Ngán ngẩm trước lịch trình 1 ngày toàn chơi với ngủ của osin "VIP" lương 5 triệu/ tháng
Hiếm thấy có người giúp việc nào vụng về và ngại làm việc nhà như "cựu" giúp việc nhà chị Bấm, dù hưởng lương gần 5 triệu/tháng.
Chị Lê Bấm, một người mẹ hai con đang sống ở chung cư mới đây vừa sa thải người giúp việc của mình, sau hơn một năm gắn bó. Chị chia sẻ, đó là "đời" giúp thứ ba chị thuê từ khi sinh em bé thứ hai. Do tính chất công việc kinh doanh của hai vợ chồng đều bận rộn, cả tuần không có ngày nghỉ, chị phải "cầu cạnh" đến osin, nhưng chỉ gặp những chuyện khổ vì osin.
Gia đình chị Lê Bấm ở chung cư, chỉ hai vợ chồng và hai con nhỏ, nhưng không vì thế mà dễ tìm giúp việc.
Gần 5 triệu thù lao vẫn không tìm được giúp việc ưng ý
Giúp việc đầu tiên được thuê là khi em bé nhỏ của chị được 2 tháng, thuê một người qua trung tâm môi giới. Người này có kinh nghiệm, đi Đài Loan về, làm việc rất ổn với mức lương 5 triệu/tháng. Nhưng chỉ đúng 1 tháng, bà ấy nghỉ cùng với thưởng Tết và chị mất luôn 1 triệu tiền môi giới.
Người thứ hai đến làm cho gia đình chị qua người giới thiệu. Sau 1 tháng, chị để ý thấy tối tối, khi bố mẹ về, bé nhỏ cứ buồn thiu, kiểu như tủi thân và sợ hãi. Hóa ra, vì bé không chịu ngủ mà chỉ thích chạy chơi, bà giúp việc đã liên tục quát mắng bé. Và chị đành để bà này ra đi.
Nhà của chị Bấm dưới thời không có osin, một tay mẹ bầu vừa chăm con vừa dọn nhà.
Khủng hoảng vì không thể vừa lo việc nhà vừa làm việc, chị đặt yêu cầu tìm giúp việc thấp xuống: chỉ cần trông được em bé mà không quát mắng là được, không cần dọn nhà, lương không phải nghĩ. Và chị tìm được một người "vụng tứ bề", chậm chạm, không biết nấu ăn, không biết dọn dẹp.
Thở dài, chị kể: "Quần áo thì chỉ việc tống vào máy giặt, nhưng thay vì giặt, bà toàn vặn chế độ sấy khô, làm quần áo không những không hết bẩn mà còn hôi. Mình mua miếng thịt dải ngon lành, dặn bà ấy rán thì về nhà thấy đĩa thịt đen sì, hóa ra bà cắt nhỏ thịt bằng đầu ngón tay rồi rán đến mức khô quắt lại, ăn như nhai rơm.." Bà chỉ có một ưu điểm duy nhất là trông trẻ được, và vợ chồng chị trả 4,7 triệu để bà trông em bé, còn hàng tuần, chị phải thuê người đến dọn dẹp tổng vệ sinh nhà cửa.
Bé nhỏ nhà chị chơi với mẹ, trong khi giúp việc... xem ti vi.
Tuy nhiên, ở được vài tháng thì chị Bấm phát hiện ra, bà giúp việc này không biết chăm sóc trẻ. "Nhà mình hai đứa, không đứa nào theo bà ấy cả. Từ bé đến lớn, tự hai vợ chồng mình tắm rửa cho con, đi tè, đi ị, thay bỉm... bà không phải đụng vào.
Bé nhỏ nhà mình thì cứ bố mẹ đi làm về là bám chặt lấy, hóa ra con bé nhìn thấy bà là sợ vì bị ép ăn. Bà ấy nấu 1 lần cháo cho ăn 3 bữa, nếu bữa này bé bỏ ăn, bà ấy để nguyên đấy, bữa sau hâm lại để bé ăn tiếp. Mình nói nhiều lần, yêu cầu bà thay cháo bắng súp, bằng bún, bằng phở, bánh mỳ... cho bé đỡ chán thì chỉ được 1-2 hôm lại quay về cháo, nấu một bữa ăn cả ngày.
