Ngành học lấy điểm đầu vào không cao nhưng luôn khát nhân lực, sinh viên ra trường làm đúng nghề tới 90%, thu nhập hứa hẹn 5000 - 8000 USD
Kỹ thuật tàu thủy đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là đối với những đất nước có vùng biển tiềm năng, rộng lớn. Ngành Kỹ thuật tàu thủy đào tạo ra những kỹ sư trẻ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của nhà nước và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các công ty, tập đoàn đóng tàu trong và ngoài nước.
Ngành kỹ thuật tàu thủy là gì?
Ngành kỹ thuật tàu thủy có thể hiểu đơn giản là ngành giao thoa giữa kỹ thuật với công nghệ. Cụ thể, ngành này chuyên về hoạt động phân tích, thiết kế và xây dựng các công trình liên quan đến tàu thủy.
Thực tế, đây là một nhánh nhỏ của khoa học hàng hải nhằm đáp ứng được những mục tiêu về phát triển nền kinh tế biển. Cùng với công nghệ đóng tàu, kỹ thuật tàu thủy đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa, là một trong những ngành đang được nhà nước chú trọng đào tạo nhất hiện nay.
Tuy được gắn mác là “kỹ thuật” song trên thực tế, Ngành kỹ thuật tàu thủy không chỉ dừng lại ở những kiến thức về động lực cơ khí, kỹ thuật hàn, kết cấu và sản xuất tàu thủy. Đây còn là cơ hội để những ai đam mê mảng thiết kế tàu và mong muốn tìm được một vị trí quản lý sản xuất hay trở thành thuyền trưởng có môi trường phát huy năng lực.
Nguồn nhân lực “bạc” với tỉ lệ làm đúng ngành lên đến hơn 90%
Trong bối cảnh nền kinh tế biển phát triển nhanh và mạnh, khai thác thế mạnh tiềm lực “biển bạc” là một trong những vấn đề được chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Với xu thế đó, ngành kỹ thuật tàu thủy được đánh giá là một trong những ngành học chủ lực, có tiềm năng phát triển cao, để đáp ứng nhân lực cho những chính sách kinh tế của nhà nước cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho những công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
Theo khảo sát, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành ngay từ năm đầu tiên đạt trên 90%. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đặt hàng với Trường để tiếp nhận sinh viên chuyên ngành về làm việc, trong đó có cả doanh nghiệp đóng tàu nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2015, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ngành Kỹ thuật tàu thủy đã tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nên nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ đóng tàu thuỷ là rất cao.
Trong 2 năm gần đây, nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật tàu thủy trở nên khan hiếm trầm trọng, số lượng sinh viên ra trường không đủ để đáp ứng được sự khát nhân lực của xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến sinh viên hơn, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên thực tập có trả lương, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi sinh viên chưa ra trường. Đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng, sinh viên ngày càng có động lực học tập thật tốt.
Nhiều vị trí đa dạng và mức lương tăng theo kinh nghiệm. Ngành kỹ thuật tàu thủy cần thì khối nào và học ở đâu?
Sinh viên ngành Kỹ thuật tàu thủy khi ra trường có thể làm việc tại công ty, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy, các cơ quan tư vấn và chuyển giao công nghệ liên quan đến tàu thủy… Với vai trò là người lãnh đạo, quản lý, điều hành, thiết kế, tư vấn, phản biện. Cụ thể các vị trí công việc sau:
- Quản đốc, kỹ sư công nghệ, chuyên gia kĩ thuật trong các công ty, nhà máy chế tạo, đóng mới – sửa chữa tàu thủy.
- Kỹ sư thiết kế trong các Trung tâm, công ty và Viện thiết kế tàu thủy.
- Thiết kế và dịch vụ kỹ thuật tàu thủy Việt Hàn; Công ty tư vấn thiết kế tàu thủy.
- Đăng kiểm viên trong tổ chức đăng kiểm trong và ngoài nước như: Cục đăng kiểm Việt Nam, chi cục đăng kiểm Hải Hưng, chi cục đăng kiểm số 15, và Các tổ chức đăng kiểm tàu cá thuộc chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các Tỉnh ven biển.
- Kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong các đơn vị liên quan như: Công ty bảo hiểm, công ty vận tải đường biển.
- Cán bộ giảng dạy các môn chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Với yêu cầu khá khắt khe về tính chuyên môn và sự tỉ mỉ, ngành kỹ thuật tàu thủy là một trong những ngành có mức lương cao so với mặt bằng tại Việt Nam hiện nay. Mức lương phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm và năng lực cá nhân của mỗi người.
Mức lương thấp nhất (thủy thủ, thợ máy) tàu nội địa khoảng 7 đến 8 triệu đồng/tháng, tăng dần theo chức danh: sĩ quan 20, 30 triệu đồng. Thuyền trưởng có mức lương dao động từ 50 đến 80 triệu đồng hoặc cao hơn. Đối với các chủ tàu nước ngoài, thủy thủ được trả mức lương khoảng 20-30 triệu đồng, cao nhất là thuyền trưởng, máy trưởng có thể 5.000-8.000 USD hoặc hơn.
Ngành kỹ thuật tàu thủy cần thi khối nào và học ở đâu?
Ngành Kỹ thuật tàu thủy hiện nay xét tuyển các tổ hợp môn sau:
- A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
- A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
- C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý)
- D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
- D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh)
Điểm chuẩn đối với ngành kỹ thuật tàu thủy có nhiều mức khác nhau, tùy vào từng trường. Có những trường chỉ lấy từ 15 điểm, cũng có trường lấy đến 26,5 điểm. Đối với hình thức xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực thì mức điểm sẽ khoảng 800. Như vậy, với khung điểm trên, việc trúng tuyển vào ngành kỹ thuật tàu thủy cũng không phải quá khó khăn. Tuy nhiên, dưới đây là những mỗi trường đào tạo uy tín và chất lượng nhất, giúp các sinh viên yên tâm về chất lượng đào tạo.
- Khu vực miền Bắc: Đại học Bách khoa Hà Nội
- Khu vực miền Trung: Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; Đại học Nha Trang
- Khu vực miền Nam: Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM; Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM