"Ngán" việc luyện thi xuyên ngày đêm, mẹ Việt lập kế hoạch tích lũy tài chính sớm cho con đi du học: Loạt kỹ năng không phải ai cũng biết
Chính những mặt trái trong việc luyện thi đã khiến chị Vân có suy nghĩ muốn cho con đi du học.
Là người Việt đang sống tại Tokyo, Nhật Bản gần 15 năm, chị Hồng Vân (38 tuổi), một bà mẹ 4 con cho rằng: Giáo dục Nhật Bản có rất nhiều điểm tích cực đáng khen ngợi, mà khi người nước ngoài nhìn vào sẽ phải trầm trồ thán phục. Ví dụ như, đề cao tính nhân văn, dạy trẻ tính tự lập, tính đồng nhất trong giáo dục, chú trọng vào giáo dục thể chất, trẻ em đến trường không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy cách làm người đối nhân xử thế.
"Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của mình, giáo dục của Nhật vẫn còn vài điểm hạn chế. Nhật Bản có một hệ thống học thêm dày đặc với các lò luyện thi, từ luyện thi kiểu tập trung cho đến luyện thi 1-1.
Mọi người vẫn nói giáo dục Nhật Bản không gây áp lực lên điểm số hay thi cử lên học sinh tại trường, cũng như không phân chia lớp theo học lực của học sinh vì cho rằng điểm số không phản ánh đúng khả năng của học sinh. Điều này đúng trong trường học.
Nhưng phần nhiều các phụ huynh Nhật vẫn chạy đua để đưa con đi học thêm từ sớm, với mong muốn con thi được vào 1 trường cấp 2 tốt, dù là cấp 2 vẫn thuộc diện phổ cập giáo dục của Nhật, nghĩa là được học lên thẳng theo tuyến mà không cần phải thi", chị Vân cho biết.
Theo chị Vân, ở Nhật chỉ có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi vào cấp 3 và đại học. Nhưng xu thế gần đây là nhiều gia đình cho con đi học thêm ở lò từ sớm, khoảng lớp 3 - 4 để luyện thi vào các trường cấp 2 công quốc lập hoặc tư thục tốt, hoặc những trường liên thông lên cấp 3 và đại học (để tránh 2 kỳ thi căng thẳng này).
Việc này vô hình trung khiến con cái chịu gánh nặng thi cử quá sớm. Cả ngày học chính, tối về lại học thêm. Những đợt học tập trung vào các kỳ nghỉ xuân, hạ, đông thậm chí còn phải đi xa cả tuần để học hoặc học ở trung tâm cả ngày. Một đứa trẻ mà sáng học chính khoá, chiều tối học thêm, đêm về làm bài tập thì còn rất ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao và học các kỹ năng khác.
Vì lý do đó, chị Vân đã quyết định không ép con đi học thêm từ lớp 3, 4 để thi vào cấp 2, mà chỉ cho con học trường đúng tuyến gần nhà, được quận chỉ định. "Cấp 1 mình muốn con có một sự phát triển toàn diện cả tinh thần lẫn thể chất. Cho con tham gia học nhiều môn ngoại khoá như đàn, vẽ, thể thao, cờ vua... để con khoẻ mạnh, có nhiều trải nghiệm và tìm ra sở thích đam mê cho mình", bà mẹ 4 con cho biết.
Vì cấp 3 bắt buộc phải thi nên dù mới lớp 8 nhưng con lớn nhà chị Vân đã bắt đầu đi học thêm luyện thi, học 1 tuần 4 buổi luyện thi 4 môn là Quốc ngữ, Toán, Anh, Xã hội và Lý Hoá. Mỗi buổi 2 tiếng từ 7h đến 9h tối. Luyện thi đã chiếm hầu hết thời gian, tuy nhiên chị vẫn cố gắng duy trì cho con học vẽ, đàn và cuối tuần đưa ra ngoài vận động.
