Ngắm hình ảnh các cô gái Chăm dệt vải, cả trời xuân bỗng chốc thu bé lại bằng một miền Tây dịu nhẹ

Thiên Kim - Diệu Quí,
Chia sẻ

Khung cảnh náo nhiệt, đặc trưng miền quê tô điểm lên hình ảnh duyên dáng của cô gái Chăm ngồi bên khung dệt chắc chắn sẽ “đốn tim” của những ai mới đặt chân đến nơi này.

Một ngày đầu năm, men theo con đường xanh miên man màu lúa từ TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), chúng tôi đến trung tâm xã Đa Phước (huyện An Phú).

Dọc hai bên đường, phụ nữ Chăm trong chiếc xà rông, đầu đội khăn thướt tha bước đi giữa màu vàng rực hoa mai.

Chầm chậm qua mấy ngôi nhà sàn nằm san sát nhau, vẫn là hình ảnh những cô gái Chăm nhưng giờ đang miệt mài bên khung cửi dệt vải.

Ngắm hình ảnh các cô gái Chăm dệt vải, cả trời xuân bỗng chốc thu bé lại bằng một miền Tây dịu nhẹ - Ảnh 1.

Nhà sàn, hình ảnh thân thương tại làng Chăm Đa Phước (An Giang).

Dệt vải ngày xuân

Sáng mồng 1 Tết, vợ chồng chị Sariyah - quanh năm lênh đênh trên ghe nhỏ - trong bộ trang phục truyền thống khá tươm tất lần lượt đi thăm cha mẹ hai bên, họ hàng rồi ghé thăm từng gia đình trong xóm.

Sau đó họ trở về tiếp đón bà con, khách quen đến thăm, chúc Tết. Các con của chị xúng xính trong trang phục mới tung tăng cùng chúng bạn đi chơi xuân, đến thăm bà con ở những làng Chăm khác.

Người Chăm hiếu khách, hiền hoà.

Mùa Tết năm nay, chị Kha Run (23 tuổi) "vô mánh" khi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Chị cho biết ngày thường không bán được nhiều, nhưng Tết đến thì nhiều phụ nữ đến đặt may trang phục cưới và một số phụ kiện làm thủ công.

"Tết đến thì bán hàng chạy lắm, nhất là mấy bộ đồ cưới, rồi thêm phụ kiện cô dâu nữa. Ở đây người Chăm hay chọn dịp Tết làm đám cưới vì lúc này có đầy đủ bà con họ hàng đi làm ở xa về", chị nói.

Được biết, ngoài Tết Ramadan đặc trưng của dân tộc Khmer thì từ lâu, Tết Nguyên đán của người Kinh cũng đã trở thành lễ hội lớn của đồng bào Chăm.

Những đứa trẻ người Chăm đáng yêu.

Người Chăm thường qua lại thăm hỏi, chúc mừng nhau ngày Tết. Họ cùng ăn bánh, uống trà, chị em phụ nữ gặp nhau buôn chuyện nội trợ, con cái hay công việc buôn bán, chứ tuyệt nhiên không uống rượu bia.

Với kinh nghiệm 7 năm dệt vải, Kha Run cho biết, phụ nữ ở đây thường sống bằng nghề dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của làng. Và Kha Run được mẹ truyền lại nghề, bắt đầu từ những thao tác đơn giản nhất của nghề tác dệt.

Ngắm hình ảnh các cô gái Chăm dệt vải, cả trời xuân bỗng chốc thu bé lại bằng một miền Tây dịu nhẹ - Ảnh 4.

Khung dệt thu hút ánh nhìn của khách ghé thăm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan quầy hàng bán đồ thủ công trưng bày tại nhà, Kha Run giới thiệu các mặt hàng đa dạng như như vải vóc, quần áo, xà rông, khăn choàng cổ, túi xách, một số phụ kiện làm đẹp của người Chăm, quạt, giày dép, võng… 

Đây là những sản phẩm dệt mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại, duyên dáng, lại vừa thể hiện sự tinh xảo từ cách phối màu, lên bố cục đến đến kỹ thuật dệt, tạo hình hoa văn.

