Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn ở Ngân hàng SCB
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB.
Sáng nay (8/10), Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo báo chí liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Theo Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 7/10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về SCB, dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
Về việc này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn ở SCB, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Trong ngày 7/10, nhiều người dân đã đến SCB rút tiền, sau khi ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đột ngột qua đời vào tối ngày 6/10. Ông Nguyễn Tiến Thành cũng là thành viên Hội đồng quản trị độc lập Ngân hàng SCB.
Ngân hàng SCB hiện có vốn điều lệ lên đến 20.231 tỷ đồng, với tổng tài sản 761.177 tỷ đồng, tính đến 31/3/2022. Nữ đại gia Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính, đang sở hữu Ngân hàng SCB.
Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB là ông Bùi Anh Dũng. Trước khi giữ chức vụ này, ông Dũng từng làm phó trưởng phòng Thanh toán quốc tế, trưởng phòng Kinh doanh đối ngoại, phó Giám đốc, Giám đốc chi nhánh… Từ ngày 29/5/2020, ông Dũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB. Đến ngày 25/2/2021, ông Dũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB.
6 tháng đầu năm, SCB đạt lợi nhuận trước thuế 718 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, mang về 2.479 tỷ đồng. Các mảng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan sau 6 tháng như lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 454%; từ kinh doanh ngoại hối tăng 8%; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng 413%.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của SCB đạt 761.177 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,1% đạt 389.792 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 16,1% đạt 594.630 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu sau 6 tháng của ngân hàng giảm 4% còn hơn 3.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,1% cuối năm trước về 0,98%. Ngân hàng hiện có hơn 58.678 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC nhưng chỉ mới trích lập dự phòng được 14.798 tỷ đồng.