Ngành học cực hot, nhiều phụ huynh đổ xô đầu tư cho con: Nữ Tiến sĩ khuyên nên "bẻ lái", thay đổi 1 điều để tương lai khỏi thất nghiệp
Phụ huynh nên cân nhắc khi định hướng cho con theo học ngành này.
Khoa học máy tính là ngành học được quan tâm trong những năm gần đây khi điểm chuẩn tuyển sinh luôn dẫn đầu tại nhiều cơ sở giáo dục lớn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, tại nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện thông tin cử nhân Khoa học máy tính "thất sủng". Nguyên nhân bởi nhu cầu tuyển dụng giảm trong khi số sinh viên theo ngành này đông hơn, khiến khả năng tìm việc chính thức hoặc thực tập ngày càng khó.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, trong bối cảnh đất nước đang trong xu hướng 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, người học cũng cần tính toán bối cảnh 4-5 năm sau khi ra trường.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), quản trị viên của Pathfinders, cho biết: Chị đã định hướng cho con đi theo ngành Khoa học máy tính từ cách đây 8 năm, lúc con mới 10 tuổi, rồi "lái" con hướng về Trí tuệ nhân tạo.
Nhưng trong hơn một năm qua, khi AI đã viết được code thay cho con người, khi các Big Tech sa thải hàng chục ngàn nhân sự mỗi đợt, chị đã nhận ra các kiến thức và kỹ năng về Khoa học máy tính hay Trí tuệ nhân tạo chỉ nên là công cụ chứ không nên là thứ duy nhất mà các bạn trẻ học để làm nghề.
Kiến thức và kỹ năng về Khoa học máy tính hay làm chủ AI là các yếu tố cần, chứ chưa đủ để phục vụ cho các công việc khác nhau đối với thế hệ Gen Z và Gen Alpha. Nếu các trường đại học chỉ đào tạo Khoa học máy tính hay Trí tuệ nhân tạo mà không gắn liền với một ngành đặc thù, đó là một vấn đề lớn.
TS Khanh cho rằng, các bạn trẻ bây giờ phải bẻ lái, dù có học Khoa học Máy tính hay Trí tuệ Nhân tạo vẫn cần những chuyên môn nền tảng khác, và ngược lại.
Nên học chuyên ngành kép
Muốn phát triển công nghệ cho ô tô, máy bay, tàu vũ trụ cũng cần hiểu rõ cách vận hành của các siêu cỗ máy này. Muốn dùng khoa học dữ liệu và AI để phục vụ ngành tài chính thì cũng cần phải hiểu ngóc ngách của ngành. Muốn làm công nghệ giáo dục cũng phải hiểu rõ những vấn đề mà ngành giáo dục đang gặp phải.
Theo TS Khanh, muốn làm công nghệ và đáp ứng được đòi hỏi công việc trong các ngành khác nhau, sinh viên nên học chuyên ngành kép, ví dụ Quy hoạch đô thị và Khoa học máy tính, hay Kỹ sư Hàng không và Khoa học máy tính.
Tương tự, những bạn trẻ không định hướng đi theo công nghệ cũng cần bước ra khỏi vùng an toàn, kết hợp học chuyên ngành cùng công nghệ. Chẳng hạn như các bạn học ngành Marketing thì nên học AI for Marketing, Marketing analytics hay Machine Learning for Marketing mới bắt kịp xu hướng thay đổi chóng mặt trong ngành. Hay các bạn học các ngành Thiết kế, Kiến trúc không thể ngồi vẽ cơ học trên máy tính như xưa được nữa mà phải học cách ứng dụng AI để làm việc với chất lượng và hiệu suất cao hơn.
"Một điều mình luôn nhấn mạnh khi bạn bè hỏi về chọn ngành, chọn trường cho con là đừng chỉ nhìn cái tên ngành, hay xếp hạng của trường, mà phải đọc và hiểu phương pháp dạy và học được tích hợp trong chương trình và từng môn học, qua các mục tiêu học tập, hoạt động dạy và học cùng các phương pháp đánh giá.
Cùng những tên ngành na ná nhau, nhưng mục tiêu đào tạo, thành phần các môn học và các phương pháp khác nhau sẽ đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư rất khác nhau. Tất nhiên không phải ai cũng đọc hiểu được curriculum và syllabus. Thật là một mê cung đối với cả các bạn trẻ và bố mẹ của các bạn ấy.
Nếu bây giờ mình mới 15 tuổi và có năng lực, mình sẽ theo đuổi những ngành có nhu cầu cao trong thập kỷ tới, kết hợp với Khoa học máy tính và AI:
1. Năng lượng bền vững: Nghiên cứu, phát triển ra các loại pin và nhiên liệu thay thế cho xăng dầu, phục vụ cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
2. Vật liệu bền vững: Nghiên cứu, phát triển những vật liệu thay thế cho nhựa và những vật liệu gây ô nhiễm hiện nay.
3. Công nghệ Hàng không và Ô tô: Các phương tiện kết hợp đường bộ và hàng không sẽ chiếm lĩnh bầu trời như những con drone thông minh, vì vậy ngành Ô tô và Hàng không sẽ có những bước tiến ngoạn mục trong thập kỷ tới.
4. Kỹ sư robotics: Là ngành kết hợp Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa, Điện tử và Cơ khí.
5. Nông nghiệp và thực phẩm bền vững: Nghiên cứu, phát triển các công nghệ sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, hạn chế tác hại môi trường", TS Khanh nói.