Ở làng Chăm Đa Phước này, tiếng thoi đưa lốc cốc là thứ đã ăn vào hơi thở.

Ghé vào một ngôi nhà khá khang trang, chúng tôi gặp cô gái xinh đẹp Mary đang dở tay trên khung cửi.

Mới 13 tuổi, Mary đã có kinh nghiệm 7 năm dệt vải. Cô gái Chăm cho biết đây là nghề chính của mình bên cạnh việc đến trường mỗi ngày.

Hai cô gái biết dệt khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Đưa tay luồn sợi vải qua con thoi, Marry cho biết mỗi ngày cô dệt khoảng 5 tấm vải với chiều dài 1.6m, rộng 60cm trong vòng 10 tiếng đồng hồ. Khi nào mệt sẽ nghỉ tay chốc lát rồi tiếp tục. 

Mary nói để tạo nên những tấm "vải Chăm" độc đáo đó đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian với nhiều công cụ trong một quy trình sản xuất độc đáo.

Trong đó, công đoạn khó nhất của nghề là lúc kéo không được để sợi vải bị đứt, đứt một hai sợi là phải thay tấm vải khác.

Ngắm hình ảnh các cô gái Chăm dệt vải, cả trời xuân bỗng chốc thu bé lại bằng một miền Tây dịu nhẹ - Ảnh 6.

Kéo sợi là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Theo Marry, nguồn vải dệt ở làng Chăm chủ yếu lấy từ thị xã Tân Châu bởi chất liệu vải xịn mặc rất mát.

Ngoài công việc trên khung dệt, vào ngày Tết các cô gái Chăm còn khéo léo tự tay chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình như cari, lapour để đãi khách.

Một số hộ khác thì làm thêm bánh tét, mứt, hoặc tiếp tục công việc buôn bán hằng ngày để kiếm thêm thu nhập. Bởi nếu chỉ sống bằng nghề dệt, những người dân ở đây sẽ khó có thể trang trải kinh tế gia đình.

Mai một

Từng là nghề truyền thống, dệt vải có thể giúp cả nhà đủ ăn đủ mặc. Nghề dệt ở làng Chăm từ 100 năm trước đã được biết đến là những "bậc thầy" dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi.

Đa Phước có khoảng 2000 hộ dân. Trước đây, nhà nào cũng có vài khung dệt để làm trang phục bán cho cộng đồng trong làng và khách du lịch.

Với phụ nữ Chăm Đa Phước, nghề dệt đã trở thành văn hoá tinh thần trong cuộc sống của họ.

Nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.

Thời cuộc đổi thay, từ khi vải công nghiệp giá rẻ xuất hiện, hàng dệt tại chỗ trởnên ế ẩm.

Vải vóc hút khách này nào giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, khiến nhiều người trong làng phải bỏ nghề. 

"Bây giờ chỉ còn vài nhà duy trì dệt thổ cẩm để bán cho người trong làng, hoặc khách du lịch tham quan, mua sắm. Nhưng sản phẩm làm ra cũng rất khó bán, chỉ có Tết hoặc vào dịp lễ hội thì may ra"– một phụ nữ Chăm Đa Phước nói với chúng tôi như vậy.

Ngắm hình ảnh các cô gái Chăm dệt vải, cả trời xuân bỗng chốc thu bé lại bằng một miền Tây dịu nhẹ - Ảnh 8.

Dù khó khăn nhưng không phụ nữ Chăm nào muốn nghề dệt của dân tộc mình thất truyền.

Để tồn tại, người Chăm tại đây còn buôn bán nhỏ, làm ruộng. Có người đến các thành phố lớn làm công nhân. Có người sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản hay đưa rước khách du lịch.

Nhưng dù có khó khăn, phụ nữ làng Đa Phước vẫn cố gắng giữ khung cửi, con thoi ở trước cửa nhà. Bởi khi tiếng dệt vang lên mỗi ngày, họ biết sự sống của mình vẫn đang tiếp diễn như những ngày đầu cha ông đặt chân đến xứ sở miền Tây trù phú.

 

Chia sẻ