“Nếu yêu bố mẹ thì con phải làm cái này”: Khi người lớn gieo vào đầu trẻ ý nghĩ tình yêu luôn đi kèm điều kiện, nhà chưa chắc là tổ ấm
Giá trị cao nhất của một gia đình là tình yêu, sự chở che. Nếu ta đặt điều kiện thì tình yêu đã thành món hàng có thể đổi chác, khi đó nó có còn là tình yêu thực sự?
Nhiều bậc cha mẹ thường có một thói quen phổ biến. Đó là khi muốn yêu cầu con làm điều gì thì thường hỏi dò: “Con có yêu bố/ mẹ không?”. Tất nhiên con sẽ đáp lại “Có ạ”. Ngay lúc này, bố mẹ liền chớp thời cơ để nhờ con làm việc nhà dưới danh nghĩa tình yêu: “Nếu yêu bố/ mẹ thì phải…”, “Nếu con không… thì không phải là yêu bố/ mẹ”.
Đây có lẽ là tình huống quen thuộc trong mọi gia đình và chính nhiều bố mẹ cũng thấy nó bình thường, không có gì sai trái. Tuy nhiên không ít người lại phản bác, cho rằng đây là cách dạy dỗ sai lầm, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của con. Bởi nó có thể khiến con nghĩ rằng, tình yêu luôn đi kèm với điều kiện.
Mới đây một Facebooker tên N.T.B.N đã chia sẻ một câu chuyện xung quanh vấn đề này và đưa ra quan điểm cá nhân. Theo đó chị N không đồng tình với cách bố mẹ hỏi con về tình yêu thương và đưa kèm điều kiện. Chị N. phân tích rõ từng ý và chỉ ra những tác hại của cách dạy dỗ này.
Những chia sẻ của chị đã nhận được nhiều sự đồng tình từ cộng đồng mạng và khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình suy nghĩ lại. Cụ thể nội dung như sau:
“Chị kể chuyện cho mình nghe:“Chị hỏi anh,“Anh có yêu em không?”. Anh bảo có. Chị tiếp tục bảo, “Anh yêu em mà sao hổng làm cái này hổng làm cái kia cho em. Yêu thương thì phải có hành động chứ nói miệng thì ai chẳng nói được”.
Chị cũng dạy con như thế, “Con yêu mẹ không?”. “Con có”. “Yêu mẹ thì con phải siêng năng làm phụ giúp mẹ việc nhà cho mẹ đỡ mệt. Yêu bằng mồm ai chả yêu được”.
Mình phì cười, “Ái chà, sao chị cài bẫy anh với con vậy? Yêu là yêu mà làm việc là làm việc chớ. Phải làm việc thì mới yêu, không làm thì không yêu à? Hai chuyện đó khác nhau mà. Chị cài bẫy anh như vậy mai mốt anh sợ, chị hỏi anh có yêu em không anh không dám nói yêu vì sợ bị chị mắng cho vì một tội nào đó thì chết.
Với con cũng vậy”. Chị và mình tranh cãi tưng bừng, tất nhiên là… mình thua!
Thật ra, chị không phải là số ít. Mẹ mình và rất nhiều người khác cũng suy nghĩ như vậy.
Hồi mình còn nhỏ, mình cũng thường nghe ba mẹ thủ thỉ hoặc quát, “Con không ngoan nên làm tóc mẹ bạc”.
“Yêu mẹ thì phải ngoan, vâng lời, đi học nghe lời thầy cô, không được cãi”.
“Yêu bố thì phải biết tự động làm việc nhà đừng để bố lên cơn đau”.
“Con không nghe lời không ngoan mẹ không yêu”.
“Đấy, con nhà hàng xóm học hành giỏi giang như thế mà sao con nhà mình thì học dốt ham chơi…?!”.
“Ối giời ơi con với cái, sao tôi lại khổ thế này!”…
Đọc đến đây, mình dám cá hơn 90% bạn đọc sẽ thấy bóng dáng tuổi thơ của bạn trong đó hoặc đang hành xử như vậy với chính con cái mình. Bạn nghĩ gì?