Có bé thấy mẹ về là hớn hở ra mặt, và rất sợ giúp việc vì bị bà ép ăn.
Đã thế, có đợt bà ấy còn ham đi kiếm đồng nát quanh khu chung cư, bế cả con mình theo. Mình thương con, sợ cấm thì bà ấy nghỉ việc nên đành cho bà ấy thêm 200.000 đồng/tháng để bà ấy không tha con mình đi nhặt đồng nát nữa. Mình thấy tình hình không ổn nên con được 15 tháng, mình phải cho con đi học".
Lịch trình một ngày toàn chơi với ngủ của osin "VIP"
Nhà vẫn cần người giúp việc để ở nhà cơm nước, dọn dẹp và trông trẻ vào buổi tối và cuối tuần, thành thử chị vẫn giữ bà ấy lại với mức lương không thay đổi. Nhưng sau 1 tháng bà giúp việc chuyển sang "vị trí" mới, chị Bấm "tố": "Ngày nào về nhà, đập vào mắt mình là nhà cửa mốc meo, dọn dẹp qua loa, quần áo tung tóe, cơm nước qua quýt, có hôm mình về còn chưa nấu nướng dọn dẹp gì, mình phải chạy đi mua đồ ăn ngoài và tự dọn dẹp đến đêm mới xong. Nhắc nhở thì mặt bà ấy khó chịu, rồi đi nói xấu mình với các bà giúp việc khác ở toà nhà.
Check camera mới thấy lịch "làm việc" của bà ấy như thế này:
- 9h30 đi chợ (mua được 1 mớ rau cải), 11h mới về đến nhà
- 11h về nhà là có ngay đồng hương của bà ấy, dắt theo 1 đứa trẻ đến chơi nhà, thoải mái lục lọi đồ đạc.
Bà giúp việc cho người lạ vào nhà chủ lục lọi đồ đạc, ghế sô-pha vẫn bề bộn chăn và quần áo.
- Sau khi buôn chuyện với đồng hương thì đến tiết mục buôn điện thoại, sau khi buôn điện thoại là xem ti vi (ngồi trên đống hỗn độn bừa bộn xung quanh)
- Sau khi xem ti vi thì bà tiếp thêm một lượt khách nữa là giúp việc của hàng xóm.
- 12h thưởng thức bữa trưa trên đống hỗn độn salon, đồ đạc khắp phòng.
- Đi ngủ trưa đến 14h
- Vẫn không dọn dẹp gì, ngay cả chỗ ngủ đêm hôm trước của chính bà ấy! Nằm xem phim say mê cho đến tận 15h kém (trong khi vợ chồng mình cong đít ở công ty làm để trả lương cho bà ấy 4,7tr/tháng)
Bà giúp việc hồn nhiên nằm xem tivi đến chiều mà không có ý định dọn dẹp.
- 15h, ăn bữa chiều.
- 17h mới bắt đầu đi dọn dẹp qua loa nhà cửa cấp tốc (chắc sợ chủ nhà về).
Kết quả là phòng khách lúc 18h cũng được thu gọn tạm ổn, nhưng phòng ngủ quần áo bừa bãi, lung tung, rau chưa nhặt, chỉ có mỗi nồi cơm đã cắm."
Gần đến giờ chủ nhà về, giờ làm việc của osin mới bắt đầu.
Sau nhiều lần ức chế, chị Bấm quyết định cho bà ấy nghỉ việc và trả đủ 1 tháng lương, dù bà mới làm 22 ngày. Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định sa thải, bà giúp việc này lập tức nói xấu chị với một loạt người giúp việc khác trong cùng tòa nhà, thậm chí còn "cảnh báo" một người khá thân với gia đình chị rằng chị.. không thực sự quý mến người đó.
Nếu coi thường nghề giúp việc, họ sẽ không bao giờ trở thành quản gia
Sau nhiều lần "gặp nạn" với người giúp việc, chị Lê Bấm cho rằng, có lẽ chị cưng chiều và dễ dãi với giúp việc quá, lúc nào cũng sợ người ta khổ hoặc tự ái mà bỏ đi thì không ai hỗ trợ mình việc nhà.