Sang lớp 9 thì lịch học luyện thi sẽ dày đặc hơn nhiều. Luyện thi cấp 3 là vậy, luyện thi đại học theo chị Vân còn gắt gao hơn nữa. Có những trường hợp có bạn còn tình nguyện lùi lại 1 năm thi để ôn luyện cho chắc để vào được những trường đại học có ranking cao. Bởi tỷ lệ chọi của những trường top của Nhật rất cao và rất nhiều trung tâm đã đưa ra những lớp luyện thi đặc biệt để thi được vào những trường top. Nói chung cuộc đua để cho con thi được vào những trường cấp 2, 3, đại học tốt, xịn của Nhật rất kinh khủng.
Chính những mặt trái trong việc luyện thi ở Nhật đã khiến chị Vân có suy nghĩ muốn cho con đi du học đại học. Chị muốn hướng cho con đến học ở những nước với triết lý giáo dục khác với Nhật, mong muốn con sẽ có một thế giới quan khác hơn, rộng mở hơn, có thể trở thành công dân toàn cầu, không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nhật.
Chuẩn bị sớm về tài chính để con đi du học
Trước đây, chị Vân có ý muốn cho con đi du học ở Mỹ hoặc Úc với nền giáo dục tự do và tôn trọng sự phát triển cá nhân, nền giáo dục hiện đại chất lượng cao với những phương pháp giáo dục mang tính chủ động và trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu về học phí của một vài trường đại học ở Mỹ và Úc dành cho sinh viên nước ngoài, chị Vân thấy quá cao so với thu nhập của gia đình.
"Mình không bao giờ nghĩ đến việc vay tiền cho con đi du học để đổi đời, như vậy vừa tạo gánh nặng cho cha mẹ, vừa tạo áp lực lên con cái. Vì vậy mình đã chuyển hướng sang châu Âu. Lý do mình tạm lựa chọn nước Đức là bởi vì Đức sở hữu hệ thống giáo dục chất lượng cao và là một trong những nước đáng sống trên thế giới, con người lại thân thiện, và đặc biệt giáo dục Đức miễn phí đại học cho cả sinh viên quốc tế. Thêm nữa có nhiều trường đại học ở Đức có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên nước ngoài, nên con chỉ cần học tiếng Đức ở mức độ giao tiếp phục vụ sinh hoạt là được.
Đức cũng cho phép sinh viên đi làm thêm theo khung giờ quy định nên con có thể vừa học vừa làm thêm để trải nghiệm và thêm vào phí sinh hoạt. Học ở Đức con cũng sẽ có thể đi lại các nước trong liên minh châu Âu để trải nghiệm, mở mang kiến thức. Do nền kinh tế Đức phát triển mạnh mẽ và ổn định nên triển vọng việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp cũng cao. Nếu không muốn làm việc ở Đức thì con có thể về Nhật để làm cho các công ty nước ngoài, bởi lợi thế tiếng Anh sẽ tốt hơn so với sinh viên học tại Nhật, nên cơ hội việc làm sẽ cao hơn, thu nhập sẽ tốt hơn. Đó là những hướng đi mà mình đang hướng tới và cũng đã thảo luận với con", chị nói.
Hiện tại gia đình chị cũng đã thảo luận với con về những hướng đi sau này để vào đại học, và bản thân con cũng đang suy nghĩ, cũng không phản đối. Chị Vân cho rằng, trẻ ở độ tuổi 13, 14 cần có thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu. Ở độ tuổi này con đã có chính kiến của mình, và chị tôn trọng điều đó. Bố mẹ chỉ phân tích các hướng đi và con sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Mấy năm nay chị Vân bắt đầu đầu tư và tích luỹ, cụ thể là đầu tư vào bất động sản, mua cổ phiếu dài hạn, uỷ thác đầu tư kết hợp bảo hiểm nhân thọ và thu nhập thụ động từ việc cho thuê nhà. Thu nhập của gia đình chị Vân không sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ, mà chủ yếu sử dụng phương pháp 50/30/20 trong đó 50% cho sinh hoạt phí, 30% cho giáo dục giải trí và 20% cho đầu tư tích luỹ.