Mình sợ!
Mình yêu mẹ. Mẹ dạy mình rất nhiều điều hay, tính nhân bản, tình yêu thương con người, sự tinh tế. Nhưng đồng thời mình cũng sợ mẹ đến chết khiếp.
Cho đến giờ mình không bao giờ tâm sự với mẹ về những nỗi đau, về những tổn thương, về những gì mình đã phải trải qua vì mình sợ “làm tóc mẹ bạc” thêm.
Mình va vấp trong cuộc đời, cô đơn, trầm cảm… mình cũng không tìm về bên mẹ vì sợ mẹ sẽ không yêu mình nữa bởi mình hư.
Mình cũng giấu luôn những thất bại trong cuộc sống vì sợ mẹ so sánh mình với một đứa nào đó trong xóm – cái đứa con nhà hàng xóm mà không ai biết nó là đứa nào! Lúc nhỏ, mình đã có lúc tự hỏi sao ba mẹ không đi yêu cái đứa hàng xóm và vứt mình ra đường cho rồi!? Rõ ràng ba mẹ yêu mình, tại sao lại cứ phải chê bai, chỉ trích, đặt điều kiện?
Bạn có thấy bản thân bạn trong mình không? Nếu có, hãy ngẫm xem: Có phải chúng ta có gia đình, có ba mẹ anh chị yêu thương nhưng thật ra chúng ta là những đứa cực kỳ cô đơn và không được yêu thương, không có tổ ấm đúng nghĩa?
Vậy thì tại sao chúng ta lại nỡ lặp lại điều đó với vợ chồng con cái của chúng ta? Tại sao chúng ta không thể dừng lại cái việc ra điều kiện và bắt người thân phải đáp ứng điều kiện thì mới được yêu?
Mình tin rằng ông bà cha mẹ chúng ta ngày trước dạy con, nói với con những điều trên theo kiểu bắt chước thế hệ trước đó, lặp lại, nghĩ nó đúng.
Họ không được tiếp cận với cách dạy khác. Họ không có lỗi khi vô tình gây ra những tổn thương cho con cái.
Nhưng còn chúng ta, khi thời đại thông tin đã bùng nổ, chúng ta thừa sức để tìm hiểu và có nhận thức khác, tại sao ta không thay đổi để vợ chồng con cái chúng ta và cả ta hạnh phúc hơn, xây dựng một tổ ấm thực sự – nơi mà mọi thành viên được yêu không vì lý do gì, không sợ bị phán xét, không cần che giấu những lỗi lầm và tự hào về những thành công.
Giá trị cao nhất của một gia đình là tình yêu, sự chở che. Nếu ta đặt điều kiện thì tình yêu đã thành món hàng có thể đổi chác, nó có là tình yêu thực sự?
Nếu là tình yêu thực sự thì nó phải là tự nguyện, vô điều kiện, nhất là với con cái bởi chúng ta đẻ chúng ra chứ chẳng có đứa nào được chọn cả.
Chúng ta dạy trẻ làm việc, tự chăm sóc bản thân, học hành… là dạy kiến thức, dạy trẻ biết sẻ chia để những điều đó là hành trang cho trẻ vào đời sau này chứ có phải chúng làm cho ta thì mới yêu không làm thì không yêu đâu.
Nếu thực sự chúng không ngoan, không làm việc ba mẹ không yêu thì người Việt chúng ta là giống loài gì? Tệ hơn cả những con thú hoang ư? Đâu phải thế! Vậy tại sao lại cứ phải thể hiện như vậy thì mới được cho rằng đúng?
Cái sợi dây gắn bó các thành viên trong gia đình lại với nhau là tình yêu. Hãy để tình yêu là tình yêu đơn sơ, thuần khiết, đừng gắn vào nó bất cứ thứ gì.
Hãy để con cái chúng ta được yêu và yêu chúng ta bằng một tình yêu vô điều kiện. Bởi nếu ta đặt điều kiện với chúng, có bao giờ chúng ta tự hỏi chúng cũng đặt ngược điều kiện lại với chúng ta không?
Điều gì sẽ xảy ra khi đó?”.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.