New York và Singapore - hai thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022
New York (Mỹ) và Singapore là hai thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới sau khi lạm phát tăng vọt.
Đây là kết quả của cuộc khảo sát thường niên về Chi phí sinh hoạt toàn cầu do Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc Tạp chí The Economist (Anh) công bố vào ngày 1/12.
Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí sinh hoạt đều tăng cao ở các thành phố lớn nhất thế giới, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp diễn và các biện pháp chống dịch COVID-19 được gia hạn gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với năng lượng và lương thực.
Đây là lần đầu tiên thành phố New York xếp thứ nhất trong khảo sát về độ đắt đỏ của EIU, trong khi Singapore từng giữ vị trí này trong 5 năm liên tiếp cho đến năm 2019.
Thành phố Tel Aviv của Israel từng dẫn đầu bảng xếp hạng vào năm 2021, nay đứng ở vị trí thứ 3.
Trong khi đó, thủ đô Damascus (Syria) và thủ đô Tripoli (Libya) tiếp tục là những nơi có chi phí sinh hoạt thấp nhất thế giới.
Theo kết quả cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9, giá cả tại 172 thành phố lớn trên thế giới tăng trung bình 8,1%.
Người dân mua sắm tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các mức chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới đã được quy đổi thành đơn vị USD, do đó kết quả cũng phản ánh tác động của việc đồng USD tăng giá đối với chi phí sinh hoạt. Giá trị đồng USD đã tăng vọt trong năm nay khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp thực hiện các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát ở mức kỷ lục.
Ngoài New York, Mỹ còn có hai thành phố là Los Angeles và San Francisco lọt vào top 10 trong danh sách của EIU.
Theo EIU, Moscow và St. Petersburg (Nga) là hai thành phố ghi nhận mức "nhảy vọt" lớn nhất trong danh sách khi "lần lượt tăng 88 và 70 bậc do giá cả tăng cao," trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thị trường năng lượng nhộn nhịp thúc đẩy đồng Ruble tăng mạnh.
Nhận định về kết quả trên, bà Upasana Dutt, người đứng đầu cuộc khảo sát, cho rằng xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và chính sách phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng, cùng với ảnh hưởng của biện pháp tăng lãi suất và thay đổi tỷ giá hối đoái, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới.
Theo bà Dutt, mức tăng giá trung bình được ghi nhận trong năm 2022 cũng là mức cao nhất EIU từng ghi nhận trong 20 năm kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu kỹ thuật số.