Ngành công nghiệp sắc đẹp Trung Quốc thời 4.0: Hành trình nguy hiểm từ các app tư vấn 'đập đi xây lại' đến hàng chục lần nằm trên bàn mổ
Với sự bùng nổ của ứng dụng công nghệ, phụ nữ Trung Quốc có thể "thiết kế lại" khuôn mặt của mình rồi "đặt hàng" bác sĩ chỉnh sửa theo mẫu. Quá trình phẫu thuật chưa bao giờ nhanh chóng và tiện lợi đến vậy, thậm chí có người đã trải qua hơn 100 lần thẩm mỹ.
Wu Xiaochen được mẹ cho phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên vào năm 14 tuổi, thực hiện hút mỡ ở hai bắp đùi. Điều này đã khiến hệ miễn dịch của Wu phản ứng bất thường nên cô phải tiêm glucocorticoid - một loại hormone steroid để ngăn ngừa biến chứng.
"Khi đó tôi đã tăng cân rất nhanh và cảm thấy vô cùng khó chịu dưới da" - Wu nhớ lại. Hiện giờ cô đã 30 tuổi, là người mẫu kiêm doanh nhân ở Bắc Kinh. "Cuối cùng, tôi đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều".
Diện mạo thay đổi hoàn toàn của Wu Xiaochen từ lúc nhỏ, thời thiếu nữ và khi trưởng thành
16 năm kể từ lần phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên, Wu còn trải qua 100 ca tân trang nhan sắc khác, tổng chi phí lên tới 4 triệu tệ (hơn 13,2 tỷ đồng). Cô cũng trở nên tôn sùng các liệu pháp dao kéo và tự tay mở 2 viện thẩm mỹ ở Bắc Kinh. Nữ doanh nhân xác định lượng khách hàng tiềm năng của mình là vô cùng lớn.
Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn phẫu thuật thẩm mỹ để có đôi mắt to tròn, gò má cao, mũi thẳng và đôi chân thon gọn hơn. Cũng như Wu, không ít con gái xứ Trung mê mệt các hình tượng trong manga Nhật, các thần tượng K-Pop hay văn hóa phương Tây.
Năm 2014, có hơn 7 triệu người Trung Quốc đã đụng chạm dao kéo, theo Hiệp hội Tái tạo và Thẩm mỹ của nước này. Ba năm sau, theo số liệu của hãng tư vấn Frost & Sullivan, con số thực hiện phẫu thuật đã lên tới 16,3 triệu người.
Áp lực "không đủ xinh đẹp" thôi thúc hàng triệu người đụng chạm dao kéo
Wu Xiaochen lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Thẩm Dương - thành phố công nghiệp ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Từ thời trung học, Wu đã tìm hiểu nghệ thuật và muốn trở nên nổi tiếng. Cô mơ ước làm diễn viên hay người mẫu. Nhưng vấn đề là Wu thấy mình không đủ xinh đẹp, luôn muộn phiền về "đôi mắt nhỏ, khuôn mặt tròn".
Vì vậy sau lần phẫu thuật hút mỡ đùi, Wu đã được mẹ đồng ý cho tiếp tục lấy mỡ trên mặt, sau đó bơm silicone vào gò má để giúp tổng thể khuôn mặt gọn gàng và sắc nét hơn. Năm 16 tuổi, cô tiến hành nâng mũi, rồi gọt cằm V-line, nâng ngực, cắt mắt hai mí... "Cứ cách 2 đến 3 năm là tôi lại thẩm mỹ vài lần. Tôi đã thực sự nghiện dao kéo mất rồi" - Wu nói.
Một ca phẫu thuật thẩm mỹ của Wu Xiaochen
Cô gái ở Thẩm Dương không phải là trường hợp duy nhất. Hầu hết người phẫu thuật thẩm mỹ ở xứ Trung là phụ nữ trẻ, sống ở các thành phố vừa và nhỏ, theo số liệu của So-Yong năm 2019. Cụ thể, khoảng một nửa phụ nữ can thiệp thẩm mỹ ở Trung Quốc đều dưới 26 tuổi. Trong khi đó ở Mỹ, số bệnh nhân dưới 30 tuổi quyết định tút tát nhan sắc chỉ chiếm 6%.
Với thế hệ Z, phẫu thuật thẩm mỹ là con đường nhanh chóng để trở nên nổi bật và dễ cạnh tranh hơn khi hẹn hò, ứng tuyển việc làm. Giải thích về việc này, giáo sư Brenda Alegre từ Đại học Hong Kong cho biết: "Xã hội Trung Hoa vẫn còn mang nặng tính gia trưởng. Ngoại hình xinh đẹp sẽ bảo đảm cho bạn một việc làm và một tấm chồng yên ổn".
Văn hóa Internet cũng góp sức đáng kể để đẩy các cô gái trẻ lên bàn mổ. Những streamer xinh đẹp, quyến rũ phủ sóng khắp nơi có thể khiến người bình thường cảm thấy tự ti hơn về ngoại hình. Lại có thêm các ứng dụng chỉnh ảnh vi diệu như Meitu, khiến người ta muốn "hiện thực hóa" các lớp filter ngay trên khuôn mặt. Tất cả những yếu tố này thắp lên khao khát muốn cải thiện sắc đẹp, và có thể dẫn đến bước tiếp theo là tải về các ứng dụng chuyên tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ.
Các app tư vấn và nhiều chương trình khuyến mãi khiến phụ nữ trẻ xứ Trung càng muốn tân trang nhan sắc (Ảnh minh họa: Getty Images)
Một số chuyên gia cũng cho biết, làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc một phần là nhờ các ứng dụng như So-Young hay GengMei. Chúng mô phỏng cho mỗi cá nhân hàng loạt ảnh before - after, đặt lịch hẹn với chuyên gia và thậm chí là hỗ trợ vay nợ để lên đời nhan sắc.