Chị tâm sự: "Thực sự, lương của giúp việc tính ra cao hơn nhân viên có bằng đại học ở công ty mình. Mấy bạn nhân viên kinh doanh lương cũng chỉ 5 - 6 triệu mà phải thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, trong khi giúp việc nhà mình ăn ở không mất, sinh hoạt không phải lo tí gì, lương gói gọn gần 5 triệu, Tết thoả thuận thưởng 1 tháng lương. Tết năm vừa rồi, bà ấy làm chưa được 1 năm, vợ chồng mình vẫn thưởng đủ. Thế mà khi đưa tiền cho bà ấy gần 10 triệu, bà ấy đếm đếm xong bảo: "Thế không cho cô tiền về à?", chồng mình lại đưa thêm 200.000 đồng. Mà một tháng, hết ông cậu ốm lại đến ông bác mất rồi tháng này đầu tháng về giỗ, cuối tháng về cưới, cứ thế, mỗi lần nhà mình lại cho tiền. Vậy mà cũng không yên!"
Căn nhà gọn gàng, đẹp đẽ như thế này chỉ còn trong... ký ức.
Chị Lê Bấm bày tỏ suy nghĩ, việc rất nhiều gia đình ở thành phố cũng gặp cảnh tréo nghoe với osin, không mấy khi hai bên hòa hợp, đó là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, người giúp việc và gia chủ không cùng thế hệ. Thường những người giúp việc là những người từ 40 - 65 tuổi, lứa tuổi cần người giúp việc thì lại từ 22-35 tuổi. Giữa chủ nhà và giúp việc có sự khác nhau về thế hệ nên khó hoà hợp.
Vấn đề thứ hai là học thức và văn hóa. Chị Bấm cho rằng, những người đi giúp việc thường là nông dân ở quê ra, trong khi những người cần giúp việc thường là công nhân viên chức. Chị nhấn mạnh, yếu tố học thức và văn hóa mà chị nói tới không phải là phân biệt hay khinh thường người ít học, mà đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giúp việc khan hiếm. Tâm lý của nhiều người, kể cả những người đang làm nghề coi giúp việc là một việc tầm thường, không được đánh giá cao, nên những người có bằng cấp hay trẻ tuổi không mấy ai chịu làm nghề này, dù lương có cao hơn lương nhân viên văn phòng bình thường. Chính vì thế, thị trường giúp việc mới khan hiếm, và những người chọn làm giúp việc thường là người nông thôn trung tuổi.
Bản thân họ không có ý thức trau dồi nghề nghiệp, học để làm giúp việc chuyên nghiệp, hay đúng hơn là làm quản gia cho các gia đình thành phố, để công việc trôi chảy, thuận lợi và kiếm được nhiều tiền, người trả tiền cũng thỏa mãn. Tâm lý "ăn xổi" khiến nhiều người coi đó là một việc làm qua ngày trong lúc nhàn rỗi, nên không chuyên nghiệp.
Chị quyết định từ nay chỉ thuê người giúp việc theo giờ để tránh những chuyện khổ vì osin.
"Tôi biết, ở nước ngoài và gần Việt Nam nhất là Philipin, họ tuyển giúp việc phải có bằng đại học và còn trẻ tuổi với mức lương rất cao, mục đích là để con họ được tiếp xúc với người có học thức, có kiến thức, biết cách giao tiếp ứng xử ngay từ khi con họ còn nhỏ. Ngôi nhà cũng được chăm sóc bởi bàn tay chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam, hình như các bố mẹ trẻ chưa chú ý điều đó, mà có chú ý cũng khó chọn được người quản gia như ý" - chị phân tích.
Mẹ hai con này nói thêm, lý do thứ ba khiến người giúp việc ít khi làm lâu bền với một gia đình, đó là do bản thân họ "kiêu", có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, không làm được ở đây thì đầy chỗ ngon hơn và kén chọn chỗ lương cao để nhảy việc. Chị cho rằng, người giúp việc làm việc chỉ đơn thuần lấy đồng lương, không làm vì cái tâm, không làm vì trách nhiệm, vì yêu nghề lại càng không.