Ngắm khoảnh khắc tuyệt đẹp trong "Cánh đồng bất tận"

,
Chia sẻ

Những hình ảnh rất bình dị của vùng quê miền Tây Nam Bộ đã được chuyển tải vào “Cánh đồng bất tận” một cách chân thật và đẹp đến nao lòng.

Trước khi được trình chiếu, trailer của bộ phim đã được ra mắt khán giả. Những hình ảnh rất bình dị của vùng quê miền Tây Nam Bộ đã được chuyển tải vào “Cánh đồng bất tận” một cách chân thật và đẹp đến nao lòng.
 
Bộ phim được khởi quay tại 3 tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp và Long An. Qua mỗi khuôn hình, đời sống người dân miền Tây hiện lên thật gần gũi và nên thơ với dòng sông, bến nước, con đò… hay hình ảnh những cánh đồng trải dần bất tận đến chân trời như hành trình của những kiếp người.
 
 
Dựa trên giọng văn miêu tả sâu sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim “Cánh đồng bất tận” nổi bật lên với những khung hình nghệ thuật về cuộc sống miền sông nước trong giai đoạn hiện nay.
 
Những năm trước đây, cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ còn khá khốn khó. Những cánh đồng xác xơ gốc rạ, từng đàn vịt tranh nhau kiếm tìm những hạt lúa rơi vãi hay những bọn ếch nhái, cào cào, châu chấu….
 
Ông Võ cùng hai đứa con dẫn đàn vịt “cơm áo gạo tiền” của mình đi từ đồng này sang đồng khác, trong sự đe dọa của nạn dịch lẫn sự truy đuổi gắt gao của cán bộ kiểm dịch. Nỗi cay đắng tức tưởi của ông Võ khi bị vợ phụ bạc “vón” thành “cục”, xé nát tâm hồn của một người đàn ông rắn rỏi và tràn đầy lòng yêu vợ, khiến ông trở nên cộc cằn đến mức hai đứa con đã đến tuổi trưởng thành “sợ cha như sợ cọp”. Xót xa hơn là nỗi sợ hãi đó khiến cho hai đứa con ông có một đời sống tinh thần lập dị, bất thường.
 
 
Một ngày kia, chiếc thuyền bé nhỏ của họ bất đắc dĩ cưu mang thêm một người phụ nữ - cô gái làm điếm tên Sương - bị dân làng đánh tơi tả. Nỗi hận phụ nữ đau đáu trong ông Võ không trụ nổi trước nét lả lơi của một cô gái chuyên nghề bán hoa.
 
Người phụ nữ này đã đem hết sức mình: sự nhịn nhục, tình yêu thương lẫn sự hi sinh về thân xác để bảo vệ cho tổ ấm nhỏ nhoi nơi đồng không mông quạnh với một chút hi vọng mong manh, thầm kín. Thế nhưng, tất cả sự hi sinh ấy không thể nào xóa tan được nỗi đau, nỗi hận trong lòng ông Võ.
 
Đớn đau thay là cậu con trai của ông Võ lại xao xuyến trước Sương. Đứa con gái của ông Võ là Nương lặng lẽ chứng kiến cảnh cha tàn nhẫn bỏ từng người phụ nữ và bất lực nhìn em mình “lao” theo Sương. Liệu cuộc đời cô có khá hơn không, khi bọn lưu manh vốn căm ghét ông Võ luôn rình rập gia đình này. Tất cả như một đàn vịt bị lùa vào ngõ cùng.
 
 
Số phận của con người dường như làm cho cảnh vật cũng hoen màu héo úa, những gốc rạ xơ xác, đồng không cỏ cháy hay những cánh sen chưa kịp khoe sắc đã tả tơi.
 
Hình ảnh chiếc thuyền nhỏ lướt đi nhẹ nhàng trên mặt sông tĩnh lặng khiến chúng ta nghĩ về nhiều điều. Liệu sự di chuyển này có giúp cuộc sống của họ êm đềm hơn hay đó mãi chỉ là những cuộc hành trình dài bất tận?
 
 
Chiếc thuyền nhỏ chở gia đình ông Võ lướt sóng êm đềm.


 
Dòng sông vắt ngang cánh đồng cỏ đầy nên thơ.

 
Nhân vật Sương đứng trước con đường dài bất tận không điểm dừng cho số phận của mình


 
Hai người phụ nữ và những hoài thương về số phận.


 
Nhân vật Sương trầm mình giữa cánh đồng sen tả tơi
cũng như số phận của cô.


 
Dưới nắng chiều ông Võ và Sương đã có
những giây phút thật lãng mạn.


Theo Nguoi noi tieng

Chia sẻ