Ngẫm từ vụ cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng: Làm sai vai trò nhà giáo

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

“Cắt tóc học sinh ngay giữa bục giảng, đấy không phải là vai trò của cô giáo. Cô giáo là thực hiện các bài giảng, trao đổi chia sẻ và định hình những nguyên tắc cũng như thái độ của học sinh”- Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà nêu quan điểm.

Nhắc nhở nhiều lần học sinh vẫn chưa chịu thay đổi, một cô giáo tại Vĩnh Phúc đã tự ý cắt tóc của em này trên lớp học, gây ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Vụ việc nữ sinh Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bị cô giáo cầm kéo cắt tóc ngay giữa lớp học đang khiến dư luận xôn xao.

Không ít người cho rằng, giáo viên vì muốn tốt cho học sinh, mục đích để nữ sinh thực hiện đúng nội quy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, cô giáo đã thiếu tôn trọng, hành vi trên sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Chiều 23/3, ông Phạm Khương Duy, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã làm việc với trường THPT Đội Cấn, cô giáo Lê Thị Hương Lan (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A10, người cắt tóc nữ sinh) và gia đình học sinh L.N.L.P - nữ sinh bị cắt tóc tại lớp.

“Tại buổi làm việc, cô trò đều nhận ra lỗi sai, ôm nhau xin lỗi trước sự chứng kiến của cả lớp. Gia đình học sinh cũng đồng ý bỏ qua cho cô giáo, khép lại sự việc. Hiện tâm lý cô trò ổn định, chuẩn bị quay trở lại dạy và học bình thường", ông Duy nói.

Sau sự việc, giáo viên nhận thức cách hành xử của mình đi quá giới hạn, ngược lại các quy tắc ứng xử của trường. Học sinh cũng nhận ra lỗi sai khi không chấp hành nội quy của trường.

Nhiều người không đồng tình, cho rằng đó là hành động phản giáo dục, xâm phạm thân thể học trò. Nhưng cũng nhiều độc giả lại đồng tình với hành động của nữ giáo viên vì họ cho rằng thầy cô không mạnh tay, trò sẽ không ngoan. Vì nếu cô không làm vậy thì làm sao có thể để con không tái phạm lần sau.

Cô N.T.B, Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, trước đây học sinh phạm lỗi thầy cô đánh phạt, thậm chí ném phấn... đó là sự giáo dục nghiêm khắc mà giờ đôi khi học sinh nhớ lại thường kể với nhau.

Tuy nhiên, với 1 bạn tuổi teen, bị cắt tóc trước đám đông là sỉ nhục nặng, có thể ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ: “Tôi cho rằng, cô giáo đã xử lý thiếu tính giáo dục, nhân văn trong tình huống này. Là giáo viên thì không được phép làm điều đó. Giáo viên là dạy học sinh chứ không phải để trừng phạt học sinh”- vị hiệu trưởng này cho biết.

Cô N.T.B cho rằng, giáo dục mà chỉ lo kiểm soát, bắt lỗi chỉ khiến trẻ kháng cự. Giáo viên đã sai khi chưa thực sự thấu hiểu dẫn đến hành động thiếu tôn trọng học sinh.

“Nhà trường là không chỉ học văn hóa mà còn học cả làm người. Cô giáo làm như vậy thì học trò có phục không hay lại ngấm ngầm chống đối”- vị hiệu trưởng này nói.

Giáo viên cần kiên nhẫn với học sinh hơn là thách thức

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, ở lứa tuổi teen, các con khám phá, tìm hiểu về bản thân, có nhu cầu về sắc đẹp là có và không phải đứa trẻ nào cũng nhận ra việc làm của mình đúng hay sai.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý này, càng có quy tắc khắc nghiệt sử dụng với các con thì các con càng chống đối và đặc biệt nhất là nguyên tắc không được giải thích, chia sẻ và được ốp luôn thì các con sẽ cảm thấy khó chấp nhận được.. Trong đó mong muốn được thể hiện bản thân, mong muốn thể hiện cái đẹp quá lớn. Đôi khi các em không hẳn hướng tới cái đẹp đâu mà sự trải nghiệm để tìm ra cái của riêng mình nên luôn là sự thúc đẩy và khao khát được làm điều mình thích.

“Vấn đề ở đây chúng ta cần có định hình và đưa ra nguyên tắc trong việc giáo dục trẻ, các nguyên tắc ấy cần có sự trao đổi chia sẻ và củng cố hàng ngày, có sự cảm nhận giữa các giáo viên và học sinh. Nếu học sinh không thực hiện điều đó một cách nghiêm túc thì trước khi có hành động cần có cuộc ngồi nói chuyện để chia sẻ, trao đổi với học sinh, khuyên nhủ và kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thực hiện đúng nguyên tắc của nhà trường”- bà Hà nói.

Bà Hà chia sẻ, chúng ta nên làm như vậy hơn là thách thức và sử dụng các nguyên tắc với tâm lý học sinh bởi vì các con chưa đến tuổi trưởng thành nên có thể hành động còn nhiều cảm tính và khi cảm tính thì các con sẽ hoạt động theo cảm xúc hơn cả lí trí.

“Vì vậy, giáo viên cần lắng nghe học sinh. Việc thực hiện quá khắc nghiệt để đạt muc tiêu của mình nhưng lại làm các học sinh sẽ bị tổn thương. Khi đó, học sinh sẽ không có sự thấu hiểu các nguyên tắc và làm cho nguyên tắc có thể xa hơn, nghĩa làm sai nhiều hơn, chống đối nhiều hơn”- Bà Hà nhấn mạnh.

Bà Hà đồng tình, ở trường phải có quy tắc chung, điều đó cũng thể hiện sự không phân hóa, phân biệt học sinh này với học sinh khác. Nhưng hơn ai hết, giáo viên phải hiểu ở lứa tuổi cấp 2 và cấp 3 các em rất muốn thể hiện và trải nghiệm bản thân để tìm ra cái đẹp của riêng mình nên con có thể các hành động như nhuộm tóc, tô son. Ở trường hợp đó giáo viên nhà trường vừa phải giữ các nguyên tắc nhưng vẫn phải trao đổi với các con hiểu vấn đề đúng.

“Cắt tóc học sinh ngay giữa bục giảng, đấy không phải là vai trò của cô giáo. Cô giáo là thực hiện các bài giảng, trao đổi chia sẻ và định hình những nguyên tắc cũng như thái độ của học sinh”- bà Hà nêu quan điểm.

Trước đó, tối 22/3, dân mạng chia sẻ rất nhiều về video ghi lại hình ảnh cô giáo ở Trường THPT Đội Cấn, H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc dùng kéo cắt tóc của một nữ sinh ngay trên bục giảng. Ngay sau khi video được lan truyền, cộng đồng mạng đã lên tiếng chỉ trích hành động của nữ giáo viên.

Theo đó, cô giáo vừa cắt tóc nữ sinh vừa nói: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước". Khi bị cô giáo cắt tóc, nữ sinh đã hoảng hốt quay lại nói "tóc em có vàng đâu" thì cô giáo tiếp tục: "Đứng yên đấy! Vàng hay không đó là việc tôi quy định rồi. Em đừng có lý do lý trấu".

Dù nữ sinh và nhiều học sinh khác liên tục mong và xin cô giáo dừng nhưng cô giáo vẫn kiên quyết với hành động của mình, đồng thời cho rằng: "Hôm nay tôi cảnh cáo chỉ như thế này. Lần sau tôi cắt thật nhiều chứ không phải thế này đâu".

Chia sẻ