"Ở Trung Quốc, rất khó để tìm được nguồn thông tin hữu ích về các cơ sở thẩm mỹ, nhất là tại các thành phố nhỏ" - Tony DeGennaro, đồng sáng lập Dragon Social hoạt động trong lĩnh vực phân tích dữ liệu thị trường, cho biết. "Bây giờ người ta không tin các kết quả tìm kiếm trên Baidu nữa, sau các vụ lùm xùm liên quan tới nền tảng này. Vì vậy đã dẫn tới sự ra đời của các ứng dụng smartphone".
Lướt và chạm để có một khuôn mặt mới - sức quyến rũ của các app thẩm mỹ
App kết nối giữa khách hàng và bác sĩ thẩm mỹ đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Cái tên sừng sỏ nhất là GengMei, sở hữu đến 36 triệu người dùng và kết nối tới 20.000 chuyên gia thẩm mỹ. Trong khi đó, app So-Young được tập đoàn Tencent hậu thuẫn cũng có 2,47 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng, kết nối hơn 6.000 chuyên gia.
Nói chung, các app này có thể mô phỏng liệu trình thẩm mỹ, giả lập ảnh before - after và cung cấp thông tin của từng bác sĩ phẫu thuật. GengMei còn được tích hợp khả năng phân tích cấu trúc khuôn mặt và chấm nhan sắc trên thang 100 điểm, dựa trên nhiều tiêu chí như mức độ sống động, cuốn hút và tính cân xứng. Từ đó, GengMei đề xuất các biện pháp hoàn thiện diện mạo, ví dụ như cắt mí hay bơm filler.
Các app tư vấn PTTM có thể chấm điểm nhan sắc của bạn
Thậm chí giả lập ảnh Trước và Sau khi phẫu thuật làm đẹp
"Thông qua GengMei, chúng ta có thể nắm được các thông tin chuyên môn về thẩm mỹ mà không cần rời khỏi nhà" - Wu nhận xét. "Nó còn có thể phản ánh sự phát triển của xã hội và các xu hướng làm đẹp mới".
Thậm chí, app này còn liên kết với ứng dụng cho vay Huabei của Alipay, thúc đẩy người dùng từ suy nghĩ đến thật sự hành động.
Phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc: Vẫn còn quá nhiều rủi ro
Trong những năm gần đây, truyền thông xứ Trung liên tục đưa tin về các trường hợp phẫu thuật hỏng và thậm chí bệnh nhân tử vong trên bàn mổ. Đa số các vụ việc diễn ra ở cơ sở thẩm mỹ nhỏ, không có giấy phép.
Bác sĩ phẫu thuật Stephanie Lam từ Hong Kong cho biết: "Một vài cơ sở đã sử dụng chất filler hay chống lão hóa kém chất lượng, bị nhiễm độc hay thiếu các thành phần cần thiết". Nữ bác sĩ đề cập đến một trường hợp năm 2016, khi nhóm bệnh nhân từ Hong Kong đến Trung Quốc tiêm thuốc chống lão hóa đã bị ngộ độc thịt - một chứng bại liệt hiếm gặp gây ra bởi botulinum toxin (botox). Cuối cùng, các bệnh nhân phải chuyển đến phòng chăm sóc tích cực do bị khó thở.
Bác sĩ Gordon Ma từ cơ sở tư nhân HKSH (Bệnh viện điều trị và điều dưỡng Hong Kong), cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp "sửa sai" cho các ca phẫu thuật khiếm khuyết. "Một số bệnh nhân sau khi cắt mí đã không thể khép mắt hoàn toàn, vì vậy chúng tôi phải phẫu thuật chỉnh hình lại" - bác sĩ Ma cho biết.
Bác sĩ Gordon Ma từng "cứu vớt" nhiều ca thẩm mỹ hỏng (Ảnh: Julie Zaugg)
Trung Quốc trong vài năm nay đã tiến hành xử lý nghiêm ngặt các cơ sở thẩm mỹ không đạt quy chuẩn. Ủy ban Y tế Quốc gia phát hiện được 2.772 ca phẫu thuật trái phép chỉ trong vòng 1 năm điều tra, kể từ tháng 5/2017. Kết quả là hơn 1.200 vụ việc đã bị khởi tố hình sự.
Bản thân Wu Xiaochen cũng từng trải qua không ít lần bị chỉnh sửa tai hại trong số hơn 100 ca mổ. Cô kể: "Một thẩm mỹ viện ở Bắc Kinh đã dùng cái khuôn hình chữ L định hình lại mũi của tôi. Nhưng họ căng da quá mức, đến nỗi sau đó tôi nhìn thấy ánh sáng xuyên qua phần mũi đó". Wu cho biết cô đã phải tiến hành sửa chữa và đã phục hồi từ sự cố này.
Để có được nhan sắc hiện tại, Wu đã trải qua hơn 100 lần phẫu thuật khuôn mặt và cơ thể. Không phải ca nào cũng thành công tốt đẹp!
Bất chấp những rủi ro, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về số ca thực hiện mỗi năm. Ứng dụng So-Yong ước tính, tổng doanh thu của thị trường thẩm mỹ Trung Quốc sẽ đạt tới mức 360 tỷ nhân dân tệ (52 triệu USD) vào năm 2023.
Người mẫu Wu Xiaochen cũng chỉ ra những bằng chứng hữu hình cho thấy sự phát triển nhanh của ngành trùng tu nhan sắc. "Cách đây 10 năm, tôi không quen biết nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ. Còn bây giờ lại khó tìm ra những ai chưa từng đụng chạm dao kéo".
(Theo CNN)