bị xét nghiệm: 5-7 triệu đồng, Chuyên viên kỹ thuật y tế ứng dụng: 10-12 triệu đồng, Quản lý xét nghiệm y học: 7-10 triệu đồng, Giảng viên ngành xét nghiệm y học: 15-20 triệu đồng….
Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến mức lương của ngành xét nghiệm y học như trình độ chuyên môn, bằng cấp, tăng ca, tiền hoa hồng cùng với chính sách thu hút của các doanh nghiệp. Thông thường, những người có bằng cấp cao và nhiều kinh nghiệm sẽ được các nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên cùng với mức thu nhập hấp dẫn hơn. Cơ hội việc làm ngành xét nghiệm y học cũng rất rộng mở, có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Học ngành kỹ thuật xét nghiệm y học ở đâu?
Các bạn sinh viên có thể đăng ký thi tuyển sinh vào các trường đại học có đào tạo ngành kỹ thuật xét nghiệm y học như: Đại học Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Khoa Học Và Công Nghệ Hà Nội, Đại học Tây Nguyên, Đại học Y Dược - Đại học Huế, Đại học Trà Vinh, Đại học Y tế Công cộng, Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương…
Ngoài ra, một số trường cao đẳng cũng đào tạo ngành học này như: Trường Cao Đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), Trường cao đẳng Y Hà Nội, Trường cao đẳng y Dược Sài Gòn…