"Hiện tại 4 bạn nhỏ học cấp 1, 2 được miễn phí tiền học, chỉ tốn tiền ăn, sách vở ở trường và tiền học ngoại khoá. Mình đầu tư khá nhiều cho khoản này. Mỗi bạn mình đều cho học piano, vẽ, tiếng Anh và một môn thể thao, 2 bạn trai còn được học thêm lập trình. Ngoài ra bạn lớn bắt đầu đi học thêm ở juku (lò luyện thi ở Nhật) thì tiêu tốn khoảng 400 - 450 USD/tháng, chưa kể các khoản đầu vào, sách vở, các kỳ học tập trung Xuân Hạ Đông. Nếu cấp 3 con thi được vào trường công thì học phí sẽ rẻ, nếu vào trường tư thì học phí dao động trong khoảng 1000 - 1500 USD/tháng", chị nói.
Để con tự lập nơi xứ người, kỹ năng rất quan trọng
Ngoài việc chuẩn bị tài chính, theo chị Vân việc dạy con những kỹ năng mềm là việc không thể thiếu cho hành trình sắp tới. Từ những kỹ năng cơ bản phục vụ bản thân như tự giác dậy sớm, chuẩn bị đồ đạc hay tự nấu cơm rửa bát, giặt giũ dọn dẹp nhà cửa... chị đều hướng dẫn con làm. Từ bạn nhỏ đến bạn lớn đều được phân chia công việc gia đình tuỳ theo sức của mình để làm.
"Mình luôn nói với các con rằng: "Bây giờ các con thấy khổ vì bị mẹ bắt làm nhiều, nhưng sau này tất cả những việc ấy sẽ giúp ích cho các con trong cuộc sống rất nhiều. Đôi lúc trẻ có hơi tị nạnh lười biếng, nhưng cũng vẫn làm. Và quan trọng là mẹ phải luôn ghi nhận cố gắng của con, khen ngợi con kịp thời khi con đã hoàn thành được công việc", chị nói.
Ngoài ra chị Vân hay dành 1 phần trong thu nhập để đưa con đi du lịch nước ngoài, muốn con có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới. Đưa con đi tham quan một vài trường đại học nổi tiếng trên thế giới để khơi gợi trong con trí tò mò muốn khám phá. Muốn con đi du học ở nước nào thì nên đưa con đến nước đó để tham quan và trải nghiệm trước, để con có thể hình dung ra cuộc sống sau này nếu đi du học.
Ngoài những kỹ năng độc lập tự chủ, chị Vân còn muốn con rèn luyện thêm tính tư duy phản biện, logic hay tham gia một vài lớp học về tranh biện, thuyết trình. Chị đang tìm hiểu một vài lớp có dạy online ở Việt Nam. Ngoài ra chị sẽ hướng dẫn con cách sử dụng những phần mềm phục vụ học tập, tra cứu, làm tài liệu. Kỹ năng quản lý và sử dụng thời gian hiệu quả cũng là điều chị luôn dạy con. Bởi càng lớn khối lượng bài bài tập càng nhiều, nếu con không có kỹ năng này thì sẽ luôn rơi vào tình trạng quá tải, không có thời gian để nghỉ ngơi vận động.
"Mình cũng dạy con về tiền, cách sử dụng quản lý tiền, phân biệt cái nào đắt rẻ, có giá trị hay không có giá trị, giá trị của đồng tiền thông qua sức lao động, giới thiệu qua về gửi tiết kiệm, lãi suất hay kể cho con nghe về đầu tư tài chính (những cái mình đang thực hiện). Trong những bữa cơm gia đình mình cũng hay cùng con chia sẻ về những kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, bao dung sẻ chia với người khác hay những công việc thiện nguyện bản thân có thể làm được. Bữa ăn gia đình là thời gian cả nhà cùng thảo luận và thấu hiểu nhau hơn.
Mỗi ngày dạy một chút, mưa dầm thấm lâu và hy vọng là có thể trang bị đủ cho con những kỹ năng cần thiết cho hành trình sắp tới của con trong tương lai", bà mẹ 4 con chia sẻ.