Ngân hàng: Lãi suất thực bị âm
“Người dân gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng giữ hộ thôi, còn muốn tốt hơn thì đi kinh doanh" là luận điểm đang gây tranh cãi mấy ngày nay.
Trong suốt 1 tuần qua, hình ảnh quen thuộc tại các ngân hàng là tấm bảng thông báo 14% - lãi suất huy động. Một hình ảnh đã quá quen thuộc từ vài năm nay. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ thậm chí còn 3 lần ra chỉ thị buộc đưa mức lãi suất huy động xuống 10-12%. Năm ngoái, lãi suất đã không thể "về" mức 10-12%. Năm nay có lẽ cũng không phải là ngoại lệ.
Trả lời báo chí vài tuần sau khi nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng “định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương”. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh: “Trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát”. Phát biểu của ông thực sự gây sốc cho giới nghiên cứu tài chính và những người dân đang có tiền gửi ở ngân hàng.
TS Vũ Đình Ánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu trên Thời báo Kinh tế Việt Nam rằng ông bị sốc. Không thể lập luận như Thống đốc là "người dân gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng giữ hộ thôi, còn muốn tốt hơn thì đi kinh doanh”- ông Ánh phản biện luận điểm của Thống đốc.
Lãi suất ngân hàng đang âm ??
Lãi suất tiết kiệm, thực chất cũng là một loại giá: Giá vốn. Nói một cách giản dị, người dân có tiền không biết đầu tư vào đâu mới đem gửi ngân hàng để lấy lãi. Và lãi suất tiết kiệm phải cao hơn mức lạm phát để bảo đảm cho lãi suất thực dương. Nếu lãi suất tiết kiệm thấp hơn lạm phát thì lãi suất thực sẽ mang dấu âm, tức là không có lãi suất thực.
Dù sau đó, Thống đốc đã "cải chính miệng", cũng chấp nhận rằng "các nhà báo đã hiểu sai" ý ông nhưng chính sách hạ nhiệt lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện cho thấy đang biến lãi suất tiền gửi thành "thực âm". Nhìn nhận con số lãi suất huy động 14% mà Ngân hàng Nhà nước đang khống chế, và lạm phát, tính đến tháng 8, đã lên tới 23,2% thì có thể thấy rằng không ai dại gì đem tiền gửi ngân hàng.
Câu hỏi đặt ra, không phải là việc hạ lãi suất là đúng hay sai, bởi sự khốn khó của doanh nghiệp đã quá đủ để ví dụ, mà là phải làm thế nào để lãi suất nằm trong sức chịu đựng của doanh nghiệp trong khi người dân vẫn có lãi để mang tiền tới ngân hàng.
Câu trả lời nằm ở tỷ lệ lạm phát. Sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc giảm lạm phát. Rất nhiều kỳ vọng hạn mức lãi suất 17% sẽ là chiếc phao cho doanh nghiệp, là bước ngoặt của nền kinh tế. Nhưng nếu lãi suất cứ giữ ở mức huy động 14%, trong khi lạm phát không hạ nhiệt, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng từ chỗ các ngân hàng thừa tiền nhưng không thể cho vay vì lãi suất cao, sẽ chẳng còn xu cắc nào cho vay vì không huy động được tiền gửi.
Một mức lãi suất, khi được quyết định phải căn cứ vào quyền lợi của cả người vay lẫn người gửi chứ không thể chỉ căn cứ vào ý chí chủ quan của người ra quyết định. Chưa kể tới việc lãi suất danh nghĩa thấp hơn lạm phát có thể làm trầm trọng thêm việc tăng giá khi người dân thà mang tiền mua hàng còn hơn chịu đựng mức lãi suất âm khi gửi nhà băng.
Nhãn tiền đã có thể thấy dòng tiền đã chuyển hướng sang chứng khoán, sang vàng - những kênh "tiết kiệm" không "thực âm".